TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Những công nhân F0 đau đáu chuyện gạo, tiền

18/06/2021 19:07 GMT+7

Nhận thông báo nhiễm Covid-19 , nhiều phận đời công nhân Sài Gòn tay chân run lẩy bẩy, người nóng ran, đủ nỗi lo đổ ụp lên đầu: lỡ bệnh nặng thì sao, đi trị bệnh tiền nhà trọ sao, tiền đâu gửi về quê lo cơm, áo…

Từ những vùng quê nghèo nhiều, nhiều người mang theo hoài bão đến Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai, bắt đầu cuộc đời công nhân. Lương không cao, nhưng chắt bóp từng đồng cũng đủ để họ tự lo được bản thân, gửi về quê cho cha mẹ hoặc nuôi con ăn học.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, vừa đi làm họ vừa hồi hộp lo sợ vì xưởng đông người, mỗi người tự nhắc nhau chủ động phòng dịch. Nhưng chuyện gì đến cũng đến, 24 công nhân của Công ty Trung Sơn (Q.Bình Tân, TP.HCM) từ F1 trở thành F0, điều lo sợ bấy lâu thành sự thật, đủ nỗi lo đổ ụp lên đầu những người công nhân vốn đã nặng gánh cơm áo gạo tiền.

Bản tin Covid-19 ngày 18.6: Thêm một ngày “kỷ lục” dịch bệnh ở TP.HCM

Tiền đâu?

Cuộc sống vất vả ở dải đất miền Trung, tháng 10.2020, anh T.P.C (30 tuổi, quê H.Gio Linh, Quảng Trị) đứt ruột để vợ và 2 con nhỏ ở nhà, vào Sài Gòn xin làm công nhân. Mức lương công nhân mới hơn 6 triệu đồng, áp lực là người trụ cột trong gia đình, anh dành dụm từng cắc một để có tiền gửi về quê.
Ngày 16.6, anh được lấy mẫu xét nghiệm vì trong công ty có ca nhiễm Covid-19, cả đêm chờ kết quả, anh trằn trọc chẳng thể chợp mắt, tưởng tượng những điều có thể xảy ra khiến đầu óc quay mòng mòng.

Sau khi có 2 F0, 24 F1 ở công ty Trung Sơn tiếp tục thành F0

Ảnh: Khánh Trần

“Lo thì lo vậy nhưng tôi vẫn nghĩ, suốt lúc làm đeo khẩu trang, mặc bảo hộ kín mít, sao mà dính được. Vậy đó, chiều 17.6 nhận kết quả dương tính, tôi ngã ngửa vì bất ngờ. Vừa lo mình bệnh không biết sẽ thế nào, vừa lo vợ con ở nhà, tháng này không có tiền gửi về, áp lực lắm. Người trụ cột mà”, anh thở dài.
Tối 17.6, ngồi trên xe cấp cứu từ khu cách ly KTX ĐHQG ở TP Thủ Đức đi Cần Giờ, người anh nóng như lửa đốt, vẫn chưa thể tin được mình dương tính, vẫn chưa có những lời giải cho câu hỏi cơm, áo, gạo, tiền những ngày tới…

Người nhà tiếp tế quần áo, thực phẩm cho công nhân Trung Sơn khi cách ly tại công ty trong tối 15.6

Ảnh: Khánh Trần

Vừa tới BV điều trị Covid-19 ở Cần Giờ, cũng là lúc anh bắt đầu sốt, cả đêm nhức đầu dữ dội không ngủ được. Trong căn phòng gồm 9 bệnh nhân dương tính, người sốt, người ho, anh C. chỉ chăm chăm vào màn hình điện thoại, rồi lại nhìn về khoảng sân phía trước… Quay qua quay lại trên giường bệnh, chưa bao giờ anh thấy lòng mình nặng trĩu như vậy.

Tạm phong tỏa chung cư 65 Đỗ Quang Đẩu ở trung tâm TP.HCM vì Covid-19

“Covid không sát nữa, mà ở trong người luôn rồi”

Anh D.H.A (39 tuổi, quê Cà Mau) 14 năm công nhân tại Trung Sơn cũng kể, khi biết mình là F1, anh không hề lo lắng gì vì ở công ty anh luôn mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
Trưa 17.6, được thông báo âm tính, anh báo về liền cho vợ đang chăm 2 con nhỏ ở Hậu Giang. Hai vợ chồng chưa kịp mừng bao lâu thì đến 14 giờ, công ty báo lại kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Vừa lo, vừa xuống tinh thần, anh kéo lại đọc các tin tức về tình hình dịch để động viên chính mình.

Nhiều công nhân khi đi trị bệnh vẫn đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền

Ảnh: PQV

Anh nói: “Đợt dịch này thấy Covid ở sát mình, mình cũng sợ, cũng phòng đủ thứ, mà giờ thì nó ở trong mình luôn rồi. Tới BV điều trị Covid-19 tôi càng lo hơn nữa, không khí ở đây khiến mình có cảm giác nhìn đâu cũng thấy Covid, nhất cử nhất động đều lo”.
Sáng 18.6, anh có biểu hiện ớn lạnh, bác sĩ cho thuốc để uống nhưng tình trạng trên vẫn chưa giảm. Là thu nhập chính trong gia đình, những ngày tới không lương, anh vẫn có thể tự lo được bằng tiền dự phòng, nhưng nếu việc điều trị, cách ly kéo dài, thì anh cũng không biết phải xoay thế nào.
Vừa vào viện, anh đã gọi nhờ bạn ở ngoài ra bưu điện gửi giúp anh ít tiền về quê để vợ lo cho con. “Vợ tôi không biết dùng ATM, nên thường phải gửi qua bưu điện rồi ra nhận, mà giờ tôi vào đây thì đâu gửi được, may mà có bạn giúp. Nhưng không biết tiền dự phòng cầm cự được tới khi nào, đời công nhân mà”.

Khu chợ công nhân tại Q.Bình Tân

Ảnh: Độc Lập

Từ ngày làm công nhân tại Sài Gòn, để tiết kiệm chi phí, anh A. ở khu tập thể của công ty, hằng tháng chỉ đóng tiền điện, nước, ăn tại xưởng, bữa nào không làm mới mua cơm bụi. Còn dư bao nhiêu, anh dành hết lo cho gia đình.
Nghe tin tức trên báo đài thấy công ty có nhiều ca nhiễm, mẹ già ở quê gọi lên hỏi thăm, anh cười trừ: “Con không sao, không là F gì hết” để mẹ yên tâm. Nói là vậy, nhưng anh vẫn đang ớn lạnh cả người và đang ở trong phòng dành cho bệnh nhân Covid-19. Đủ nỗi sợ cứ hiện ra trong suy nghĩ, anh tự nói với lòng: “Phải khỏe, phải hết bệnh, mình còn vợ con nữa”.

Dân chung cư Phạm Viết Chánh vẫn bình tĩnh dù lại bị phong tỏa vì Covid-19

F0 có thể là bất cứ ai

Anh H.V.M (19 tuổi, dân tộc Vân Kiều) từ Quảng Trị vào Sài Gòn làm công nhân từ cuối năm 2020. Cuộc sống xa nhà, lịch trình của M. hằng ngày là nhà trọ - công ty, cứ vậy lặp đi lặp lại suốt nửa năm trời.
“Lúc biết mình là F1 tôi hơi lo, báo cho gia đình ở quê biết. Người nhà động viên tinh thần, nói tôi chịu khó xíu. Rồi đùng cái dương tính, mình là F0, hụt hẫng và buồn lắm nhưng chưa có triệu chứng nên tôi không quá sợ hãi. Chỉ thắc mắc mãi là không biết vì sao mình nhiễm Covid-19, trong xưởng làm tôi luôn đeo khẩu trang, mặc bảo hộ công ty phát”, M. bày tỏ.

Đủ nỗi lo lên đầu công nhân khi nhiễm Covid-19

Ảnh: Độc Lập

Biết tin con trai nhiễm Covid-19, người nhà liên tục gọi điện thoại cập nhật tình hình, sức khỏe, nghe tiếng cha mẹ, M. càng lo hơn, vì chính M. cũng không biết được diễn tiến bệnh của mình sẽ như thế nào.
M kể: “Tôi dặn ba mẹ thôi đừng gọi, để có chuyện gì tôi sẽ chủ động gọi về nhà báo. Giờ chỉ mong cho sớm dứt bệnh để quay trở lại cuộc sống bình thường. Ở trong đây không khí ảm đạm lắm”.
Tương tự, chị Đ.T.R (21 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm công nhân Sài Gòn được hơn 3 năm. Ngay từ khi là F1, đến cả lúc là F0, R. không báo với bất kỳ ai ở quê vì sợ gia đình lo lắng. Qua một người đồng nghiệp, cha mẹ R. mới biết con gái nhiễm Covid-19.
“Sáng qua, một anh nhắn tôi dương tính tôi không tin đâu, vì ở công ty tôi không tiếp xúc với ai, đeo khẩu trang suốt, chỉ mở ra khi ăn, bàn ăn cũng có vách ăn thì sao mà lây được. Tới chiều, công ty báo lại một lần nữa thì tôi rối bời, lúc ăn luôn ngồi một mình thì lây vào lúc nào được. Đến giờ tôi vẫn không biết mình nhiễm Covid-19 thế nào”, R. chia sẻ.
Chị R. cũng như nhiều công nhân khác, chọn mảnh đất Sài Gòn làm công nhân để lo cuộc sống mưu sinh. Nhưng vì dịch bệnh, giờ đây họ đang ở trong BV chuyên điều trị Covid-19, gặp những y bác sĩ luôn trong bộ đồ bảo hộ kín mít giống những bản tin thường thấy trên ti vi, chuyện mưu sinh phải tạm gác lại, nhưng những nỗi lo thì vẫn còn đó…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.