Tình người mùa dịch: Y bác sĩ viết đơn tình nguyện 'ra tuyến đầu' chống Covid-19

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
25/03/2020 20:35 GMT+7

18 y bác sĩ của Khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình - Thần kinh sọ não của cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế vừa ký đơn tình nguyện "ra tuyến đầu" chống dịch Covid-19.

Viết đơn tình nguyện ra tuyến đầu

Ngày 24.3, nhóm y bác sĩ của Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh sọ não của cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế, gồm 18 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã ký đơn tập thể gửi Ban giám đốc bệnh viện xin tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Trong đơn, nhóm y bác sĩ này viết: “Cả nước đang chung sức phòng chống dịch, ở tuyến đầu là các chiến sĩ bộ đội, công an và nhân viên y tế. Tự hào là chiến sĩ áo trắng, chúng tôi nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình trong giai đoạn khó khăn này. Vì vậy, chúng tôi đồng lòng, tự nguyện viết đơn này xin Ban giám đốc cho phép chúng tôi được tham gia trực tiếp trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện hoặc những nơi khác”.

E kíp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế chúc mừng những du khách âm tính với Covid-19 và ra viện

Ảnh: T.N.T

Lá đơn tình nguyện của 18 y bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh sọ não cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân (Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, không chỉ nhóm y bác sĩ nói trên mà đến nay nhiều y bác sĩ của Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế, các khoa chức năng khác của bệnh viện cũng đã có đơn tình nguyện ra "tuyến đầu" chống dịch. Ban giám đốc đang tập hợp danh sách để phân công khi có tình huống cần điều động. 

"Đặc biệt, các em điều dưỡng mặc dù ngày thường rất yếu đuối nhưng trong tình huống này lại rất mạnh mẽ và quyết tâm tình nguyện tham gia", TS.BS Nguyễn Thanh Xuân nói.
Trước đó, 35 y bác sĩ đợt đầu đã được điều động tham gia ê kíp điều trị trực tiếp bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế. 

'Nếu có chuyện gì, hãy tiếp bước những gì ba chưa hoàn thành'

Phía sau những chiến binh áo trắng là gia đình, ba mẹ, vợ con. Chính bản thân họ biết rõ sự hiểm nguy khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là có thật nhưng họ vẫn tình nguyện góp sức chống lại dịch bệnh. 

Điều dưỡng Đặng Quốc Bảo công tác tại Khoa Cấp cứu - Can thiệp Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế. Anh hiện đang học lớp thạc sĩ Điều dưỡng chương trình quốc tế liên kết giữa trường ĐH Y Dược Huế với Đại học KhonKaen, Thái Lan.

Là người giao tiếp ngoại ngữ tốt, nên ngay sau khi kết thúc kỳ học từ Thái Lan trở về, anh đã được chọn vào hàng ngũ trực tiếp chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế.

Một nữ điều dưỡng tại điểm hướng dẫn sàng lọc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ảnh: Nhật Tân

Dòng nhật ký của anh Bảo gây xúc động

Trong một trang nhật ký của mình, điều dưỡng Đặng Quốc Bảo đang có mặt trong đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19, viết:  “Nếu lỡ mình bị nhiễm Covid-19 và không thể vượt qua căn bệnh này, mình xin lỗi vì mình đã làm việc hết tâm, hết sức. Mình đã làm bằng cả trái tim và nhiệt huyết, đồng thời cố gắng phòng để tránh lây cho bản thân… Nếu có chuyện gì chỉ biết xin lỗi vợ, xin lỗi con, hãy tiếp bước những gì ba chưa hoàn thành”.

Đây là những dòng nhật ký mà anh Bảo đã viết để dành, vì theo anh lúc nhận nhiệm vụ vào khu cách ly làm việc, bản thân chỉ kịp trấn an, động viên vợ con đôi lời rồi lên đường. 

Điều dưỡng Đặng Quốc Bảo cùng vợ và hai con nhỏ

Ảnh: N.V

 

Tiếp sức cho tuyến đầu vượt bão Covid-19

Ngày 23.3, sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Những bông hoa áo xanh tình nguyện chống dịch Covid-19, nhóm bạn trẻ có tên 'Vượt bão' Corona trên mạng xã hội Facebook đã liên hệ với PV Thanh Niên để hỗ trợ các chiến sĩ trẻ, thanh niên tình nguyện đang phục vụ người cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tại Huế.

Để giúp lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhóm này đã tự mua 50 con vịt trời đã làm sạch để mang vào tặng đội ngũ phục vụ tại cơ sở cách ly Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế. PV đã cung cấp số điện thoại của trung tá Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Hậu cần - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, để nhóm trực tiếp liên hệ, góp sức cùng chống dịch Covid-19.

Cũng tại Huế, một nhóm doanh nghiệp trẻ cũng đã tình nguyện đảm nhận việc phun thuốc khử trùng trên tuyến phố đi bộ dọc sông Hương kết nối với cầu gỗ lim, nơi có nhiều người dân đi bộ thể dục.

Nhóm doanh nhân trẻ của Huế tiến hành phun khử trùng tuyến phố đi bộ dọc sông Hương

Ảnh: Nguyễn Đình Anh Khoa

Anh Thanh Phạm (trái) cùng GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trong buổi trao tặng khẩu trang cho y bác sĩ nơi tuyến đầu

Ảnh: T.P

Theo đó, sau khi được UBND TP.Huế đồng ý, định kỳ hàng tuần vào lúc 22 giờ đêm khi tuyến phố đã vắng người, lực lượng tình nguyện sẽ xuất hiện phun thuốc khử trùng toàn bộ tuyến đường đi bộ cùng các điểm công cộng thường có nhiều người qua lại của TP.Huế.
Ngày 24.3, thông qua PV Thanh Niên tại Huế, nhóm thiện nguyện của anh Thanh Phạm (một doanh nhân ở TP.Đà Nẵng) cũng trao 100 khẩu trang 3M R95, loại khẩu trang chuyên dụng để nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người nhiễm Covid-19 cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế. Cùng với đó, 100 khẩu trang cùng loại và 200 khẩu trang vải cũng được dành tặng lực lượng trực tiếp chống dịch của tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.