Tìm lời giải cho bài toán miền Nam thiếu điện

16/11/2016 18:40 GMT+7

Cân đối nguồn cho miền Nam đủ điện trong vài ba năm tới đang là thách thức với Bộ Công thương và ngành điện.

Đối mặt thiếu điện từ 2018
Tại hội thảo bàn về giải pháp cung ứng điện được tổ chức hôm qua (15.11) tại Hà Nội, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho hay trong mấy năm rồi, độ dự phòng điện ở phía Nam rất thấp. Do đó, bên cạnh truyền tải từ miền Bắc và miền Trung vào thì bổ sung thêm nguồn điện cho miền Nam là rất cần thiết. Ông Phúc khẳng định, năm 2017 sẽ không để thiếu điện cho miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung song tình hình sẽ rất căng thẳng cho đầu tàu kinh tế phía Nam trong các năm 2018-2019 nếu các dự án nguồn như nhiệt điện chậm tiến độ. Ông Phúc cũng kêu gọi trong bối cảnh việc dự phòng thấp nên cảng phải đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng cho rằng, thiếu điện còn do dùng điện chứ không chỉ do nguồn cung cấp. "Chúng ta duy trì một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng quá nhiều khiến ngành điện phải gồng lên để cung ứng. Do đó, cần phải thay đổi tiếp cận, nếu cứ làm xi măng, làm thép với công nghệ cũ thì không trời đất nào chịu được", ông Thiên nói. Với cơ cấu nguồn, vị tiến sĩ cho rằng, nếu không đa dạng đầu tư mà chỉ có 1 mình Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng ra cáng đáng thì rất khó.
Còn theo ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới, thì VN không phải là nước kém so với các nước cùng trình độ phát triển về quy hoạch nguồn điện. Theo dự báo, việc thiếu điện đến năm 2018 đã được nhìn thấy từ lâu song thách thức ở đây là nhu cầu điện cần tăng cao với tốc độ 10%/năm. Thách thức nữa là các nhà máy nhiệt điện phải dựa vào nguồn than nhập khẩu trong khi phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió lại chậm vì vướng vấn đề về giá điện, chi phí đầu tư.
Cần 30 tỉ USD đầu tư vào ngành điện
Ông Đinh Thế Phúc cho hay, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất của các nhà máy điện năm 2020 phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW. Tính ra phải có 1.800 MW là từ BOT, số còn lại phải giao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước. Dẫn số liệu nghiên cứu của Viện Năng lượng, ông Phúc nói số tiền đầu tư trong 4 năm tới của các nhà máy điện là gần 30 tỉ USD, tức mỗi năm gần 8 tỉ USD.
Ông Franz Genner khẳng định, với giá 7,6 cent/KWh như hiện nay sẽ rất khó thu hút đầu tư vào ngành điện. "Ước tính giá điện 7,6 cent/KWh này đủ để đáp ứng chi phí vận hành, bảo trì của EVN. Nếu quan tâm tới biểu giá điện đầy đủ, tới năm 2030 phải tăng giá điện thêm 40%. Nếu không làm điều đó thì cần sự trợ giúp rất nhiều từ nhà tài trợ, doanh nghiệp. Nếu không sẽ không đủ tài chính cho các dự án điện", ông nói.
Đồng ý với chuyên gia từ ngân hàng Thế giới về việc giá thấp sẽ khó thu hút đầu song để tăng giá là cả vấn đề nhạy cảm. "Tất nhiên với giá điện hợp lý thì người ta sẽ đầu tư không cần kêu gọi lòng yêu nước, nhân đạo song giá điện là chủ đề tranh cãi gắn với lợi ích xã hội", ông Thiên lưu ý.
Ông Franz Genner cảnh báo, trong quá khứ, nguồn đầu tư 1/3 là dựa vào ODA nhưng với số lượng, mức độ phát triển như hiện nay chúng ta phải nghĩ tới hữu hạn từ vốn tài trợ, do đó, nguồn đầu tư hơn 30% từ ODA cũng cần phải xem xét lại.
TS Trần Đình Thiên gợi ý, việc cổ phần hóa, thoái vốn của EVN có thể cũng là một giải pháp. "Nhà nước có thể bán bớt đi, dùng vốn đó để đầu tư vào dự án khác, đây là hướng tốt để có thêm vốn cho ngành điện", ông Thiên bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.