“Tín ngưỡng” trồng dừa

28/04/2013 03:00 GMT+7

Quê nội ngoại tôi đều ở xứ dừa Bến Tre, nơi có những hàng dừa xanh ngả bóng xuống những dòng kênh đỏ thẫm phù sa. Mùa nắng cũng như mùa mưa, những hàng dừa lúc nào cũng xạc xào trong gió, lúc nào cũng nở những hoa trắng tinh khiết, lúc nào cũng đung đưa những tàu lá xanh như những chiếc lược chảy trời.

Ở cùng một huyện mà nhà nội thì có rất nhiều dừa còn bên ngoại lại trồng vú sữa. Tôi nhớ hồi còn bé dừa nhà nội đã cao lắm rồi, mỗi lần hái thì các chú dùng câu liêm giật, có trèo cũng chặt cả buồng cho rớt xuống ruộng…

Ba tôi kể, sau khi lấy nhau ít lâu, ba mẹ tôi về sống bên ngoại. Việc làm đầu tiên ở các khoảnh ruộng đầu tiên là lên bờ và sau đó là trồng dừa. Ba tôi lặn lội về bên nội vất vả gánh từng gánh dừa giống về ươm sau nhà, chờ nảy mầm. Nhưng những cây dừa đầu tiên trồng không sống lâu, chắc vì bờ thấp, dừa bị úng nước, vùng quê tôi lại bị nhiễm mặn nặng vào mùa khô.

Nhưng hình như bà nội không nghĩ như vậy. Bà cho rằng trồng dừa như kiểu của ba tôi thì dừa khó mà sống được, mà có sống cũng không sai trái. Nội bảo phải lựa những hôm trời mưa, đào hố cho sâu, rồi bắt tôi cởi truồng đặt cây dừa vào đấy. Tôi rất ngạc nhiên nghĩ rằng sao lại có chuyện ngộ nghĩnh như thế, tôi nại lý do trời mưa lạnh, sợ bị bệnh nên thoái thác, còn ba tôi cũng không nài ép tôi làm thế, nên cuối cùng tôi chỉ phải “cuổng trời” làm chiếu lệ vài cây thôi mà cũng không nhớ rằng liệu sau này những cây đó có sai quả hay không.

Lớn lên, tôi mới hiểu cách trồng dừa đó của nội là một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Tôi tự hỏi không biết những cây dừa sai trái kia ở nhà nội có phải cũng được trồng theo cách đó không. Cũng khi đó tôi mới hiểu, nội trồng dừa không chỉ là việc đặt trái dừa giống xuống hố mà còn là thực hiện một nghi lễ, một tập tục có truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Và biết đâu nhờ vậy (nhờ tập tục đó và những người như nội tôi) mà Bến Tre trở thành xứ dừa? Tôi chắc rằng một người không biết chữ như nội tôi chẳng thể nào hiểu được tín ngưỡng phồn thực là gì, chắc cũng chẳng phải bắt chước ông cố ông sơ từng làm như thế. Tôi tin rằng nội tôi đã có một niềm tin sâu sắc và mãnh liệt về cách làm của mình, dù tin vì lý do gì thì chắc rất khó giải thích. Mà có hề gì, có nhiều điều cứ thế lưu truyền, cho đến ngày nay, mà không phải ai cũng hiểu nguyên do cặn kẽ, tận tường…

Tín ngưỡng phồn thực là một nét đặc sắc của dân tộc Việt Nam, được hầu hết đồng bào các dân tộc thực hiện trong nền văn minh nông nghiệp của mình. Tín ngưỡng ấy bây giờ gần như chỉ còn đọng trong sách vở, khi những người cuối cùng tin và thực hiện nó của thế hệ nội tôi đã không còn… 

Nguyễn Minh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.