'Trả lại Sài Gòn náo nhiệt cho tui': Ra khỏi nhà vì nghĩa tình, vì yêu thương

Đình Phú
Đình Phú
17/07/2021 15:01 GMT+7

Bà con khắp mọi miền đều hướng về Sài Gòn, lo cho đồng bào giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bao vây tứ bề . Tôi thấu cảm được nhiều người ở Sài Gòn, đã rất thương mà chia sẻ rằng: "Trả Sài Gòn náo nhiệt lại cho tui".

Trong nhiều group, bạn bè chụp và chia sẻ hình ảnh nhiều comment (phản hồi) trên mạng xã hội về nhiều chia sẻ, động viên nhau, mong Sài Gòn cố lên để vượt qua dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có nhiều phản hồi: "Trả Sài Gòn náo nhiệt lại cho tui".
Thành phố thân yêu này, tôi nghĩ là của chung, chung cho tất cả mọi người, chung cho cả nước. Sài Gòn đâu của riêng ai, thân thương là vậy. Mà khi Sài Gòn "đang bệnh" (cách ví von nhẹ nhàng của nhiều người khi nói về tình cảnh dịch bệnh nơi này), sự náo nhiệt vốn có của nơi này, đã không như trước. 
"Trả Sài Gòn náo nhiệt cho tui", người chia sẻ hẳn không muốn "đòi" cho riêng họ, hẳn cũng không "đòi" cho ai cả. Mà hơn cả, là sự mong mỏi, hy vọng, khi tất cả đã cùng hợp lực cùng nhau, sát cánh cùng nhau, quyết tâm cùng nhau để sẽ sớm vượt qua dịch bệnh. 
Những ngày này, Sài Gòn giãn cách xã hội. "Ai ở đâu ở yên đó" là thông điệp kêu gọi tất cả bà con, để góp sức phòng chống đại dịch Covid-19. Vậy mà có những người ra khỏi nhà mình để tất tả lo nhiều phần việc giúp đỡ những người đang gặp khó giữa “bão dịch”. Với tôi, họ ra khỏi nhà như vậy, là ra với tâm thế đầy yêu thương.

Người Bình Thuận tặng 2 xe container lương thực cho bà con Sài Gòn chống dịch

Đừng viện cớ để "ra đường không chính đáng”

TP.HCM đang giãn cách xã hội, theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Chỉ thị 16 yêu cầu tất cả công dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và đã chỉ rõ những lĩnh vực thiết yếu, mà công dân tham gia vào lĩnh vực thiết yếu đó, thì ra đường, nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch theo khuyến cáo 5K.
Song, những tình huống “ra đường không chính đáng”, thì tôi thấy Chỉ thị 16 không nêu tường tận. Và đây cũng được xem là “khoảng trống” mà một vài trường hợp vin vào để ra đường, như có trường hợp mà Báo Thanh Niên từng phản ánh, là từ TP.Thủ Đức lên tận Q.3 cách cả chục cây số, chỉ để mua vài quả xoài, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, thì lại cho rằng “ra đường mua nhu yếu phẩm” để tránh né việc bị xử phạt.

Phân phối thanh long để phát tặng khu phong tỏa

ĐÌNH PHÚ

Phòng chống dịch sao cho hiệu quả nhất, không chỉ đến từ một phía, là phía cơ quan chức năng, mà nó luôn đòi hỏi rất cao từ phía còn lại, đó là ý thức chủ động phòng tránh của mỗi người.
Chống dịch thành, dịch sẽ hết, dịch hết thì cuộc sống trở lại bình thường. Sự bình thường đó, mọi người thụ hưởng, đó là mong mỏi của tất cả mỗi người. Vậy thì cớ gì chúng ta lại biện ra những lí do không đâu để phục vụ cho nhu cầu chưa cấp thiết trong bối cảnh hàng triệu con người đang gồng mình chống chọi với Covid-19?
Nếu như, ai đó không tự “vẽ vòng mà đứng” cho an toàn trong tình huống dịch phức tạp, thì nguy cơ khi dịch nó ở mức cao, tất cả đều không kham nổi. Không kham nổi, thì đối mặt nỗi lo “vỡ”. Đã “vỡ”, thì khó làm “lành” lại. Hệ lụy ảnh hưởng dây chuyền kéo dài, đều khổ hết thảy, chẳng ai sung sướng gì.
Nói vậy để thấy, ví như cá nhân tôi, hoặc người nhà, nếu trong sinh hoạt hằng ngày, làm việc mà ý thức và chủ động phòng tránh được nguy cơ dịch bệnh, khi công cuộc chống dịch bệnh thành công, mình cũng thấy niềm vui của mình có trong thành quả đó. Cùng góp ý thức vào việc chung, dù chỉ một chút nhỏ thôi, cũng lắm ý nghĩa. Và hiệu quả chống dịch của một thành phố lớn như thế này, thành hay bại cũng phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân.

Người Sài Gòn đến shop mỹ phẩm, siêu thị ‘bỉm sữa’ mua rau củ quả ngày giãn cách

Ra đường vì... nghĩa tình

Trở lại chuyện ra khỏi nhà trong yêu thương, tôi nghĩ ai cũng cho rằng, đó là chuyện rất chính đáng. Sài Gòn còn quá đông công nhân, người nhập cư, lao động tự do… và đa phần trong số đó, đều ở trọ, cuộc sống đắp đổi qua ngày, ăn bữa hôm lo bữa mai. Dịch giã kéo dài, giãn cách xã hội tháng này kéo qua tháng khác, nghỉ việc, mất việc, hết đường mưu sinh, không ít hoàn cảnh bế tắc.
Sống, họ vẫn phải sống. Nhưng, thực tế là đa phần, đều sống trong âu lo, bấp bênh, thiếu thốn. Họ cần sự trợ giúp từ cộng đồng. Thành phố không chủ trương cấm hoạt động thiện nguyện, bởi hoạt động này góp sức rất lớn vào việc chăm lo thêm tốt hơn những hoàn cảnh khó khăn. Không để thiếu đói, đó cũng là một chuyện để cùng vượt qua đại dịch.
Và thực tế rất hay, là có nhiều người đã ra đường để thực hiện việc thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ấy.

Phân loại, đóng thùng thanh long để chở từ Bình Thuận vào giúp bà con khó khăn ở Sài Gòn

TRÚC GIANG

Anh Minh Thuận, ở Q.10, từng làm báo, sau chuyển qua làm luật sư. Dịch đợt này, có thời điểm anh là F1 (đi mua hàng “đụng” phải F0 là thu ngân). Sau cách ly, anh cùng với những người bạn - anh Trần Hùng (ở Q.3), anh Đức Liên (ở Q.Gò Vấp) bỏ tiền túi ra đi mua gạo, đến các khu phong tỏa phát tặng. Làm tích cực, nhiều bằng hữu thấy, đã góp thêm tiền, các anh lại mua gạo, đi phát tặng tiếp. Mới hôm rồi tôi biết thông tin có một mái ấm, chủ yếu là người bán vé số và tự nấu bánh đi bán dạo, dịch, đều “thất nghiệp”. Tôi ngỏ lời xin giúp, hôm sau các anh giải quyết giúp đỡ ngay. Rất tình nghĩa!
Hay như anh Đình Sơn, phóng viên Báo Thanh Niên, những ngày vừa qua cũng rất hay ra đường, chỉ để chuyên chở nhu yếu phẩm, rau củ quả mà anh và bằng hữu mua; rồi vận động nhiều cá nhân ở nhiều tỉnh, thành ủng hộ thêm kinh phí mua hàng chục tấn, phát tặng cho khu phong tỏa, công nhân, bếp ăn từ thiện ở Sài Gòn...
Việc thiện nguyện lan tỏa, đến mức nhiều chủ vườn ở Gia Lai, Đắk Lắk khi có tình nguyện viên đến vườn thu mua, đã không lấy tiền, dù họ là nông dân, không giàu có gì. Đọc chuyện này khi anh chia sẻ qua Facebook, tôi thấy tình nghĩa lắm luôn. Rồi nhiều cá nhân khác tình nguyện chuyên chở miễn phí đi phát tặng, tôi thấy cũng rất tình nghĩa.

Dân quân tự vệ hỗ trợ phân phối gạo tiếp tế

ĐÌNH PHÚ

Chị Trúc Giang và chồng là anh Đồng, ngụ ở P.Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM) là một điển hình của câu chuyện ra khỏi nhà trong yêu thương. Qua người quen thân giới thiệu, tôi biết được anh chị này mê làm việc thiện nguyện. Y bác sĩ, lực lượng chức năng lo điều trị, khoanh vùng, dập dịch…, thì anh chị lại tích cực tham gia chống dịch bằng những việc làm thiện nguyện. Làm nhiều, khá rộng khắp.
Sống ở Sài Gòn, nhưng quê nhà anh Đồng và chị Giang ở Bình Thuận. Đợt dịch trước, khi một số địa phương ở Bình Thuận bùng dịch, anh chị mang số lượng lớn khẩu trang, nước sát khuẩn, kính chắn giọt bắn… ra tặng.
Đợt này, Sài Gòn bùng dịch, anh chị và chị Lê Hoài Anh tự bỏ tiền túi ra mua nhiều vật tư y tế tặng các lực lượng phòng chống dịch ở TP.Thủ Đức và nhiều nơi khác, trị giá hàng tỉ đồng. Tặng hết nơi này, qua tặng nơi khác. Nhiều người cố can, đừng đi nhiều, lỡ nhiễm bệnh thì thêm lo. Chị lắng nghe, nhưng cứ bình thản, vẫn làm. Làm nhiều, bằng hữu thấy hay, quyên góp thêm tiền để làm nữa. Đi đứng an toàn, giữ 5K an toàn, chị làm. Đi đâu tặng, có chồng chị đi theo. Chị Hoài Anh cũng luôn tích cực.
Cách đây 3 hôm, anh chị “tháp tùng” 2 chiếc container từ Bình Thuận vào Sài Gòn, chở 40 tấn hàng hóa, gồm thanh long, gạo, cá khô, nước mắm, khẩu trang, và nhiều nhu yếu phẩm khác, tập kết ở khu vực chợ Bình Khánh (P.An Khánh, TP.Thủ Đức).
Tầm 5 giờ xe đến, hàng chục dân quân tự vệ, công an, công nhân công ty công ích… đã đến chờ sẵn, xúm vào sang tải hàng hóa từ xe container qua các xe tải nhỏ để kịp chở đến các khu vực phong tỏa tặng phát cho bà con. Hôm ấy, tôi còn thấy có nhiều cán bộ mặt trận, ủy ban của TP Thủ Đức, của phường, công an một số quận đến giúp phân phối hàng tiếp tế. Đến khuya, 40 tấn hàng được phân phối gần hết, chị Giang và anh Đồng, chị Hoài Anh cùng mọi người mới về nhà.
Chị Giang bảo chị làm vì thích, thấy có nhiều bà con đang cần giúp, chị làm. Sức chừng nào cố gắng dốc hết, để làm. Làm nhiệt thành, hiệu quả, minh bạch. Lần này, 40 tấn hàng từ Bình Thuận vào, là nhờ sự ủng hộ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Nguyên Thuận, Công ty cổ phần nông lâm Bình Thuận, Hội Cựu chiến binh Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), nhiều nhà hảo tâm khác…

Xe container chở 40 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm từ Bình Thuận vào phát tặng cho khu phong tỏa, lực lượng phòng chống dịch ở Sài Gòn

TRÚC GIANG

Ở Bình Thuận lúc này có nhiều địa bàn giãn cách xã hội vì dịch bệnh, đi lại khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo Bình Thuận, mọi việc suôn sẻ. Ở phía trong này, cán bộ phường và TP Thủ Đức cũng tích cực hỗ trợ. Nhờ đó, 40 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm từ vùng giãn cách xã hội đã đến được các khu vực phong tỏa ở Sài Gòn kịp thời.
Trong tình cảnh đầy khó khăn vì dịch bệnh, tôi thấy, với chuyện nghĩa tình, lúc nào cũng có đủ đầy sự cộng hưởng, lan tỏa. Tất cả hợp lực, cũng để giúp kịp thời người khó. Làm được nhiều như vậy, tôi nghĩ ai cũng thấy tất cả đều tốt lành.
Nhiều người làm tốt thiện nguyện như vậy, tôi nghĩ cũng là góp thêm một động lực, cho Sài Gòn vượt qua Covid-19, cho Sài Gòn sớm trở lại náo nhiệt như xưa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.