Bí ẩn quanh con heo

13/02/2007 18:05 GMT+7

Điều bí ẩn đầu tiên cần ghi nhận nơi loài heo là "tiếng gọi tình yêu" của chúng. Con nái khi động tình thường phát ra tiếng kêu "khẹt khẹt" khô khan. Nhưng đối với "chàng" đồng loại tiếng kêu ấy thiết tha và quyến rũ chàng ta tìm đến nhảy phủ lên người "nàng".

Nhưng trước đó "chàng heo" phải phát đi tín hiệu trước nghe tựa như âm "khịt khịt" để thăm dò. Nếu "nàng heo" ưng thuận sẽ tự mon men đến với "chàng" ở góc chuồng hạnh phúc. Bằng ngược lại, khi "nàng" không muốn, thì dầu "chàng" kêu đến thiên thu cũng sẽ chẳng có "một phút huy hoàng" nào cả. Dựa trên thực tế này, người ta đã ghi âm tiếng kêu của "chàng" để "thử" xem heo nái đồng ý động đực chưa. Nếu thấy "nàng" lê thân tới chỗ phát ra tiếng gọi mời "khịt khịt" ấy là biết "nàng" đã xiêu lòng và người chăn nuôi sẽ thả heo nọc vào giao hợp.

Cuộc tồn sinh của dòng họ Trư tiếp diễn trong tiếng tỏ tình siêu nhiên bí ẩn đó và đã đẻ ra con đàn cháu đống với đủ màu lông đen trắng mượt mà, hoặc màu xám tro, hồng lợt, đỏ lợt, hoặc lốm đốm trông rất lạ mắt. Có loại siêu mén chỉ trong chục lứa cho gần hai trăm chú heo con, hoặc siêu trọng nặng đến hơn 836 kg đạt kỷ lục thế giới như một chú heo ở Ukraine dạo nào.

Khi được ăn no, heo thường kêu "ủn ỉn" hoặc "ụt ịt", khi đói tiếng kêu ấy trở nên sắc lạnh, não nùng với âm "éc, ẹc", tang thương nhất là khi bị trói nằm dưới tay đồ tể, chú heo vùng vẫy một cách bất lực, oán giận cất tiếng kêu "éc éc" tuyệt vọng. Đến nay, con người vẫn chưa hiểu hết ngôn ngữ của loài heo, vẫn chưa hiểu loài heo nói gì với nhau trước và sau mỗi cuộc ăn nằm, nhưng rõ ràng sự chung đụng ấy đã bị các nhà chăn nuôi công nghiệp lợi dụng xen vào để tạo nên những giống heo cao sản như Yorkshire ở Anh, hoặc Landrace ở Đan Mạch hoặc những Cornwall, Duroc... phần lớn đều có những thớ thịt quá to. Khác với heo ở Việt Nam như các giống heo Mường Khương, thớ thịt nhỏ và trông lát thịt "đẹp mắt" hơn... nhưng trong cái đẹp ấy vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, những mầm bệnh bất ngờ như heo gạo, heo nghệ chẳng hạn.

Tại sao gọi là heo gạo? Heo gạo là một loại "heo ma" mà khi mổ chúng trong ngày Tết người ta phải kiêng kỵ bỏ đi, phải chôn dưới đất rồi rắc vôi lên trừ tà (?!). Thật ra khi mổ heo thấy trong thịt heo có nhiều hạt màu trắng đục, nhỏ tựa hạt gạo mọng nước, thì cần biết rằng những "hạt gạo" kia chính là tổ của ấu trùng sán. Ấu trùng này đang nương náu trong thịt heo để chờ dịp chui ra khỏi vỏ. Nếu lấy thịt này nấu chưa chín đem ăn hẳn nhiên ta có thể sẽ nuốt phải những ấu trùng sán còn sống trong đó, chúng có khả năng lớn mạnh ở ruột non và phát triển thành những con sán có hàng trăm đốt, mỗi con dài đến bốn năm mét, thậm chí dài tới bảy tám mét gọi là sán xơ mít hoặc sán dây. Chúng nằm ép sát niêm mạc của ruột để sống và hút chất dinh dưỡng trong người, gây cho người cảm giác đói thường xuyên, thiếu chất, buồn nôn, thỉnh thoảng chợt nhức đầu không hiểu vì sao.

Tiếng sáo xuân đồng nội (tranh dân gian)

Còn heo nghệ là gì? Đó có phải là hiện thân của ma-rốc mặt vàng như nghệ hay không? Ngày nay chúng ta biết rằng màu mỡ vàng của heo không phải là màu ám ảnh của điềm báo xui xẻo cho gia chủ mà là màu bệnh (hoàng đán) xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do gan của heo bị nhiễm độc và tổn thương nặng, làm rối loạn cơ năng hoạt động bình thường của gan, hoặc do ống dẫn mật bị tắc gây ra. Đó là đại để cách giải thích của y học. Còn trong văn học, con heo được nhắc đến khá thân thuộc: "Mẹ em tham thúng xôi dền. Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Tôi đã bảo mẹ rằng đừng. Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng mâm vào. Bây giờ chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho vừa".

Một loạt ca dao tục ngữ khác cho thấy hình tượng heo đã lừng lựng đi vào đời sống tinh thần của người Việt từ xa xưa: "Trông mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo thì lòng mới ngon". Heo sinh lợi cho người: "Lợn bột thì thịt ăn ngon. Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời". Người xưa cũng liên tưởng con heo mắt trắng với người: "Con lợn trắng mắt thì nuôi. Con người trắng mắt là người bỏ đi" - ý nói người hay bội bạc bất nghĩa chẳng nên dùng làm chi. Người ta cũng bảo cách bòn rút, lợi dụng chẳng khác nào "mượn đầu heo nấu cháo".

Trong văn học thế giới Trường ca Odyssée của Homère, mụ phù thủy Circé dùng ma thuật biến những tùy tùng, thủy thủ và binh lính của Ulysse thành một đàn heo. Về sau nhờ sự hộ trì của thần Hermes nên tất cả được trở lại hình người. Kinh thánh đề cập đến Chúa Giê-su khi cứu xong một người bị quỷ ám, bọn quỷ xin Chúa cho nhập thân vào một đàn heo, đàn heo bị quỷ nhập này chạy điên loạn tứ tán. Xem thế từ xưa heo đã bị liệt vào loại động vật hạ đẳng, người Việt ta có câu mắng "bẩn như heo", người Do Thái kiêng ăn thịt heo vì liệt heo là con vật ô uế ngang với bệnh cùi, bệnh hủi, người cổ Ai Cập tin rằng những linh hồn ác độc thường tái sinh vào thân heo.

Tuy vậy, trên thực tế thịt heo được ưa chuộng khắp nơi, được nuôi bằng các kỹ thuật công nghiệp, cách đây hơn 10 năm Trung Quốc đã có đàn heo đông nhất thế giới với hơn 393 triệu con. Trong các loại heo "nhỏ nhắn dễ thương" nhất thế giới có heo Sóc ở Tây Nguyên nước ta. Từ điển tiếng Việt cũng đã ghi nhận mục từ heo với nhiều nghĩa: lợn xề (đẻ nhiều lần), lợn sữa (mới sinh đang còn bú), lợn ỷ (mặt ngắn, tai vễnh, chân thấp, lưng võng), lợn lòi (heo rừng), lợn bột (heo đực đã thiến nuôi lấy thịt), lợn nái (nuôi để đẻ). Danh nhân người Việt nhiều vị có tuổi Hợi như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà thơ Nguyễn Huy Tự, nhà nghiên cứu Bùi Kỷ, kịch tác gia đầu tiên của Việt Nam Vi Huyền Đắc,... Cuối cùng nói gì thì nói "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong" là tạo hình mỹ thuật sống động và tiêu biểu trong đời sống nghệ thuật của tranh dân gian Việt Nam mỗi lần Tết đến.

Múa rồng vui như Tết (tranh dân gian)

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.