TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Tài xế, tiếp viên xe buýt thất nghiệp, chật vật xoay xở

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
21/06/2021 12:14 GMT+7

Tối 19.6, tài xế, tiếp viên xe buýt TP.HCM nhận được thông báo tạm thời nghỉ việc phòng dịch khiến nhiều người thất nghiệp, người kẹt ở thành phố, người về quê kiếm việc làm gửi lên đóng tiền phòng trọ.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 20.6, TP.HCM tạm dừng hoạt động xe buýt để phòng dịch Covid-19. Cuối ngày, nhiều tài xế tiếp viên xe buýt nhận được thông báo khẩn từ các hợp tác xã xe buýt khiến nhiều người bỗng chốc thất nghiệp. Muôn vàn nỗi lo, họ bắt đầu xoay xở khắp nơi để trang trải cuộc sống.

Chợ tự phát vùng ven Sài Gòn vắng hoe sau Chỉ thị 10 chống Covid-19

Mới chạy lại được một ngày thì... nghỉ luôn

Đang chuẩn bị để xuất bến chuyến xe buýt sớm vào ngày mai thì anh Tạ Ngọc Phú (20 tuổi) nhận được thông báo của hợp tác xã về việc tạm thời nghỉ việc ở nhà. Anh Phú hiện là tiếp viên xe buýt số 03 (Bến Thành - Thạnh Xuân), vì có lộ trình chạy qua những khu vực có diễn biến dịch phức tạp nên xe buýt số 03 tạm dừng hoạt động nửa tháng nay.
Đến ngày 19.6, xe buýt tuyến số 58, 59, 03, 32 mới được phép hoạt động trở lại. Vui mừng chưa được bao lâu thì anh và nhiều đồng nghiệp lại phải tiếp tục ở nhà, xe buýt nằm bãi. Anh Phú cho biết, hiện tại cả tài xế, tiếp viên và cả điều hành xe buýt đều tạm thời nghỉ việc cho đến khi có thông báo mới. “Mới nghe được thông tin thì hụt hẫng và lo lắng thật sự vì hầu hết tiếp viên và tài xế đều ở trọ, cuộc sống khó khăn”, anh nói.

Hành khách đợi xe ở các trạm xe buýt những ngày giãn cách xã hội trước khá vắng. Nay thì tất cả xe buýt ở TP.HCM phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Theo mình, xe buýt tạm ngưng hoạt động cũng tốt vì nghỉ thì sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho anh em tài xế hơn. Nhưng xe buýt hoạt động được thì mới có tiền để trang trải cuộc sống chứ nghỉ lâu quá thì chết thật”, anh nói thêm.
Gắn bó với nghề làm tiếp viên xe buýt được hơn 1 năm, anh bày tỏ công việc mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc. “Mình xem xe buýt như là nhà di động, nói thật ở nhà cũng nhớ buýt lắm. Mong là thành phố mau chóng hết dịch để còn cho anh chị em có công ăn việc làm ổn định lại. Mong mọi người tuân thủ theo quy định và tự bảo vệ sức khỏe thật tốt”, anh chia sẻ.
Cũng tương tự như anh Phú, anh Đặng Văn Hiệp (21 tuổi, tiếp viên xe buýt số 7) kể lại vừa về nhà sau một ngày làm việc thì nhận được thông báo của hợp tác xã.

Anh Phú vừa đăng tải thông tin xin hình ảnh để trang trí xe buýt chuẩn bị chạy lại cách đây vài ngày

Ảnh: NVCC

May mắn hơn, thời gian qua tuyến xe buýt của anh Hiệp vẫn được hoạt động bình thường nhưng giảm tuyến, chạy 1 ngày nghỉ 2 ngày. Anh kể lại một ngày chạy 12 chuyến xe buýt thì chỉ có khoảng 60 khách, có xe chỉ có 30 đến 40 hành khách. Về việc xe buýt tạm dừng hoạt động, anh Hiệp bày tỏ đã lường trước và chuẩn bị tinh thần vì từ ngày 6.6 tới nay có ca nhiễm Covid-19 đi xe buýt.

Xe buýt số 3 vắng khách những ngày giãn cách xã hội

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tuy nhiên, vì nghỉ việc bất ngờ nên hiện tại anh luôn đau đáu vừa sợ dịch vừa sợ không có tiền lo cho gia đình. Anh Hiệp là lao động chính trong gia đình, vợ ở nhà trông con nhỏ nên hiện tại cả gia đình anh đều thất nghiệp phải nương tựa vào ba mẹ ở thành phố.
Thất nghiệp nhưng anh và đồng nghiệp ủng hộ việc cho xe buýt tạm dừng hoạt động để phòng dịch. “Mình thấy ở nhà thì tốt hơn, dịch bệnh này đi cũng ớn lắm tại công việc thì làm thôi chứ đâu biết ai có bệnh ai không bệnh. Đi làm cũng chỉ đeo khẩu trang, mang bao tay với sát khuẩn. Nghỉ thì không có tiền nhưng cũng phải chịu thôi chứ đi về nhà cũng sợ có gì liên lụy cho vợ con”, anh bày tỏ.

TP.HCM tổng lực tiêm vắc xin Covid-19 gần 200 ngàn liều một ngày

Về quê kiếm tiền đóng tiền trọ

Đó là hoàn cảnh của anh Lê Xuân Huy và vợ khi xe buýt tạm ngưng hoạt động. Vợ chồng anh Huy là tài xế và tiếp viên xe buýt số 86. Xe buýt của anh Huy nghỉ chạy từ ngày 18.5 nên anh cùng vợ con về quê tránh dịch.
Sau 1 tháng ở quê, anh Huy lại nhận được thông báo xe buýt tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Chia sẻ với phóng viên, anh Huy bày tỏ: “Hoang mang, bất ngờ vì mình về quê tránh dịch. Mình chỉ tính tới phương án tạm thời vì nghĩ sẽ quay lại chạy xe trong thời gian ngắn nhưng giờ xe buýt toàn thành phố ngưng hoạt động đồng nghĩa với việc tình hình nghiêm trọng, nghĩ đến cứ thấy lo lo…”

Anh Huy làm tài xế xe buýt nhiều năm, nay phải về quê làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chỉ mang theo hành lý đơn giản về quê, nhiều đồ đạc của anh vẫn còn để lại phòng trọ ở Sài Gòn. Về quê nhưng đến tháng anh vẫn phải lo tiền trọ ở thành phố trong khi không biết tình hình lúc nào mới trở lại bình thường.
Đối với anh Huy, trong giai đoạn này, khó khăn với tài xế tiếp viên xe buýt là trang trải chi phí sinh hoạt vì không có thu nhập. Để vượt qua thì anh Huy ăn uống chi tiêu tiết kiệm, kiếm thêm việc làm lao động phổ thông ở quê như giao đồ, chở ga, nước lọc 1 ngày 200.000 đồng, gom góp tiền gửi lên đóng tiền nhà trọ ở Sài Gòn. Cũng trong thời gian về quê, anh Huy trồng thêm rau xanh, nuôi gà lấy trứng.
“Vừa giết thời gian mà cũng có cái để ăn, đỡ được đồng nào hay đồng đó. Mình mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động, không cần nhiều, hỗ trợ tượng trưng cũng được. Tuy ít, nhưng người dân nói chung và người lao động nói riêng và cả anh em tài xế tiếp viên xe buýt sẽ thấy được sự quan tâm của các cấp chính quyền, giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Huy bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.