Sau tết

05/02/2012 03:41 GMT+7

Hầu như năm nào, nhân dịp xuân về báo chí cũng được dịp viết tới phong tục đón năm mới ở nhiều quốc gia. Nhưng có một mảng rất quan trọng ít ai để ý là sau tết họ cư xử, ăn chơi như thế nào. Hôm nay, chúng tôi xin cung cấp một phần sự thật cho các bạn rõ.

Hầu như năm nào, nhân dịp xuân về báo chí cũng được dịp viết tới phong tục đón năm mới ở nhiều quốc gia. Nhưng có một mảng rất quan trọng ít ai để ý là sau tết họ cư xử, ăn chơi như thế nào. Hôm nay, chúng tôi xin cung cấp một phần sự thật cho các bạn rõ.

 

Minh hoạ: DAD

Ở Mỹ: Dân Mỹ dùng nửa tháng sau tết để kiểm điểm về tết. Họ thống kê từng món đã mua, từng nơi đã đi chơi, rút ra ưu điểm, khuyết điểm, mỗi người phải viết ra khoảng mười trang giấy, sau đó đọc trước gia đình, có đóng góp, sửa chữa, rồi in thành tập, lưu truyền từ đời này sang đời khác, năm nọ sang năm kia. Những ai nghiên cứu đều phát hiện ra mùa xuân nào dân Mỹ cũng vấp phải những lỗi lầm của mùa xuân trước.

Ở Pháp: Dân Pháp tiết kiệm và thực tế, do vậy sau tết họ lục tìm những món trong tết ăn không hết và chưa kịp ăn để xơi. Hậu quả là nạn béo phì tăng vọt sau xuân.

Câu cửa miệng của dân Pháp là: “Tết năm nay không bằng năm ngoái”. Nhưng không bằng ở chỗ nào và tại sao thì chẳng ai giải đáp. Cả nước Pháp đều thuộc câu thơ: Có ai trở lại mùa xuân trước, nhặt lấy cho tôi những lá vàng. Nhưng gần đây nhiều người phát hiện đó là vàng 9999 chứ không phải vàng lá cây. Sau tết, dân Pháp còn tục lệ đi thăm hỏi những ai trong tết đã thăm hỏi mình, thành ra cả nước Pháp chìm trong thăm hỏi liên miên.

Ở Ý: Khác hẳn với dân Mỹ kiểm điểm về những gì đã làm trong dịp tết, dân Ý kiểm điểm về những gì đã không làm, cho nên sau tết, cả nước Ý chìm vào tiếc nuối vì những thứ không làm bao giờ chả nhiều. Nhưng dân Ý cũng rất tỉnh táo. Họ phân biệt rõ không làm vì không muốn, không làm vì không dám với không làm do không đủ sức. Cuối cùng, họ phát hiện ra phần lớn không làm do chưa nhìn thấy ai làm trước.

Sau tết, người Ý mang tất cả bao lì xì ra đếm. Họ ghi cẩn thận số tiền và tên tuổi người tặng vào một tờ giấy, rồi đem thả xuống sông. Cảnh sát Ý biết vậy nên thường đi thuyền vớt các tờ giấy này, lôi ra rất nhiều vụ tham nhũng và hối lộ.

Ở Đức: Sau tết dân Đức mang tất cả các tin nhắn chúc tết đến các công ty di động để lấy hoa hồng. Pháp luật coi đây là thu nhập hợp pháp, do đó có một số quan chức nhận được vài tỉ tin nhắn mừng xuân.

Người Đức có thói quen sau tết chơi nốt những gì chưa chơi cho nên nhiều dịch vụ giải trí kéo dài tới giữa năm.

Ở Đức có một ủy ban gọi là Ủy ban xem xét hậu quả của tết. Họ toàn là những nhà khoa học và văn hóa nổi tiếng, nhưng báo cáo của họ luôn luôn được xếp vào hàng bí mật quốc gia, công chúng không được phép biết. Mãi gần đây một tài liệu bị rò rỉ, cho biết ủy ban này đã ra kết luận: “Hậu quả của tết luôn nhỏ hơn hậu quả của việc không có tết”.

Dân Đức còn một thói quen đáng yêu là sau tết đọc kỹ lại tất cả các tờ báo xuân. Để rồi họ phát hiện ra gần như báo nào cũng giống báo nào, và báo năm nay chỉ khác báo năm ngoái ở cái bìa. Cho nên ở Đức có câu tục ngữ: “Chân lý có thể thay đổi, chứ báo xuân thì không”.

Ở Hy Lạp: Toàn bộ dân Hy Lạp sau tết chỉ làm một việc là gặp ai cũng kể chuyện tết, do đó dân chúng sau tết rất sợ gặp nhau vì phần lớn những chuyện ấy đều không đáng tin như thần thoại Hy Lạp.

Dân Hy Lạp ở nhà quê cũng quay lên thành phố làm việc, khiến cho giao thông tắc nghẽn. Nghẽn nghiêm trọng tới mức nhiều người vừa đến nơi lại đúng vào thời điểm phải quay về vì tết năm sau đã tới, do đó cả nước hầu như không làm việc, chỉ loay hoay đi lại trên đường. Chính vì lẽ đó, Hy Lạp trở thành quốc gia đang có nguy cơ vỡ nợ. Nhưng dân Hy Lạp quan niệm thà nợ nần còn hơn không có mùa xuân!

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.