Tôi làm 'trọng tài' cá độ

22/01/2017 09:19 GMT+7

Cuộc sống mà chúng ta vừa trải qua trong năm 2016 đầy rẫy những bất ngờ, buồn - vui lẫn lộn và Đường dây nóng Báo Thanh Niên cũng nằm trong hoàn cảnh ấy với những câu chuyện chẳng giống kịch bản nào trước đây.

Niềm vui và nỗi buồn
Trong năm qua, Đường dây nóng Báo Thanh Niên tiếp tục được bạn đọc tin tưởng gọi đến cung cấp các thông tin bổ ích, từ đó có những tin, bài kịp thời. Vui nhất là những phản ánh về những điều bất cập nơi học đường, hố “tử thần” giữa đường, cột điện nghiêng, buôn bán lấn chiếm lòng - lề đường, mương thoát nước bị sụp, biển báo giao thông “núp lùm”, cáp viễn thông lòng thòng trước cửa nhà dân, cầu - đường hư hỏng... ngay tức thì được các cơ quan chức năng tiếp thu, sửa chữa.
Những chuyện như vừa nêu, xét trên thực tế cuộc sống của xã hội VN hiện nay, dường như đã biến thành câu chuyện nhiều tập, kéo dài lê thê chưa biết đến bao giờ mới dứt. Dẫu vậy, lòng vẫn vui khi thấy các cơ quan chức năng ngày càng lưu tâm đến phản ánh của độc giả nhiều hơn.
Một trong những nỗi bức xúc của bà con trong năm 2016 vừa qua chính là nạn cờ bạc, phổ biến nhất là cá độ bóng đá, gây ra những hậu quả khủng khiếp, tan nhà nát cửa, tù tội liên miên. Một trong những nạn nhân của nạn cá độ được nhiều báo đăng tải, tạo sự chú ý chính là Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi, ngụ Đà Nẵng).
Chiều 6.12.2016, tên này đã cầm súng xông vào cướp 725 triệu đồng trong một ngân hàng ở TP.Huế. Qua truy xét, 12 ngày sau tên cướp ngân hàng bị công an bắt. Nguyễn Hoàng Tâm khai dùng số tiền cướp được ấy vào mục đích thanh toán sạch sẽ cho chủ nợ... cá độ bóng đá! Chúng ta đều biết 725 triệu đồng là số tiền không hề nhỏ đối với đại đa số người lao động phổ thông vì có thể mua được 1 căn hộ chung cư, nhưng cũng chưa phải nhiều nếu so với những vụ cá cược lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng mà báo chí phanh phui.
“Bài bạc là bác thằng bần”, ông cha ta đã đúc kết cái bi kịch ấy từ xa xưa, vậy mà con cháu có lắm người không chịu nghe. Cá độ “ăn thua đủ” thường là phải âm thầm, kín đáo vì nếu bị phát hiện, sẽ bị công an tóm ngay. Ấy vậy mà có người “dám” nhờ Đường dây nóng làm “trọng tài” cho họ cá độ. Chuyện này thật, không phải chuyện đùa.
Những câu chuyện chẳng ngờ
Xin nói ngay những chuyện cá độ sắp kể ra đây không liên quan gì đến bóng đá và khi chung độ cũng chẳng có tiền mặt hay chuyển khoản gì ráo. Những vụ cá độ này nếu bị phát hiện, có lẽ mấy anh công an chỉ biết cười thôi chứ không bắt hoặc lập biên bản. Những mẩu chuyện được nêu sau đây đều được Đường dây nóng ghi lại số điện thoại gọi đến, tuy nhiên vì lý do tế nhị, chúng tôi mạn phép không nêu ra. Lý do là vì những vụ cá độ này “tao nhã” hơn nhiều so với cá độ bóng đá.
100.000 USD là bao nhiêu ?
Đô la Mỹ (USD) chẳng còn xa lạ gì với chúng ta, nhưng khi quy đổi ra tiền Việt, có khối người lúng túng mặc dù vẫn biết chỉ cần lấy tỷ giá nhân lên là xong. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người quy đổi trật lất. Đó là lý do có anh nọ đang ngồi nhậu với vài “chiến hữu” rồi bàn về sự kiện Minh Béo bị bắt ở Mỹ, phải đóng 100.000 USD tiền “bảo lãnh tại ngoại”.
Cả bàn nhậu không ai chịu ai, người nói số này, người nói số kia khi quy đổi 100.000 USD ra tiền đồng. Cuối cùng, các “chiến hữu” thống nhất cao là nhờ Đường dây nóng Báo Thanh Niên làm “trọng tài” để phân xử. Nhà báo chỉ cần “phán” một câu thôi, cả bàn nhậu sẽ nghe theo và có người... chung độ.
Để làm điều này một cách công minh và chính xác, tôi phải tra lại tỷ giá USD hôm ấy rồi nhân với 100.000, xong gọi điện báo cho bàn nhậu ấy biết kết quả. Đại diện bàn nhậu nói lời cảm ơn Báo Thanh Niên và thông báo có người thua độ... 1 đĩa mồi!
Lá diêu bông nào có trước?
Người Việt rất thích ca hát, điều này khỏi phải bàn, bất cứ tiệc gì cũng có thể hát được, kể cả đám ma. Còn trên ti vi, một trong những chương trình ca nhạc đã và đang nổi lên trở thành thời thượng, được công chúng yêu thích đó chính là bolero.
Tối 21.4.2016, VTV3 phát chương trình Thần tượng bolero live show 4, có thí sinh hát bài Tương tư nàng ca sĩ (sáng tác của nhạc sĩ Kông Thanh Bích). Lời bài hát có câu: “... Xin em chớ vội lấy chồng/Như người ta hát lá diêu bông/Như người ta trách lá diêu bông”. Sáng hôm sau, có người gọi cho Đường dây nóng hỏi: Lá diêu bông của Tương tư nàng ca sĩ với lá diêu bông trong bài Sao em nỡ vội lấy chồng (Trần Tiến) lá nào có trước? Thú thật, ngay lúc đó tôi chẳng biết lá nào có trước và cũng không quên hỏi lại vị độc giả nọ: “Sao anh không tra trên Google?”, anh nọ thiệt tình: “Dạ, tụi em đang ngồi vỉa hè, không có wifi đành... bó tay”.
Ngay sau đó tôi phải giúp anh chàng nọ bằng cách tra Google và được biết bài Tương tư nàng ca sĩ lần đầu tiên được ca sĩ Quang Lê hát ở hải ngoại là vào năm 1995. Còn Sao em nỡ vội lấy chồng được nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác vào năm 1990, phổ từ bài thơ Lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm. Nhạc phẩm Sao em nỡ vội lấy chồng đoạt giải thưởng của T.Ư Đoàn về “Những sáng tác cổ động cho phong trào Dân số - kế hoạch hóa gia đình” thời ấy. Kết luận: Lá diêu bông Sao em nỡ vội lấy chồng có trước. Sau khi thông báo kết quả, tôi hỏi mấy anh cá độ cái gì vậy? Anh chàng nọ vui vẻ: “Dạ, tui em cá một chầu cà phê... vỉa hè”.
Sài Gòn có quán cà phê IS (?)
Không thuộc phạm trù cá cược đỏ đen, thế nhưng câu chuyện tôi sắp kể ra đây nghiêm trọng hơn nhiều so với cá độ, vì nó liên quan đến... khủng bố. Khi nhắc đến IS, chúng ta đều biết đó là chữ viết tắt từ tiếng Anh (Islam State) nói về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang tiến hành cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu ở Trung Đông.
Suốt năm 2016, hầu như ngày nào chữ IS cũng đều được nhắc đến trong các bản tin chiến sự thế giới, nhất là chiến trường Syria. Những vụ tấn công khủng bố ở châu Âu đều có IS đứng ra nhận trách nhiệm. Nói đến IS ai cũng sợ. Đó là lý do giải thích vì sao có độc giả nọ dùng điện thoại bàn gọi cho Đường dây nóng báo một tin động trời: trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, gần Trường đại học Sư phạm TP.HCM, có một quán cà phê IS. Tôi thật sự choáng váng khi nghe tin này và tự hỏi chẳng lẽ IS đã thâm nhập vào VN, không phải để khủng bố mà với một động thái khá thân thiện là... mở quán cà phê?
Ngay sau đó, tòa soạn cử một anh phóng viên ôm máy ảnh tức tốc chạy đi tìm “quán cà phê IS”. Sau khi quần nát khu vực, anh phóng viên quay về chìa cho tòa soạn xem tấm hình một tiệm cà phê nọ đúng là có treo tấm bảng bằng tiếng Anh (ảnh), cũng có chữ IS, nhưng hoàn toàn không liên quan gì đến khủng bố. Câu tiếng Anh ấy có nghĩa (tạm dịch): Uống cà phê lúc nào cũng là ý hay. Riêng chuyện này, có 2 kịch bản: hoặc độc giả nọ đã ngộ nhận chữ IS khi tách nó ra ghép riêng với chữ COFFEE, hoặc cố ý “chơi khăm” Đường dây nóng.
Ai đã từng học qua tiếng Anh cũng thừa biết chữ is nghĩa là gì. Nhưng do chủ quán cà phê nói trên ghi lên tấm bảng ấy toàn chữ in, do đó thay vì is thì thành ra IS, liên tưởng đến Islam State. Âu cũng là một kỷ niệm nhớ hoài.
Nếu bạn là nhà báo phụ trách Đường dây nóng, như tôi, bạn sẽ nghĩ gì khi được thiên hạ chọn làm “trọng tài” để phân xử thắng - thua cá độ? Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy bởi vì tôi thường hỏi lại độc giả là bộ hết người rồi hay sao mà dám nhờ Đường dây nóng báo chí làm “trọng tài” để cá độ? Hầu như bạn đọc đều có chung câu trả lời, rằng: Hỏi nhà báo mới chắc ăn, vì nhà báo cái gì cũng biết (?). Điều ấy cho thấy, trong mọi hoàn cảnh, người dân luôn tin tưởng báo chí và ngoài những thông tin liên quan đến chuyện quốc gia đại sự, cuộc sống của chúng ta thỉnh thoảng cũng phải vui vẻ tiếp thu những chuyện rất ư đời thường, ví dụ như làm “trọng tài cá độ” chẳng hạn.
Mà làm “trọng tài” kiểu này xem ra cũng thú vị đấy chứ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.