Thời tiết bất thường trên cả nước

11/12/2016 09:33 GMT+7

Thời tiết những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp làm cho việc dự báo thời tiết, thiên tai càng thêm nhiều thách thức khó khăn.

Chỉ có một lý do hợp lý để giải thích cho tình trạng này, đó chính là tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Mùa khô vẫn có thể có áp thấp nhiệt đới
Đã vào mùa khô nhưng vẫn còn xuất hiện những vùng áp thấp, các nhiễu động thời tiết xấu vẫn thường xuyên hoạt động trên các vùng biển phía nam. Nguyên nhân là do rãnh áp thấp xích đạo có vị trí cao hơn so với bình thường, mà lẽ ra phải lùi xuống xích đạo khi mùa đông tới.
Từ nay đến tháng 2.2017 vẫn có nhiều khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới (thậm chí mạnh lên thành bão), ảnh hưởng đến các vùng biển phía nam và gây mưa trái mùa ở Nam bộ. Có những đợt thời tiết xấu trên biển với sóng to gió lớn, giông và gió giật mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra khơi.
Nhìn lại năm 2016 sẽ thấy tính bất thường của thời tiết ngày càng gay gắt, xảy ra trên khắp cả nước.
Cụ thể với mùa khô 2016, nhiều nơi ở miền Nam và miền Trung khô hạn do lượng mưa thiếu hụt từ 30 - 40%, lượng dòng chảy trên các sông nhỏ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đến rất sớm hơn 1 tháng ở các vùng cửa sông miền Trung và đặc biệt ở ĐBSCL, nhiều nơi mặn đã vào sâu 80 - 100 km hoặc hơn, bà con nông dân điêu đứng vì hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất rất nghiêm trọng.
Ở miền Trung mưa lũ đến muộn nhưng lại dồn dập, lũ chồng lũ kéo dài nhiều ngày vào tháng cuối năm, gây thiệt hại lớn về tài sản và người. Miền Bắc đợt rét đầu tiên đến sớm so với bình thường, tuy nhiên người dân lại ít cảm nhận được không khí lạnh của mùa đông, do xen kẽ các đợt lạnh lại có những ngày nhiệt độ khá cao gây tiết trời oi nóng.
Đặc biệt, trong tháng 11 vừa qua và 10 ngày đầu tháng 12 này có những đợt mưa lớn trên diện rộng ở Nam bộ làm lượng mưa tăng bất thường, hầu hết vượt trung bình nhiều năm, cho cảm giác như mùa mưa chưa dứt tuy đã vào mùa khô. Mưa trái mùa gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông xuân cũng như hoa màu cây trái, đặc biệt những vườn mai bung nụ sớm do nắng mưa xen kẽ thất thường.
Hiện tượng sương mù, mù khô thường xuyên xuất hiện, có lúc dày đặc kéo dài trong ngày, gây trở ngại cho giao thông và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển gây hại.
Sắp xuất hiện giá rét ở miền Bắc
Theo dự báo mới nhất của các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới, hiện tượng La-Nina vẫn còn hoạt động nhưng cường độ rất yếu đến cuối năm, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn trung tính (không El-Nino, không La-Nina) từ tháng 1 đến tháng 3.2017. Trên cơ sở này có thể cho nhận định thời tiết trong 3 tháng tới (mùa đông xuân) có khả năng diễn biến như sau:
Những đợt không khí lạnh có cường độ mạnh dần từ nay đến hết tháng 2.2017, tần suất xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt từ Giáng sinh đến Tết âm lịch sẽ có 1 - 2 đợt không khí lạnh mạnh có thể gây rét đậm rét hại ở miền Bắc, những vùng núi cao trên 1.500 m có thể có băng giá và tuyết rơi (Mẫu Sơn, Sa Pa, Mù Cang Chải, đèo Ô Quy Hồ...), thậm chí có nơi địa hình thấp hơn cũng sẽ xảy ra hiện tượng kỳ thú này.
Tuy nhiên, bà con nông dân sẽ vất vả với một mùa đông phải chống chọi với giá rét, ảnh hưởng gia súc, lúa, rau màu. Mùa rét kéo dài qua hết tháng 1 âm lịch, sau đó những đợt không khí lạnh sẽ thưa dần, có những ngày nắng ấm xen kẽ. Trong khi đó, ở các tỉnh miền Trung, mưa lũ có thể vẫn còn cho đến cuối năm âm lịch. Mùa mưa lũ kết thúc muộn lại thêm trời ngày càng trở rét, buốt giá tăng thêm gây trở ngại và thiệt hại khó lường.
Trên đất liền Nam bộ, mưa trái mùa làm độ ẩm có lúc cao. Ban đêm trời trở lạnh do nhiệt độ có xu hướng giảm khi không khí lạnh tràn về mạnh khuếch tán sâu xuống phía nam. Nhiệt độ Nam bộ thấp nhất trong mùa đông xuân 2016 - 2017 ở miền Đông có thể xuống 17 – 18 độ C tại Bình Phước, Xuân Lộc, Tây Ninh; TP.HCM và một số tỉnh miền Tây 18 – 20 độ C, sương mù và mù khô còn xuất hiện nhiều ngày. Đà Lạt trong những ngày cuối năm sẽ lạnh 12 – 14 độ C, ban ngày nắng ấm. Vì tết năm nay đến khá sớm vào cuối tháng 1 đầu tháng 2 dương lịch nên sau tết phía bắc trời còn rét.

tin liên quan

Thích thú với hiện tượng siêu trăng
Tối 14.11, thời tiết ở TP.HCM khá đẹp, không bị ảnh hưởng bởi mây mù nên người dân có thể dễ dàng quan sát hiện tượng siêu trăng gần trái đất trong 68 năm vừa qua.
Trong khi đó, phía nam nắng tăng, ẩm giảm và bắt đầu khô hạn, tình hình xâm nhập mặn cũng sẽ đến sớm. Do trên sông Cửu Long mực nước cao hơn 2015 và mưa trái mùa cuối năm nên tình hình xâm nhập mặn và hạn hán không quá gay gắt như mùa khô trước.
Tuy nhiên, một số vùng chịu tác động bởi hạn mặn nên cần chủ động sớm để giảm nhẹ thiệt hại, nhất là trong bối cảnh ngày càng chịu tác động do biến đổi khí hậu, bất thường thời tiết có thể xảy ra mọi nơi mọi lúc nên hậu quả khó lường trước được.
Riêng khu vực TP.HCM sẽ tiếp tục đối mặt với 2 đợt triều cường giữa tháng 11 và tháng chạp âm lịch, có khả năng đạt và vượt báo động 3 nên tình trạng ngập úng còn xảy ra trên diện rộng tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp và khu vực nội thành TP.HCM, gây ùn tắc giao thông và khá nguy hiểm cho người tham gia giao thông lúc trời mờ tối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.