Theo chân thợ săn giữa 'ma trận' rễ đước bắt cua Cần Giờ danh tiếng

18/03/2017 13:34 GMT+7

Người săn cua biển phải vật lộn hàng giờ trong rừng Sác với trùng trùng lớp lớp rễ cây đước bao bọc như một ma trận để lần tìm, đào hang bắt cua mưu sinh.

Rừng sác, là căn cứ cách mạng nổi tiếng trong kháng chiến chống mỹ, nay là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của rừng ngập mặn. Ở đây, cây đước, sú mọc kín mít, rễ cây đen xám đâm ra tua tủa phủ kín mặt sình lầy làm nên một khu rừng đầy vẻ huyền bí.

Hàng ngày, có rất đông người dân ở H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) và vùng lân cận, vào rừng thả lưới đánh bắt cá, đào cua, bắt chem chép, ba khía, ... mưu sinh
Rừng Sác có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, phong phú với hàng trăm loài động thực vật trên cạn lẫn thủy sinh 
Từ mờ sáng, khi con nước vừa rút xuống làm mặt sình lộ ra các dấu vết hang cua thì những "thợ săn" bắt đầu vào rừng hành nghề. Mỗi ngày họ phải xé rừng, trèo rễ đước, lội sình hàng tiếng đồng hồ với quãng đường hơn 15km để tìm hang cua.
Trong rừng, họ vừa phải chú tâm quan sát tìm dấu hang cua trong từng gốc đước, bụi rậm vừa phải đối phó với những nguy hiểm rình rập như rắn rết, cành cây gãy và gai chà là. Ngay cả những người thông thạo địa hình gặp phải hôm trời tối hoặc có mưa lớn còn bị lạc giữa rừng sâu với trùng trùng lớp lớp rễ đước bao quanh không tìm thấy lối ra.
Phải là người trong nghề, nhìn các dấu hiệu mới biết được hang cua, bởi chúng thường đào hang dưới các gốc đước, bụi chà là và cây rậm rất khó phát hiện.
Họ dùng chiếc nỉ sắc bén chặt rễ đước để đào hang cua
Ngụp mò dưới nước để bắt cua
Những con cua lớn có phạm vi hoạt động kéo dài từ 300 - 400m. Để theo dấu và đào bắt được cua có khi phải mất cả tiếng đồng hồ.
Người đi săn cua phải đánh vật với ma trận rễ cây đước.
Họ dùng móc sắt dài đưa vào hang để kéo cua ra. Khi móc phải lựa chiều để cả con cua nằm trọn ở chỗ cong của móc câu, rồi nhẹ tay kéo ra tới cửa hang. Động tác phải thật khéo léo và nhẹ nhàng để cua không gãy càng, bán mất giá.
Mỗi con cua biển nặng từ 300g - 500g, có càng rất lớn và khỏe. Chuyện bị cua kẹp sứt thịt, đổ máu là chuyện thường của những người đi săn cua.
Mỗi kg cua biển loại 1 có giá từ 250 - 300 ngàn đồng, các loại 2 và 3 thì giá rẻ hơn. Đặc biệt, cua lột có giá cao nhất, vào khoảng 350 ngàn đồng/kg.
Trung bình mỗi ngày người đi săn cua có thu nhập từ 300 - 500 ngàn đồng, thậm chí có hôm trúng mánh thu vào tới 1 triệu đồng. Nghề săn cua biển tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập khá hấp dẫn cho những người bám rừng Sác mưu sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.