Thời Covid-19: Hãy cười bằng mắt Sài Gòn ơi khi những ngày ít tốn son môi!

Hồng Hạnh
Hồng Hạnh
29/03/2020 13:12 GMT+7

Tôi là dân nhập cư. Sài Gòn là nơi tôi mưu sinh. Những ngày tết, tôi thường về quê, hay đi đâu đó thật xa.

Do vậy ở Sài Gòn khá lâu, nhưng tôi chưa bao giờ có một ngày nhìn thấy thành phố ồn ào này vắng ngắt vắng ngơ. Cho đến một ngày Covid-19 đã đảo lộn tất cả những thói quen...

Những ngày ít tốn son môi và tập cười bằng mắt

Nơi tôi ở là một chung cư đặc trưng của Sài Gòn xưa. Bước ra mấy bước là tới chợ Bến Thành, lui lại mấy ngã tư là tới chợ Cũ, đi dăm bước ra Bến Nhà Rồng. Nơi đây là trung tâm của trung tâm Sài Gòn. Nó có đầy đủ quán xá từ sang trọng cho tới vỉa hè bình dân. Muốn siêu thị có siêu thị, muốn xe hàng rong có xe hàng rong.

Cảnh vắng vẻ tại khu vực chợ Bến Thành vào ngày 28.3

Ăn sáng thì từ một tô hủ tiếu Nam Lợi gà cá các kiểu giá gần trăm ngàn cho đến mua gói xôi mặn hàng rong 15 ngàn, kêu ly cà phê đá 15 ngàn ngồi vỉa hè Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngắm hoa điệp vàng rụng tơi tả cũng có. Dường như, hơi thở của cái phường tôi đang sống nó như phong vũ biểu của cuộc sống Sài Gòn - TP.HCM.
Bữa hổm, bà bán bún măng vịt vỉa hè nói với tôi: Nhà hàng Hàn Quốc kế mình bày xe bếp ra ngoài nấu bánh canh take away rồi cô. Bữa nào ăn thử. Tội họ quá! Một cô gái trẻ đẹp mới thuê căn hộ ngay chân cầu thang mở tiệm uốn tóc, khai trương chưa được mấy ngày thì gặp lệnh tạm nghỉ.
Thấy cổ cũng còn cười tươi. Cổ nói với bà Tám bán tạp hóa, có gì con chuyển qua nấu cơm phần giao online. Bà Tám phẩy tay nói giọng nhẹ hều: “Ối, có phần hổng cần gì lo; cứ cẩn thận hổng bị mắc dịch chuyện gì cũng qua”. Tôi phì cười, lâu nay bạn bè mỗi khi mắng yêu hay chọc ghẹo nhau hay đệm câu: Đồ quỷ dịch à. Mắc dịch mày hen. Cho tới bây giờ chữ mắc dịch mới được gọi đúng bản chất của tên gọi.
Có lẽ, nhịp sống của một khu phố, những đường phố bình thường là quán xá san sát, mỗi căn nhà là không chỉ một mà có khi có đến 2, 3 quán xá trong đó, mới thấy sự thay đổi lạ lùng khi có lệnh cấm tụ tập. Hầu như vỉa hè vắng hẳn những dãy xe máy, lòng đường bớt những dãy xe hơi nối đuôi. Người đi bộ ít hơn, khẩu trang che kín mặt.
Hôm trước đi ngang chợ Bến Thành thấy vắng tanh. Mấy bà tiểu thương tắt bớt đèn ngồi tán gẫu. Cà phê Vy - nơi ông Justin Trudeau Thủ tướng Canada từng ngồi nhâm ly Sài Gòn cà phê sữa đá - mọi khi khách ngồi san sát, nay vắng tanh. Chia tay đứa bạn đang bịt khẩu trang kín mít, đưa máy ảnh selfie và nhắc nhau: Ê, một hai ba cười bằng mắt nè.
Đúng là một Sài Gòn thời điểm mà phụ nữ ít tốn son môi và mọi người tập cười bằng mắt! Hôm đó không nghĩ là sau ly cà phê đó, buổi chiều có lệnh không cho tụ tập đông người.

Có một Sài Gòn trở lại ngày xưa

Giữa những ngày dịch này, tôi và mấy bà bạn hàng xóm trong chung cư tốn tiền điện thoại nhiều hơn. Í ới gọi cho mấy bà bán hàng quen trong chợ Bến Thành hay chợ Cũ là có ngay giỏ đồ ăn tươi rói. Mà đối với người mê đi chợ hay thích nấu ăn thì dù nhắm mắt lại cũng hình dung ra từng góc chợ, từng sạp hàng. Và cái níu giữ tôi với chợ truyền thống là chữ tín, là mối quan hệ y như gia đình. Vì thế, đằng sau cái vẻ bớt ánh sáng của chợ Bến Thành, hay vắng lặng của chợ Cũ thật ra là cả một guồng máy vẫn tiếp diễn, vẫn hoạt động. Ế ẩm là tất nhiên, nhưng người Sài Gòn vốn không ngồi yên mà chịu. Họ bảo, cứ nhúc nhích, tới đâu hay tới đó.
Lúc này, nơi tôi ở mùi thức ăn nhiều hơn, tiếng chiên xào, băm chặt thi thoảng vọng ra từ các ô cửa. Tiếng con nít í ới. Chúng nó được nghỉ đến mùng sáu mươi mấy tết, coi bộ vẫn chưa chán. Một không khí khác hẳn cái vắng lặng ngoài đường phố.
Tôi chợt nhớ ra, ngay cả dịp tết lễ, người Sài Gòn cũng không nhất loạt đều ở nhà lâu đến vậy. Người Sài Gòn chưa bao giờ tụ tập cả gia đình quanh gian bếp đến vậy. Bữa ăn có thể sang nghèo thịt thà khác nhau, nhưng cái ấm cúng cái nếp nhà thì bình đẳng y như nhau. Tôi nghĩ, thôi thì cứ có một cái nhìn lạc quan trong mùa dịch này cái đã. Bình tĩnh sống đó chẳng phải là đức tính của người Sài Gòn - dẫu là ngụ cư hay nhập cư đó sao!
Riêng tôi, tôi thấy Sài Gòn như đang trôi tuột về những năm xa thật xa, khi con người hướng nội hơn, khi mà những giá trị vật chất hào nhoáng chưa áp đặt một lối sống nhanh, gấp gáp, hưởng thụ như chúng ta đã từng.
Sống chậm một chút dù chỉ cười bằng mắt Sài Gòn ơi!
Tôi nhớ một bài báo mới đây, bà Li Edelkoort được coi là một trong những chuyên gia dự đoán xu hướng (trend forecaster) có tầm ảnh hưởng nhất thế giới có nói rằng: “Chúng ta sẽ phải chấp nhận việc sống với ít nhu cầu hơn, ít hàng mới hơn, ít chạy theo quảng cáo và xu hướng hơn. Chúng ta sẽ phải bỏ bớt đi các thói quen cũ như thể chúng ta đang cai nghiện vậy. Chẳng hạn như ngưng hẳn việc shopping. Có vẻ như chúng ta đang bước vào một thời kỳ cách ly tiêu dùng (quarantine of consumption). Chúng ta sẽ phải học cách hài lòng với một cái váy giản đơn, tìm lại những sở thích cũ, đọc một cuốn sách ta đã lãng quên hoặc nấu một bữa thịnh soạn để làm cuộc đời đẹp hơn. Vi rút sẽ gây ảnh hưởng lên văn hóa và mang tính quyết định trong việc xây dựng một thế giới mới hoàn toàn khác biệt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.