Theo dấu ngự trà truyền tụng một thời tiến vua

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
10/02/2018 09:33 GMT+7

Người dân Bình Định truyền tụng rằng ở vùng núi Chúa, nằm giáp ranh giữa hai huyện Hoài Ân và An Lão có loại trà Cam Khổ từng được chọn để tiến vua. Những ai sành trà, từng uống qua trà Cam Khổ thì các danh trà khác cũng trở nên bình thường.

Tuyệt phẩm phủ hoài nhơn
Chuyện trà Cam Khổ ở Bình Định là vật phẩm tiến vua hằng năm được nhắc đến trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Trong sách Nước non Bình Định, nhà thơ Quách Tấn ghi chép rằng trà Cam Khổ mọc nhiều ở vùng núi non Vạn Hội (nay thuộc xã Ân Tín, H.Hoài Ân): “Lá thô, cọng lớn. Hương nồng và mới ngửi phảng phất như mùi mốc. Uống vào vị đăng đắng, nhưng vào cổ rồi thì ngọt và thơm hàng giờ. Hương vị của trà Cam Khổ khác hẳn với các loại trà khác, cả Tàu lẫn ta”.
Theo cụ Trần Văn Diền (81 tuổi, ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín), một trong những người cao tuổi nhất ở vùng Vạn Hội, tương truyền trà Cam Khổ gồm 2 loại là trà Cam (vị ngọt) và trà Khổ (vị đắng). Trà Cam lá nhỏ, tròn, mỏng, sắc xanh nhạt, vị ngọt như đường, có công dụng bổ máu, làm đẹp da…

Còn trà Khổ thì lá to hơn, xanh và dày, ngọn non rất đắng, sắc lên càng đắng, có công dụng bổ gan, lợi cho sự tiêu hóa. Những người sành trà thường lấy hai phần trà ngọt, một phần trà đắng sắc uống thì thấy vị đắng nhưng uống xong vị ngọt đọng rất lâu.
“Hồi xưa, nhà cụ Đinh Quyển (đã mất năm 2016) ở gần nhà tôi có cây trà Khổ. Ông cụ rất quý cây trà này, chỉ lấy đọt non để dùng trong gia đình và bán lại cho một vài mối quen biết. Nhờ vậy, tôi cũng được uống trà Khổ vài lần. Nước có vị rất đắng nhưng thơm. Tiếc là cây trà của cụ Quyển đã chết lâu rồi”, cụ Diền cho biết.
Cụ Diền kể trà Cam và trà Khổ ngày xưa mọc hoang trên núi Chúa, vùng rừng núi Vạn Hội cũng có rất nhiều. Ban đầu người dân bản địa hái trà mọc tự nhiên trong núi về nấu nước để uống. Khi phủ Hoài Nhơn hưng thịnh, nhiều chí sĩ đến sống ở vùng đất này mới nghĩ đến chuyện chế biến trà hoang trên núi theo cung cách trà cung đình để thưởng thức. Thứ trà hoang dại ở vùng rừng núi Vạn Hội có hương vị lạ lẫm, ai cũng mê. Từ bình dân cho đến chí sĩ, rồi đến quan lại và khi vua dùng cũng đâm nghiện nên trà Cam Khổ được chọn làm ngự trà. Mỗi năm chính quyền sở tại phải hái trà vào tháng 3 và tháng 9 để tiến vua.
“Phủ Hoài Nhơn ngày xưa có ba thứ tuyệt phẩm, gồm: mỹ nhân, trà Cam Khổ và cá bống. Khi trà Cam Khổ trở thành ngự trà, triều đình cử người đến trông coi. Một năm, đàn khỉ trên núi Chúa kéo xuống hái đọt non của trà Cam Khổ ăn rồi cũng nghiện, chúng kéo nhau ăn sạch, người phu coi trà không canh được. Vậy là vua bắt tội người phu. Sau khi xảy ra câu chuyện này, dân gian oán hận vua vì miếng ngon của mình mà chém đầu kẻ dưới, nên mới đặt tên cho loại trà trên núi Chúa là trà Cam Khổ. Đó cũng là một cách người xưa giải thích tên trà Cam Khổ”, cụ Diền nói.
Cụ Diền cho biết tầm 20 năm trở lại đây, nhiều người đi tìm trà Cam Khổ ở vùng rừng núi Vạn Hội đều không gặp. Người xưa kể lại rằng vùng núi Chúa ở huyện An Lão có vườn cây Gia Long, nơi này có rất nhiều cây ăn quả, trà Cam Khổ mọc chen lẫn cổ thụ. Bây giờ muốn tìm dấu tích trà Cam Khổ phải đi tìm vườn cây Gia Long.
Trà hoang được bảo tồn tại Bãi cỏ Gia Long Ảnh: Hoàng Trọng

Rừng trà hoang trăm tuổi

Nhắc đến vườn cây Gia Long và trà Cam Khổ, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, trầm ngâm vài phút rồi lắc đầu, khẳng định chưa từng nghe nói đến. Tuy nhiên, ông Lâm cho biết cuối năm 2016, UBND huyện đã phê duyệt đề án cho Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn (xã An Toàn) khôi phục và phát triển vùng trà tự nhiên rộng 1,9 ha, nơi đây có rất nhiều gốc trà cổ thụ.
Rừng ở xã An Toàn có độ cao bình quân 800 - 900 m so với mực nước biển, hằng năm sương mù bao phủ, mưa ẩm suốt từ tháng 9 đến tận tháng 4 năm sau. Hầu hết các khu vực rừng của xã đều có cây trà mọc tự nhiên. Phần lớn trà ở đây đã phát triển thành thân gỗ, cao trung bình 5 - 7 m, cây cao nhất lên đến 12 - 15 m.
Ông Nguyễn Tấn Tùng, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết trong khu vực rừng trà đơn vị này đang bảo tồn có một nơi được đồng bào ở địa phương gọi là Bãi cỏ Gia Long (thuộc thôn 2). Khu vực này nằm giữa rừng nhưng không có cây gỗ lớn, còn cây trà mọc dày đặc, ước tính khoảng 600 gốc, cao 1 - 4 m. Mỗi lần vào rừng chăm sóc trà, các cán bộ quản lý rừng có hái một ít đọt non đem về nấu nước uống. Loại nước nấu ra có màu vàng sánh rất đẹp, mới uống vào vị đăng đắng, nhưng khi nuốt xuống cổ thì hóa ngọt và rất thơm.
Những bậc cao niên người đồng bào Ba Na, H’re ở xã An Toàn kể rằng binh lính của vua Gia Long ngày xưa có đóng quân tại đây, lựa chọn vùng đất bằng phẳng, có nhiều cỏ làm bãi chăn thả bầy ngựa chiến. Một số binh lính trồng trà để uống, hạt trà phát tán mọc lan rộng dần, lâu ngày thành rừng. Chưa có tài liệu nào xác định được nguồn gốc của trà tại Bãi cỏ Gia Long nhưng ít nhất cây trà đã sinh tồn tại đây không dưới 100 năm.
Chăm sóc trà hoang mọc tại vùng rừng núi quanh năm có mưa phùn và sương mù Ảnh: Hoàng Trọng

“Theo khảo sát của chúng tôi, tại khu vực rừng ở xã An Toàn có ít nhất 3 giống trà. Giống thứ nhất mọc nhiều ở thôn 1 và thôn 2, có lá và ngọn nhỏ, hoa màu trắng. Giống thứ hai mọc ở khu vực rừng thôn 3, có lá và ngọn to trung bình, mỏng, hoa màu vàng, có quả nhỏ. Giống thứ ba mọc tại khu vực rừng thôn 3, lá to, dày, hoa màu trắng, quả to và số lượng cây rất ít.
Người dân địa phương chỉ thích dùng các giống trà thứ nhất và thứ hai vì chất lượng và hương vị đặc biệt hơn. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, phát triển loại trà hoang này thành sản phẩm hàng hóa để bán ra thị trường”, ông Tùng cho biết.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, khẳng định sách sử triều Nguyễn có ghi chép trà Cam Khổ, trà Viên là 2 loại đặc sản của tỉnh Bình Định để tiến vua. Theo lệ, mỗi địa phương đều phải chọn các loại đặc sản ngon nhất của mình để tiến vua nên nói trà Cam Khổ ngon hơn các danh trà nổi tiếng khác thì chưa có cơ sở.
“Vùng đất các huyện Hoài Ân, An Lão có khí hậu, thổ nhưỡng hợp với cây trà nên có nhiều loại trà ngon. Giống trà ở tận Tam Đảo ngoài miền Bắc được Nông trường trà Gò Lôi đem về trồng tại huyện Hoài Ân từ năm 1980 cũng trở thành thương hiệu trà Gò Lôi nổi tiếng đến bây giờ là một minh chứng. Còn loại trà tự nhiên mọc trên rừng núi xã An Toàn có phải là trà Cam Khổ hay không thì cần phải có nghiên cứu, đánh giá kỹ mới khẳng định được”, ông Hòa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.