TP.HCM bùng phát dịch Covid: Nhận cơm gạo miễn phí, 'người Sài Gòn tốt bụng mỗi ngày!'

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
11/06/2021 13:05 GMT+7

Dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM khiến nhiều người dân lâm vào cảnh thất nghiệp. Cuộc sống khó khăn, nhiều người dân nghèo sống tại Q.Gò Vấp, hay nhiều nơi ở TP.HCM xúc động vì nhận được cơm, từng bị gạo miễn phí trong những ngày giãn cách xã hội này.

Ngày thứ 12 quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phòng dịch Covid-19, cũng là ngày thứ 12 mà quán Bò Tơ Năm Sánh (hẻm 293 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp), hay hàng chục điểm, quán ăn phát cơm, gạo miễn phí cho người dân khó khăn khắp TP.HCM.
Hàng chục ngàn phần cơm miễn phí, đã được phát bất kể ngày giờ. Tại nhiều nơi phát cơm từ thiện, từ rất sớm đã có người đến trước cổng quán ăn xếp hàng để nhận cơm.

Chủ quán bò tơ nấu ngàn phần cơm trưa cho dân nghèo Gò Vấp giữa Covid-19

“Không đủ tiền đóng trọ thì sao mua cơm”

Người dân khi đến nhận cơm sẽ được nhắc nhở để xếp hàng, ngồi ghế giữ khoảng cách đợi lấy cơm. Trò chuyện với bà Đặng Thị Thập (60 tuổi, ngụ trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp) trong lúc đợi cơm, bà cho PV biết bà cùng con gái rời quê vào Sài Gòn mưu sinh được 7 năm qua. Hai mẹ con bà Thập làm nghề nhặt ve chai, đẩy xe xung quanh khu vực Gò Vấp.
Ngày trước hàng quán còn mở cửa, bà Thập có thu nhập ổn định hơn, thấy khó khăn, có người cho thêm ve chai. Dịch bùng phát, bà ngao ngán kể lại từ sáng đến trưa chỉ mới lượm ve chai được khoảng 20 nghìn đồng, trước dịch tầm này là đã được 200 nghìn đồng.

Người dân đến quán được hướng dẫn ngồi giãn cách, đợi đến lượt nhận cơm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Từ khi phong tỏa Q.Gò Vấp để phòng dịch, phòng trọ nơi bà ở vẫn giữ nguyên giá tiền, tính cả tiền điện nước thì bà phải trả 1,2 triệu đồng/tháng. Chủ trọ của bà Thập hỗ trợ cho mỗi người 10kg gạo, phòng 2 người như bà Thập thì được 25kg gạo.

Nhiều người cho biết mình thất nghiệp và không đủ tiền để đóng tiền nhà trọ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Tôi đi nhặt ve chai thấy người ta bảo nhau nên cũng đến nhận cơm, nhận 2 phần, một phần cho con. Lát mình kiếm chỗ nào mát để ăn, gọi điện cho con gái nói đến đây lấy cơm ăn. Người Sài Gòn rất là tốt bụng, giữa dịch bệnh thế này mà vẫn nấu cơm miễn phí cho người nghèo khổ như chúng tôi. Bình thường đi đường nhặt ve chai tôi cũng hay được giúp đỡ và còn được cho cái này cái kia như bánh mì, cơm. Thật sự không biết nói gì ngoài cảm ơn”, bà bày tỏ.

Quán cơm 0 đồng nấu liên tục 6 ngày qua để phát cơm cho những người dân ở Q.Gò Vấp

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ngồi gần đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (ngụ Q.Gò Vấp) kể lại đang ở nhà thì hàng xóm đến gọi đi nhận cơm. Bà tâm sự nay là hạn đóng tiền nhà, vì chưa có tiền nên hẹn dời ngày đóng với chủ. Bà Ngọc hiện sống cùng một người con đã 40 tuổi mắc bệnh tâm thần và thường xuyên đi lang thang ngoài đường. Trước dịch, bà Ngọc làm tạp vụ ở nhà hàng nhưng đã tạm nghỉ ở nhà từ ngày 24.5.
Trước đây khi làm việc ở nhà hàng bà Ngọc chủ yếu lấy cơm dư ở nhà hàng mang về. Gần cuối tháng 5, bà được nơi làm việc hỗ trợ 5kg gạo và 10 trứng gà.
“Mùng 5 là đóng tiền nhà nhưng từ mùng 4 là người ta đã thông báo rồi, vì chủ nhà biết tôi tạm thời thất nghiệp nên cũng đồng ý. Không đủ tiền đóng tiền nhà thì sao mua cơm, một tháng tiền phòng cả điện nước là 2,5 triệu đồng”, bà nói.

Trợ lý giám đốc pha cà phê, nhà hàng nấu cơm “tiếp sức tiền tuyến” chống Covid-19

Lấy cơm giúp những người khó khăn khác

Bà Hoàng Thị Tuyết (ngụ Q.12) cho biết đến quán cơm để lấy cơm giúp cho những người ở gần nhà đã lớn tuổi, bệnh tật, có cả trẻ em rất khó khăn trong mùa dịch. “Những người đó không có phương tiện để di chuyển nên cũng không biết thế nào để nhận cơm nên tôi qua đây một mình để nhận rồi về phát”, bà giải thích.

Bà Tuyết đến nhận cơm về phát cho hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Vịn tay vào cổng dáo dác nhìn vào trong, chị Võ Thị Anh Tuyết (ngụ Q.Gò Vấp) tâm sự đến quán cơm rất sớm để lấy cơm cho chị và còn lấy thêm để phát cho cả dãy trọ có 10 phòng. Những người sinh sống ở dãy trọ của chị đa số là công nhân, phụ hồ, phụ quán,... Chị cho biết chị may đồ tại nhà nên không bị ảnh hưởng nhiều như những người khác nhưng thu nhập cũng giảm sút.

Vài người đến từ rất sớm để đợi lấy cơm vì sợ hết phần

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Trong mùa dịch khó khăn như vậy mà gặp được người cho cơm như thế này thì quý lắm, đôi lúc còn không có mà ăn nữa. Tôi tới đây lấy 10 phần cơm rồi phát cơm cho những người trong xóm”, chị nói.
Tương tự, bà Trần Thị Thúy Hằng (56 tuổi) cũng đã ở nhà 6 ngày vì quán hủ tiếu lề đường nơi bà phụ việc rửa chén đã tạm đóng cửa. Bà rưng rưng nước mắt kể lại phải tự đi làm nuôi mình vì con cái đã lớn nhưng ai cũng không khấm khá gì. Ngoài xin cơm cho mình, bà Hằng con xin thêm phần cơm cho hàng xóm ở cùng dãy trọ vì yếu quá không đi được.
“Ở đây người ta khuyên không nên ra đường, tôi cũng chỉ có việc như đi lấy cơm như thế này thì mới ra đường thôi. Nếu người ta có tiền thì người ta ăn dần, mình không có tiền thì phải chịu thôi. Tôi đi rửa chén ngày nào ăn ngày đó, giờ thất nghiệp ở nhà mà có người cho cơm miễn phí như vậy là quý lắm”, bà bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.