Tôi yêu tiếng Việt

Nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho âm nhạc bài Tình ca thấm đẫm tình tự dân tộc. Bài hát mở đầu với câu ca từ thật dễ thương: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”.

“Tiếng nước tôi” là tiếng Việt, gồm cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Những người làm báo, làm công việc dạy học ngày nào cũng dùng đến, cũng biên tập, cũng giảng bài, cũng tiếp xúc với “tiếng nước tôi” ấy, vì vậy mà tự thâm tâm ai cũng yêu tiếng Việt.
Một nhà giáo nào đó trong quá trình nghiên cứu, viết sách giáo khoa, nhận xét về môn ngữ pháp đã nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Tôi nghĩ rằng nói như vậy là chưa chuẩn xác. Ngữ pháp nước nào cũng có cái khó riêng của nó; ngữ pháp tiếng Việt có cái khó thì cũng là điều dễ hiểu.
Chẳng qua, cái vần “áp” nghe sướng tai quá cho nên người ta mới đem ngữ pháp Việt ra mà so sánh với bão táp và đặt nó lên trên cả bão táp. Câu nói ấy vô hình trung chỉ ra rằng ngữ pháp là môn khó dạy, khó học để bào chữa cho những người viết sai ngữ pháp và dạy ngữ pháp mà... trật kiến thức.
Ngày xưa khi chưa có ngôn ngữ viết riêng, các cơ quan hành chánh và các nhà văn Đại Việt phải dùng chữ Hán viết công văn hoặc sáng tác văn chương. Ta gọi đó là Hán văn cổ để phân biệt với quan thoại, bạch thoại và kim văn ngày nay của Trung Quốc.
Thế nhưng trong khi dùng Hán văn cổ, ý thức tự tôn dân tộc của các tiền triều đã lớn mạnh: Ta không đọc chữ Hán cổ đó theo âm Hán của người Trung Quốc mà đọc theo phiên âm thuần Việt của ta. Cho nên nghe đọc “Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa/Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia”, ta nghe câu thơ xưa của Trương Kế hay hơn (xin lỗi!) “Yuen lung han xuay yue lung xa/Ye pơ xin hỏi chin chiu chia”.
Qua thế kỷ 13, các vua Trần đưa ý thức tự tôn lên thêm một bước, sáng tạo ra chữ Nôm để thay chữ Hán cổ. Chữ Nôm là một cách ghép các bộ và chữ trong chữ Hán để cho ra một âm thuần Việt. Thí dụ lấy bộ Thủy kết hợp với chữ Mộc; chữ Nôm đọc âm Mục (trong mục nát, gỗ mục). Nguyễn Thuyên được xem là nhà văn đầu tiên dùng chữ Nôm viết bài Văn tế cá sấu. Ông còn được gọi tên là Hàn Thuyên.
Qua thế kỷ thứ 18, vua Quang Trung đưa ý thức tự tôn dân tộc lên một bước nữa, muốn dùng chữ Nôm thống nhất trong văn bản hành chánh và sáng tác văn học. Nhà vua qua đời sớm nhưng ý thức kia vẫn tồn tại trong tâm hồn nhà văn.
Những tác phẩm văn học đời nhà Nguyễn, từ văn học định danh đến văn học khuyết danh đều được viết bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của nhà văn Nguyễn Du là một tác phẩm văn học chữ Nôm tiêu biểu.
Rất may là các vị thừa sai Thiên Chúa giáo, các nhà nghiên cứu âm vị học Việt như Alexandre de Rhodes, Cristophoro Bori... đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, đã viết những tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên bằng ngữ căn Latin trong các bài giảng đạo và trong thư từ gửi cho nhau. Hệ thống Quốc ngữ ấy ngày càng được các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo làm cho trong sáng hơn, dễ đọc dễ hiểu hơn để chúng ta có được một thứ tiếng Việt tươi đẹp, hoàn chỉnh hôm nay.
Rõ ràng, việc chọn ngữ căn Latin của người xưa đã cứu cho tiếng Việt ta một bàn thua trông thấy trong kỹ thuật in ấn ngày xưa và giữa thời đại máy tính này. Hãy thử tưởng tượng ta dùng chữ Nôm, in typo ráp từng bộ, từng chữ.
Hãy thử tưởng tượng ta nạp dữ liệu máy tính mà chọn bộ, chọn chữ, ráp câu. Tiếng Việt mến yêu với 6 dấu giọng đầy nhạc tính, dùng alphabet Latin ghép lại, không phải chia động từ, thật dễ học, dễ nhớ và dễ dùng với người nước ngoài.
“Sách Quốc ngữ/Chữ nước ta/Con cái nhà/Đều phải học” - tôi đã thuộc các câu thơ giản dị ấy từ năm 1955, đã học tiếng Việt, đã dùng tiếng Việt để đi dạy, làm báo, viết văn và viết ca từ cho ca khúc. Tiếng Việt trở thành máu, thành thịt của tôi, của tất cả chúng ta. Cho nên, chúng ta có quyền tự hào nói “Tôi yêu tiếng Việt”.
Ngữ pháp VN có gì mà khó, có gây khó cho ai đâu? Nó khó hay không là do cách ta dùng từ rổn rảng, đặt câu theo lối viết dài thườn thượt, viết như văn nói nghĩ đến đâu thì nói đến đó. Có rất nhiều người muốn nói dài, viết dài và dùng từ rổn rảng. Tôi lấy làm lạ là có người viết câu dài đến trên 100 từ. Chúng ta nên dạy học sinh phải biết dùng những từ ngữ giản dị, viết câu văn ngắn gọn thì tự nhiên các em sẽ có được câu văn hay.
Nguyễn Nhược Pháp viết “Hôm qua đi chùa Hương/Hoa cỏ mờ hơi sương”. Câu thơ hoàn toàn dễ hiểu, giản dị và hay hơn câu của một nhà thơ khác “Tà áo màu kết hoa mở hội/Hôm qua với hôm nay cầm tay trẩy ngã công trường điệp điệp”. Rõ ràng, văn chương chất phác vẫn hơn hẳn văn chương làm bộ làm tịch. Đem câu văn làm bộ làm tịch ra phân tích ngữ pháp thì khó hiểu với học sinh là phải.
Sách ngữ pháp vẫn còn những sai sót đáng tiếc. Thí dụ khi nói về câu phức, sách đưa thí dụ “Chiếc thuyền này máy đã hỏng”; cho rằng đó là hai câu đơn gồm “Chiếc thuyền này” và “Máy đã hỏng” tạo thành một câu phức. Tôi nghĩ đó là một kết luận sai kiến thức vì tối nghĩa. Văn chương tiếng Việt chỉ cần viết “Máy của chiếc thuyền này đã hỏng”. Nó là một câu đơn trong sáng.
Vấn đề còn là việc chúng ta đặt ra các thuật ngữ để gọi các ngữ liệu khi viết sách giáo khoa cho môn ngữ pháp. Trong ngữ pháp ngày nay, ta nghe các thuật ngữ ngữ danh từ, ngữ động từ, ngữ tính từ, trạng ngữ. Thí dụ câu “Hai con chim non đang bay là là ngoài sân” thì sách nói “Hai con chim non” là ngữ danh từ, “đang bay là là” là ngữ động từ; “ngoài sân” là trạng từ chỉ nơi chốn.
Ngữ pháp của nhà nghiên cứu Trương Văn Chình (Đại học Sư phạm Sài Gòn, 1967) thì không gọi như vậy. Ông gọi đó là các từ kết và dùng hai thuật ngữ từ chính và phó từ. Trong từ kết “Hai con chim non” thì từ chim là từ chính; các từ hai con và non là phó từ. Trong từ kết “đang bay là là”, từ bay là từ chính; các từ đang và là là là phó từ. Trong từ kết “ngoài sân”, từ sân là từ chính; từ ngoài là phó từ. Vậy phó từ là các từ bổ ý cho từ chính, giữ vai trò từ vụ thứ trong câu văn.
Sau nhiều năm làm công việc với văn chương chữ nghĩa, tôi rút ra kết luận rằng văn chương báo chí là thứ văn chương trong sáng, dễ đọc dễ hiểu nhất. Tại sao vậy? Một tác phẩm sách in ra, ít thì vài ngàn bản, nhiều cũng chỉ mươi ngàn bản.
Người mua sách phải là người nghiện sách, đọc sách xong đem cất ngay vào tủ. Vì vậy, nhà văn đôi khi ỷ lại, ít quan tâm đến chuyện ai đọc sách mình. Trong khi đó, tờ báo ra đời là để cho hàng vài chục vạn người đọc. Vậy thì nhà báo phải viết làm sao cho trong sáng nhất, dễ hiểu nhất, giản dị nhất để ông tiến sĩ đọc cũng thấy hay mà chị tiểu thương học xong lớp 5 đọc cũng thấy hay.
Cái hay, cái đẹp của văn chương tiếng Việt là giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Một tác phẩm hay thì mỗi chương, mỗi đoạn, mỗi câu văn đều phải đạt được ba yêu cầu đó. Yêu tiếng Việt thì phải biết làm cho tiếng Việt giản dị, trong sáng, dễ hiểu.
Cả tác phẩm sách và báo chí đều chứng minh rằng những người viết quá tệ đều muốn tự chứng tỏ mình giỏi nên viết những câu văn dài dòng, lẩm cẩm, dùng từ rổn rảng đến nỗi... không ai hiểu được tác giả muốn nói cái gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.