Tôi có ý kiến: Vẫn còn nhọc nhằn đường về quê

28/01/2016 05:13 GMT+7

Bài Xe tết lại “chặt chém” và Bắt chẹt người nghèo trên Thanh Niên số ra ngày 27.1 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Bài Xe tết lại “chặt chém” và Bắt chẹt người nghèo trên Thanh Niên số ra ngày 27.1 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Hành khách chờ mua vé tết tại Bến xe Miền Đông - Ảnh: Diệp Đức MinhHành khách chờ mua vé tết tại Bến xe Miền Đông - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tội nghiệp người nghèo
Người nghèo khó bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Ngày bình thường, một vé xe từ TP.HCM đi Quảng Nam chỉ có 300.000 đồng. Ngày tết, vé đội lên từ 650.000 - 700.000 đồng. Ngoài giá vé, còn chi phí ăn uống dọc đường, về đến quê mất gần 1 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn với người khó khăn. Không chỉ chuyện tiền bạc, sự nhọc nhằn trên đường về cũng là một câu chuyện dài khác khi gặp phải xe nhồi nhét, xe hỏng… Biết đến khi nào người nghèo mới hết khổ với cảnh tàu xe dịp tết?
Nguyễn Thành Nhân 
(TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Thuê xe tự đi
Do vé xe đò quá cao nên tôi hay rủ người cùng quê, bạn bè thuê xe để về cùng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch tại TP.HCM có khá nhiều xe 7, 15 chỗ cho thuê kèm tài xế. Giá thuê xe 15 chỗ từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/ngày. Nếu đi 15 người từ TP.HCM ra Đà Nẵng sẽ mất 2 ngày, chỉ 5 triệu đồng tiền xe cộng với chi phí ăn uống, vị chi mỗi người trả khoảng 400.000 đồng, quá phải chăng. Trên đường đi tha hồ ngắm cảnh, vui chơi. Tôi nghĩ mọi người nên chọn cách này thay vì đi xe khách.
Huỳnh Duy Tuấn 
(P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM)
Khổ cho công nhân
Hầu hết công nhân làm việc tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều làm việc cho các công ty nước ngoài. Ở các công ty này, công nhân chỉ được nghỉ tết vào 27, 28 tháng chạp. Đây là thời điểm vé xe cũng như vé máy bay cao nhất. Sau tết, công nhân phải trở lại làm việc sớm và lại chịu cảnh mua vé xe giá cao. Công nhân đã thu nhập thấp lại tốn một khoản tiền quá lớn cho vé tàu xe nên nhiều người chọn con đường ở lại. Đây là một nỗi buồn lớn với nhiều người khi không có được sự sum họp gia đình. Mong sao ngành GTVT sớm tìm ra phương án để vé xe vẫn giữ mức giá ổn định, để người nghèo có điều kiện về với gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Đỗ Thị Minh Nguyệt 
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Ảnh hưởng cả xã hội
Với những người lao động nghèo nhập cư vào TP.HCM làm các nghề như bán vé số, thợ hồ, thu mua ve chai… sẽ chọn cách trở về quê trước ngày 20 tháng chạp hằng năm. Thời điểm này vé xe vẫn còn chấp nhận được, chưa có sự bắt chẹt. Sau tết, họ cũng sẽ đợi sau 15 tháng giêng mới trở lại TP.HCM. Như vậy, với những lao động này, mỗi năm, họ mất gần 1 tháng ăn tết chỉ vì giá vé. Điều này ngoài bản thân họ mất thu nhập, cả xã hội cũng bị ảnh hưởng theo. Nói như thế để thấy rằng, chỉ cần giải quyết bài toán vé xe tết thì cả xã hội này sẽ tốt đẹp hơn lên.
Tô Văn Thân 
(P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Huỳnh Thanh Bình
Tết đến, thấu hiểu nỗi khó khăn của sinh viên, công nhân khi không có điều kiện mua vé xe về quê đón tết bởi giá quá cao, nhiều đoàn thể, doanh nghiệp đã thực hiện việc tổ chức đưa sinh viên, công nhân, người lao động nghèo về quê. Việc làm này có ý nghĩa rất thiết thực, giúp giải tỏa phần nào khó khăn của người nghèo. Tuy vậy, lượng người cần được giúp đỡ vẫn còn nhiều. Điều đó cho thấy cần có sự chung tay của toàn xã hội giúp người nghèo có được cái tết sum vầy, giúp ngày tết truyền thống càng thêm ý nghĩa.
Huỳnh Thanh Bình 
(H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Trịnh Thành Thông Thái
Với những người tha phương làm ăn, học tập, ai cũng muốn trở về quê sum họp cùng gia đình trong những ngày tết. Thế nhưng, để có được tấm vé tàu xe là cả một vấn đề. Tại sao trong xã hội hiện đại mà chuyện tàu xe vẫn còn nhọc nhằn đến thế? Những vị lãnh đạo ngành giao thông có lẽ nên vi hành xuống các bến xe những ngày giáp tết để thấy được nỗi khổ của hành khách về quê, để từ đó có phương án tối ưu nhằm thay đổi tình hình.
Trịnh Thành Thông Thái 
(Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.