Tôi có ý kiến: Không nên ngăn cấm

22/12/2015 05:08 GMT+7

Có biện pháp kiểm soát nhưng không nên ngăn cấm để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở. Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Rộng cửa cho phân lô bán nền đăng trên Thanh Niên ngày 21.12.

Có biện pháp kiểm soát nhưng không nên ngăn cấm để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở. Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Rộng cửa cho phân lô bán nền đăng trên Thanh Niên ngày 21.12.

Một khu nhà “3 chung” được xây dựng ở huyện Nhà Bè - Ảnh: Đình SơnMột khu nhà “3 chung” được xây dựng ở huyện Nhà Bè - Ảnh: Đình Sơn
Làm khổ dân !
Một nền hành chính minh bạch, thống nhất từ trên xuống dưới sẽ giảm bớt rất nhiều nỗi khổ cho dân, nhất là trong lĩnh vực nhà đất, đô thị. Nhưng với cách làm ngăn cấm, dấm dúi kiểu này thì dân sẽ còn khổ dài dài. Không thể để tồn tại cách quản lý bất chấp quy định như một số quận huyện đang làm. Bắt dân chờ đợi, gây khó để làm gì, nếu không phải là để dễ bề tiêu cực, tham nhũng?
Nguyễn Văn Tại (H.Hóc Môn, TP.HCM)
Luật đã cho sao lại cấm ?
Bài báo đã dẫn luật, nghị định và thậm chí là quyết định của UBND TP.HCM, tại sao các quận, huyện lại cấm? Có phải đây là một kiểu gây khó khăn cho người dân khi có nhu cầu nhà ở? Theo tôi, UBND TP.HCM phải có
biện pháp rà soát, tháo gỡ cho dân. Nếu chính quyền quận, huyện nào vượt rào ngăn cấm dân tách thửa thì phải chịu trách nhiệm, lãnh đạo TP phải xử lý!
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Ách tắc có lợi cho ai ?
Quy hoạch 1/2.000 đã phủ kín, chỉ còn việc phê duyệt quy hoạch 1/500 và tách thửa, cấp phép xây dựng cho dân làm nhà thì sao lại cấm? Việc ban hành quyết định gây ách tắc như vậy có lợi cho ai?
Nguyễn Văn Hoàng (Q.12, TP.HCM)
Vi hiến !
Hiến pháp đã quy định rõ là công dân VN có quyền tự do đi lại, có quyền cư trú và luật, nghị định cũng đã cho phép, tại sao lại ngăn cấm. Tại sao không kiểm soát bằng quy hoạch, hạ tầng và thực hiện theo các quy định đã ban hành mà làm khó cho người dân, doanh nghiệp như thế?
Văn Châu (chauvan73@yahoo.com)
Quản lý kiểu gì lạ vậy ?
Người dân có nhu cầu về nhà ở rất lớn, quy định cũng đã cho phép, nếu cấm thì sẽ phát sinh nhiều hệ quả xấu. Đó là chạy chọt để tách thửa, xây dựng chui, phá vỡ quy hoạch... và quan trọng là sẽ làm hư hỏng cán bộ, đô thị sẽ lộn xộn. Bài học về việc xây dựng trái phép 300 căn nhà ở Q.Tân Bình năm nào khiến rất nhiều cán bộ mất chức vẫn còn đó. Tại sao không rút kinh nghiệm, quản lý kiểu gì lạ vậy?
Nguyễn Vinh (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Nhu cầu nhà ở của người dân là có thật và là vấn đề cấp bách hiện nay. Nếu mỗi địa phương lại có những quy định riêng, làm khó cho người dân thì sẽ dẫn đến việc người dân tự tách thửa chui, xây dựng chui và càng bị đẩy vào chỗ khó khăn thêm. Trong trường hợp này, nếu xảy ra tranh chấp thì việc giải quyết sẽ vô cùng phức tạp và cuối cùng chính người dân là người gánh chịu mọi hậu quả.
Luật sư Nông Thị Hồng Dung (Đoàn luật sư TP.HCM)
Theo nguyên tắc quản lý, nhà nước cần phải có quy hoạch cụ thể khu nào được phép tách thửa, xây dựng, thực hiện dự án, điều kiện ra sao... và phải công khai quy hoạch này. Cơ quan nhà nước cứ theo đó mà thực hiện khi người dân có yêu cầu chứ không được phép từ chối. Trường hợp người dân chưa đủ điều kiện để thực hiện thì cũng phải có văn bản trả lời cụ thể chứ không được ỡm ờ cho qua chuyện như hiện nay.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM)
An Phong - Hải Nam (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.