Tình nguyện chống dịch Covid-19 ở TP.HCM: 2 tháng chưa về; bị xỉu vẫn ráng làm mong dịch giảm

30/07/2021 13:22 GMT+7

Tình nguyện đi chống dịch ở TP.HCM suốt 60 ngày không về nhà, Trần Ngô Hồng Phước (27 tuổi) cho biết dù có từng bị những người đi lấy mẫu xét nghiệm chửi mắng hoặc ngất xỉu vì nắng vẫn không bỏ cuộc vì không muốn phí sức trẻ, góp sức giúp TP vượt qua dịch bệnh.

Ngày 30.5, nhận thông tin quận đoàn Gò Vấp cần thêm tình nguyện viên để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và trực chốt kiểm soát, Trần Ngô Hồng Phước (27 tuổi, quê Long An) đăng ký và ngay lập tức bắt tay vào việc trong đêm.

Sợ nhưng không muốn phí sức trẻ

Đây là thời điểm ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo diễn biến phức tạp, lần đầu tiên TP.HCM trong 1 ngày có nhiều ca nhiễm như vậy khiến anh lần đầu cảm thấy sợ khi đi tình nguyện.
“Mình sợ đến mức mắt kiếng thỉnh thoảng xệ xuống mũi nhưng không dám đưa tay lên đẩy vì sợ tay chạm mắt, nước đọng ở tấm kính che giọt bắn chảy thành dòng luôn cũng không dám lau. Đêm đó mình về đến nhà là 3 giờ sáng”, anh kể.

Nhóm tình nguyện lội nước ngập sau cơn mưa to

Ảnh: D.M

Nghỉ lưng vài tiếng, sáng 31.5, Phước ra hỗ trợ người dân khai báo y tế, kiểm tra giấy tờ khi qua chốt kiểm soát Gò Vấp. Đứng dưới nắng, mồ hôi ướt sũng lưng áo, những vết hằn đỏ vì đeo khẩu trang nhiều ngày liên tiếp cũng bị trầy rát, nhưng chưa ngày nào anh nghỉ ở nhà.
Sau trực chốt ở Gò Vấp, Phước đến hỗ trợ điều phối tiêm vắc xin ở nhà thi đấu Phú Thọ và các điểm lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, ban ngày anh được phân công lấy mẫu ở các khu nguy cơ cao và rất cao của Q.7. Chiều tối tiếp tục hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu test Covid-19 ngẫu nhiên người đi đường tại chốt kiểm soát.

TP.HCM: Tổng cộng 28.320 bệnh nhân Covid-19 hồi phục

Vốn là nhân viên lĩnh vực bất động sản, dịch ập đến, công việc của Phước bị tạm ngưng nên anh dành toàn bộ thời gian để trở thành tình nguyện viên chống dịch. “Tuổi trẻ mà mình cứ ngủ vùi trong chăn ấm nệm êm thì phí sức trẻ. Việc đi giúp người như ăn vô máu mình rồi, ở không thấy khó chịu lắm”, anh bộc bạch.
Nhưng thời tiết ở TP.HCM cũng thật biết cách “thử thách” sức trẻ của anh Phước, có lần đứng điều tiết tại cầu Rạch Ông dưới nắng nóng, anh liểng xiểng ngất xỉu, ói và choáng váng. Nhưng nghỉ chừng 30 phút, anh lại tiếp tục ra đứng chốt.

Đêm đầu tiên Phước lấy mẫu ở Gò Vấp

Ảnh: D.M

Lần khác đi lấy mẫu tại Q.7, trời đang nắng bất ngờ chuyển mưa to, sợ các mẫu bị lẫn vào nhau nên mọi người phải đứng giữ yên chiếc bàn. Lát sau, cả nhóm lùm xùm trong bộ bảo hộ lội nước ngập lên xe ra về. “Có lần mình đi sắp xếp người dân đứng giãn cách, chờ tới lượt lấy mẫu nhưng không phải ai cũng vui vẻ. Khi người ta đang vừa lo, vừa không vui thì mình bị chửi ngược lại là bình thường, mình phải nhờ công an hỗ trợ sắp xếp”, Phước cười khi nhắc lại kỷ niệm này.
Tâm sự với PV Thanh Niên ngay khi vừa xong ca trực hỗ trợ lấy mẫu test Covid-19 ngẫu nhiên ở chốt kiểm soát cầu Kênh Tẻ, mồ hôi vẫn chưa kịp ráo, anh nghẹn giọng khi nhắc đến gia đình. “Đã 2 tháng rồi mình chưa về nhà, trước thì 3 – 4 ngày mình lại chạy về một lần. Giờ mình giấu nhưng ba mẹ chắc biết mình đi chống dịch vì biết cái máu của mình như vậy rồi, nên cứ gọi là dặn dò đủ kiểu. Nhớ nhà lắm nhưng mình sẽ chỉ về nhà khi TP.HCM hết dịch”, nói rồi Phước mở điện thoại, lướt lướt xem lại hình gia đình.

TP.HCM sẽ siết chặt việc đi lại ban ngày, có thể giãn cách 2 tuần nữa để chống Covid-19

Cha mẹ gửi tiền tiếp sức con chống dịch

Cũng trong đợt cuối tháng 5, đang về thăm nhà ở Sóc Trăng, Nguyễn Thị Diễm Mi (20 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Viễn Đông) nghe tin Gò Vấp bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, cần thêm tình nguyện viên hỗ trợ nên xin phép gia đình được quay trở lại TP.
Nhìn con gái nhỏ xíu, cha mẹ Mi xót ruột, khuyên con ở nhà, phần vì lo cho sức khỏe, phần vì gia đình làm nông sợ không lo đủ tiền chi trả các khoản khi con quay lại Sài Gòn. Nhưng Mi một mực thuyết phục, thấy con gái quyết tâm, cha mẹ Mi mới đành đồng ý, hôm sau đi rút 2 triệu để Mi lên lo tiền nhà trọ, ăn uống.

Cả Mi và Phước đều nói hết dịch mới trở về nhà

Ảnh: D.M

Công việc của Mi là điều phối các tình nguyện viên tại chốt kiểm soát Gò Vấp, sau đó hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin tại Q.12 và hiện tại là tham gia công tác lấy mẫu test Covid-19 tại Hóc Môn.
Mi tâm sự: “Mình lấy mẫu dưới trời nắng nên nóng đến rát da, về đến nhà chỉ ước có bồn tắm ngâm mình vào cho bớt nóng. Mệt là vậy đó nhưng mình thấy nghỉ ở nhà lướt Facebook suốt ngày thì cũng không giúp được ai, bức bối lắm. Bây giờ có những ngày nhóm của mình lấy hơn 1.000 mẫu, mình cũng tiếp xúc với ca dương tính nhiều nên phải test nhanh thường xuyên, kết quả âm tính nên cũng không quá lo lắng”.
Để phòng chống dịch cho dãy trọ, Mi chuyển sang ở nhà tập thể của đội tình nguyện tại Q.12. Công việc mỗi ngày luôn tất bật từ 7 giờ 30 sáng đến khoảng 21 giờ nên Mi thường tranh thủ giờ nghỉ trưa gọi cho gia đình.
“Ba mẹ mình lúc nào cũng dặn con gái phải an toàn sức khỏe bản thân thì mới hỗ trợ được người khác, lo con gái hết tiền. Đi chống dịch mình không sợ, chỉ lo khi dịch đã ảnh hưởng về miền Tây rồi, chỉ mong bình yên cho cha mẹ. Còn mình khi đã đăng ký trở thành tình nguyện viên chống dịch ở TP.HCM thì đến khi hết dịch mới về”, Mi khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.