Tình yêu thời xưa - thời nay: Những tình yêu không tuổi

13/02/2017 13:34 GMT+7

Đến với nhau từ thời trai trẻ hay khi đã ở tuổi trung niên, những cặp vợ chồng vẫn hạnh phúc để minh chứng một điều, tình yêu chẳng bao giờ có tuổi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường (81 tuổi, nguyên cán bộ Nhà xuất bản văn hóa, tác giả bức ảnh lịch sử Cô bộ đội bế em bé tháng 2.1979 ở Cao Bằng, Báo Thanh Niên đã đưa tin) đến bây giờ đi đâu vẫn luôn sát cánh cùng người bạn đời của mình, bà Nguyễn Thị Gái (71 tuổi), dù ở Hà Nội, trong các chuyến công tác lên miền Tây Bắc hay du ngoạn sang trời Canada, Ý…
Sau khóa học tại Cộng hòa dân chủ Đức về nhiếp ảnh, năm 1965, ông Trần Mạnh Thường trở về Việt Nam công tác tại Xưởng phim đèn chiếu, chuyên phục vụ các buổi chiếu phim từ tư liệu hình ảnh cho đồng bào các tỉnh miền núi.
Năm 1967, duyên số đưa ông Trần Mạnh Thường làm quen với cô sinh viên Đại học Dược Nguyễn Thị Gái.
Những năm tháng Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, trường Đại học Dược được sơ tán lên Bắc Giang, không quản ngại đường sá xa xôi, ông Trần Mạnh Thường cất công đạp xe đạp từ Hà Nội lên Bắc Giang, đôi khi chỉ để gặp gỡ, trò chuyện với người phụ nữ mình thầm thương trộm nhớ một lúc rồi về.
Vợ chồng nghệ sĩ Trần Mạnh Thường hạnh phúc trong đám cưới của các con Ảnh nghệ sĩ cung cấp
“Chúng tôi thư qua thư lại, bà Gái hiểu tình cảm của tôi, chúng tôi chính thức yêu nhau cũng từ năm 1967, đến nay đã tròn 50 năm. Tôi nhớ có thời gian, bà ấy phải thực tập ở Đại học quân y, bây giờ là Học viện quân y, đóng tại quận Hà Đông, Hà Nội bây giờ, vậy là có những buổi, trời tối mịt, tôi đạp xe đưa bà ấy từ Hà Đông trở lại Bắc Giang, hai đứa cứ đi, không sợ bom rơi đạn lạc, ngoài trời gió rét, thế mới hiểu sức mạnh của tình yêu”, ông Trần Mạnh Thường nhớ lại.
Đám cưới của ông Trần Mạnh Thường và bà Nguyễn Thị Gái diễn ra tại Hà Nội đúng ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô, 10.10.1970, lễ cưới giản dị với nước trà, thuốc lá, bánh kẹo Hải Châu.
Ông Trần Mạnh Thường cười rất tươi khi kể lại kỷ niệm ngày này: “Sở dĩ chúng tôi chọn ngày 10.10 vì chắc chắn hôm đó Hà Nội sẽ không lo mất điện. Tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh, lễ cưới cũng có 3 người bạn cùng ngành tới chụp ảnh giúp, nhưng vì trục trặc phim và máy, sau đó không có một tấm ảnh kỷ niệm nào ngày cưới”.
Từ căn hộ tập thể 12 mét vuông ban đầu ở phố Nguyễn Công Trứ, hai người con của ông Thường và bà Gái chào đời, cậu con trai đầu lòng sinh năm 1971 tên Trần Thanh Bình (ghép từ Thanh Hóa quê gốc của mẹ và Quảng Bình, quê gốc của cha). Cô con gái thứ hai chào đời sau ngày giải phóng miền Nam 3 tháng, Trần Thanh Hà (kỷ niệm quê mẹ và Hà Nội, nơi con chào đời).
Cả anh Thanh Bình và chị Thanh Hà đều học hành giỏi giang, thành đạt. Đến nay, anh Thanh Bình và gia đình riêng đang định cư tại Canada, chị Thanh Hà cũng thành công ở Hà Nội với các vai trò nhất định trong các công ty nước ngoài.
Vợ chồng ông Trần Mạnh Thường khi ở Canada, khi sống ở Hà Nội, lúc đi du lịch khắp châu Á, Âu, tuy nhiên, dù ở đâu, họ cũng luôn bên nhau.
Ông Thường bồi hồi: “Tôi có cả một tuổi trẻ bôn ba, khi ở Cao Bằng trong chiến tranh biên giới phía Bắc, khi ở Campuchia sau chiến tranh biên giới Tây Nam, bà nhà tôi đã thiệt thòi rất nhiều khi tự mình xoay xở nuôi dạy các con nên người. Bây giờ tôi chẳng muốn ngày nào ở xa bà ấy nữa”.
Hạnh phúc nở muộn của vợ chồng già
Ông Nguyễn Bình Minh (67 tuổi) bà Đinh Thị Hường (57 tuổi, trú ở phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cưới nhau khi cả hai đã vượt xa độ tuổi tứ tuần nhưng đôi vợ chồng vẫn nuôi dưỡng giấc mơ về những đứa trẻ.
Sau hành trình chạy chữa gần 10 năm không biết mệt mỏi họ đã vỡ òa hạnh phúc khi hai công chúa bé bỏng chào đời, lúc đó bà Hường 53 tuổi còn ông Minh đã 63.
Ngày còn trẻ, ông Minh là một kỹ sư cơ khí, đã có vợ và hai con, nhưng người vợ đi nước ngoài làm ăn và đã lấy chồng luôn bên đó bỏ lại ông Minh một mình "gà trống nuôi con".
Bà Hường là bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Khi còn ở độ tuổi thanh xuân, bà Hường có rất nhiều người đến xin cưới nhưng duyên chưa tới, bận bịu với công việc, bà “quên” việc lấy chồng.
Gia đình hạnh phúc của bà Hường, ông Minh Ảnh Phạm Dự chụp lại từ tư liệu gia đình
Như là duyên số, năm 2006 bà được họ hàng hai bên làm "mối" với ông Minh, lúc này cả hai đều đã quá tuổi tứ tuần, người 46, người 56. Cảm mến trước người đàn ông hiền lành, một mình nuôi con, bà Hường kết hôn cùng ông Minh. Nhưng, đám cưới đã trôi qua 2, 3 năm rồi, hai người vẫn chưa có con chung.
Không bỏ cuộc, vợ chồng ông bà luôn bên nhau, động viên nhau chạy chữa khắp nơi. Và rồi, sau hành trình gần 10 năm không biết mệt mỏi họ đã vỡ òa hạnh phúc khi hai công chúa bé bỏng chào đời, lúc đó bà Hường 53 tuổi còn ông Minh đã 63.
Ôm các con trong lòng, bà Hường chia sẻ: “Hàng ngày nhà tôi sửa xe và kiêm luôn trông xe ở tầng 1 khu tập thể phố Trần Quốc Toản. Còn tôi thì vẫn cộng tác thêm với các bệnh viện để kiếm đồng ra đồng vào. Mỗi lúc rảnh rỗi, vợ chồng tôi và hai con nhỏ lại chở nhau đi dạo phố hay về quê gặp mặt họ hàng, điều đó với chúng tôi là hạnh phúc..."

tin liên quan

Tình yêu dẫn lối… vẽ nên chuyện cổ tích
Nếu không có tình yêu soi đường, dẫn lối thì có lẽ đôi bạn trẻ trong bài viết này khó đến được với nhau. Cô gái bị khiếm thị ở tận Quảng Trị còn chàng trai thì ở mãi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.