TP.HCM giãn cách xã hội, cha mẹ bối rối khi con bức bí đòi đi chơi

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
07/06/2021 14:14 GMT+7

Khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố để ngăn chặn dịch Covid-19 thì cũng là lúc những gia đình có con nhỏ phải nỗ lực tối đa, nhiều người ‘đau đầu’ không biết giải thích sao khi con muốn đi chơi.

Vì dịch nên không thể gởi con về quê

Đó là hoàn cảnh của chị Trần Khánh Vân (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM). Chị Vân cho biết con trai chị được nghỉ hẳn ở nhà từ ngày 10.5. Từ ngày Coca (tên gọi ở nhà của con chị Vân) được nghỉ học, cuộc sống của gia đình 3 người gồm vợ chồng chị Vân và con trai hầu như đảo lộn.
Chị Vân tâm sự, vì gia đình chị mở một cửa hàng buôn bán nhỏ tại nhà nên chồng của chị Vân hàng ngày ship hàng hóa theo đơn đặt hàng còn chị lo liệu việc ở cửa hàng kiêm luôn làm phục vụ quán. Sau khi ship hàng về nhà, chồng chị tiếp tục bận rộn nhắn tin với khách hàng để chốt đơn nên công việc ở quán và việc chăm sóc con trai Coca được chị Vân lo liệu.
Tuy nhiên, vì đang tuổi ăn tuổi lớn nên theo thói quen sau mỗi bữa cơm Coca thường bám lấy chị Vân để đòi đi chơi đu quay, đi công viên,... ngay cả lúc chị bận việc trong cửa hàng. Để giải quyết việc này, chị Vân bật ti vi cho con xem, vì chỉ như vậy như vậy bé mới chịu ở yên một chỗ.

Nhiều lúc chị Vân phải để cho con chơi một mình vì bận công việc ở quán ăn

Ảnh: CTV

“Dịch bệnh nên khách đến quán cũng vắng hơn, hai vợ chồng cũng có thời gian bên con nhiều hơn vào buổi tối. Ba nó thì không quen chăm con nên thành ra chỉ phụ chơi với con. Tuy nhiên vào những lúc có nhiều khách vào quán tôi vẫn phải để con chơi một mình. Nhưng mà cứ hở ra tắt ti vi là con lại đòi đi chơi. Mình nói với nó là dịch bệnh không ra ngoài được mà con không tin cứ nằng nặc đòi đi”, chị cười kể lại.
Cũng có con nhỏ được nghỉ học ở nhà để phòng dịch bệnh, anh Đặng Văn Ngọc (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết quê anh ở tỉnh Quảng Trị. Hằng năm khi con nghỉ hè anh chị sẽ gửi con cho bà nội ở quê hoặc đón bà nội vào chăm sóc để tiện đi làm nhưng hiện tại tình hình dịch diễn biến phức tạp nên anh chị không gửi con về quê được.
Vì cả hai vợ chồng anh Ngọc đều làm việc giờ hành chính nên phải nhờ em của anh Ngọc là sinh viên đại học phụ giúp trông nom cháu, may mắn em của anh Ngọc cũng tạm thời được nghỉ học để phòng dịch.

Tự dạy con học

Hai vợ chồng thay nhau chăm sóc con đã không dễ dàng, những ông bố, bà mẹ đơn thân chăm con trong mùa dịch lại càng khó khăn hơn. Chị Nguyễn Ngọc Nhi (33 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) hiện là mẹ đơn thân và làm nghề chạy xe ôm công nghệ cho biết con gái 7 tuổi của chị cũng được nghỉ học ở trường để phòng dịch từ ngày 10.5. Một mình chăm con khiến chị Nhi càng “đau đầu” gấp đôi. Lúc con đi học, hằng ngày chị Nhi sẽ canh giờ con gái tan học tranh thủ nhận cuốc xe gần trường để tiện đón con.
Con nghỉ học, chị Nhi gửi bé ở nhà bà ngoại gần bên nhà để tiếp tục công việc kiếm tiền nuôi con. “Bé cũng lớn, ăn uống vui chơi tự túc nên tôi không phải chăm nhiều, bé xem tivi, làm việc lặt vặt trong nhà, phơi đồ, quét nhà tưới cây, đến giờ ăn thì ăn, ngủ thì ngủ nên cũng đỡ phải lo lắng”, chị nói.
Chị Nhi cho biết, ngoài việc cho đi học thêm chỗ cô chủ nhiệm, nghỉ hè hằng năm chị còn gửi con gái chị học thêm ở nhà cô giáo gần nhà chị vào buổi tối nhưng vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên năm nay hầu hết các lớp học đều nghỉ.

Chị Nhi tranh thủ có cuốc xe gần nhà là ghé về thăm con vì sợ con trốn đi chơi khi chị đi làm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Nếu có cuốc xe gần gần nhà tôi cũng ghé vào nhà cái rồi chạy tiếp, cũng sợ con đi theo bạn chơi nên lâu lâu phải ghé về thăm xem tình hình như vậy chứ con biết mẹ chạy xe đến tối mới về là trốn ngoại đi chơi luôn”, chị nói.
Sợ con mất kiến thức, chị Nhi tranh thủ thời gian ở nhà buổi tối để dạy kèm cho con học từ khoảng 19 giờ 30 phút đến 21 giờ. Nếu chị bận việc thì em gái chị sẽ dạy thay. Nhưng điều khiến chị Nhi phiền lòng là con chị đa số không hiểu theo cách của mẹ dạy mà hiểu theo cách của cô giáo nên đôi khi giống như học lại từ đầu. Chị Nhi chủ yếu kèm cho con rèn chữ viết chính tả, nếu thấy chữ xấu thì sáng hôm sau bắt ở nhà viết chữ lại để buổi trưa về kiểm tra.
Làm tài xế xe ôm công nghệ nên dịch bệnh cũng khiến công việc của chị Nhi bị ảnh hưởng vì không dám nhận nhiều cuốc xe. Chị Nhi chia sẻ mỗi ngày chỉ nhận tầm 12 đến 15 cuốc xe là sẽ về nhà.
“Đi suốt cũng sợ nhiễm dịch rồi về nhà còn con cái nữa không biết ra sao nên cũng hạn chế. Chỉ cầu mong sau cho hết dịch bệnh để công việc ổn định, các em đến trường học tập theo chương trình giáo án, chứ học 2 tháng nghỉ 2 tháng các em cũng bị quên mất kiến thức. Con gái tôi cũng vì vậy học yếu đi nhiều nên rầu lắm”, chị Nhi bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.