'Thầy' Việt dạy hàng trăm 'trò Tây' lướt ván diều

07/02/2019 13:06 GMT+7

Dù chỉ mới 36 tuổi nhưng Trần Đăng Hải đã trở thành bậc thầy của hàng trăm “trò Tây” môn lướt ván diều trên vùng biển Mũi Né.

[VIDEO] Người Việt dạy lướt ván diều cho Tây tại Mũi Né
Trần Đăng Hải, sinh ra ở cù lao Phù Hóa, Sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành tin học ở Trường đại học Thủy sản Nha Trang, Hải đi làm thuê cho một công ty của Singapore chuyên kinh doanh thiết bị về thuyền buồm. Chán với cảnh suốt ngày chịu trận nắng gió để căng buồm, lắp đặt dây thuyền... trên vùng biển Nha Trang, Hải bỏ việc sau 2 năm làm ở đây. Ra ngoài mở cửa hàng bán máy tính nhưng cũng thua lỗ nặng đành phải đóng cửa.
Năm 2006, một người bạn học phát hiện ở Mũi Né (Bình Thuận) có nhiều gió và lắm khách Tây chơi môn lướt ván diều, nên rủ rê Hải vào kiếm sống. Không ngờ kể từ đó Hải “dính chặt” với cái nắng, cái gió ở Mũi Né.

Từ người phụ việc...


Hải kể, thời điểm năm 2006, khắp Mũi Né chỉ có một người Pháp (lấy vợ Việt) dạy lướt ván diều, ván buồm cho khách Tây trên biển. Còn người Việt biết đến lướt ván diều rất ít. Lợi thế có 2 năm hiểu biết đôi chút về thuyền buồm ở Nha Trang, Hải xin vào phụ việc cho một công ty thể thao ở Mũi Né chuyên dạy lướt ván diều cho khách.
“Thời điểm này, người học rất đông, chủ yếu khách Tây sang Mũi Né tránh đông. Ông chủ vốn là một vận động viên quốc tế người Anh đã mời người thầy từ nước ngoài sang dạy môn lướt ván. Tôi liền đăng ký học bằng tiền ông chủ cho ứng trước 800 USD để nộp học phí”, Hải nhớ lại.
Một năm sau, khi trả hết nợ và trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp, Hải quyết định “ra riêng”, mở cơ sở dạy lướt ván diều, ván buồm cho du khách quốc tế. “Ban đầu, cơ sở thiếu vốn vì thiết bị phải nhập từ nước ngoài với giá rất đắt. Tích góp đủ kiểu, tôi cũng chỉ sắm được 5 bộ diều cũ làm nghề. Năm 2010, khi đã có chút vốn, tôi quyết định đầu tư hàng chục bộ diều nhập mới và thuê thêm giáo viên nước ngoài cùng huấn luyện và phát triển môn lướt ván diều ở Mũi Né”, Hải kể. Lúc này, Hải đã khá nổi tiếng với giới lướt ván diều trong nước và quốc tế.

... đến bậc thầy của học viên khắp thế giới


Thời điểm năm 2012, mỗi mùa gió, Hải đào tạo cả trăm học viên, chủ yếu là khách Tây đến Mũi Né tránh đông. Sau khi được tập huấn lớp huấn luyện viên chuyên nghiệp từ Philippines, Hải càng thu hút học viên hơn. Có năm lên đến vài trăm người, đến từ khắp thế giới nhưng chủ yếu vẫn là người Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp.
Mấy năm trở lại đây có thêm người Nga, Trung Quốc và Singapore. Còn người Việt, theo Hải, hiện không chỉ nam, mà số lượng học viên nữ học lướt ván trên biển rất đông.
Môn lướt ván diều đòi hỏi người học vừa phải có thể lực, vừa nắm được kỹ thuật nếu không muốn “dính” chấn thương. Ở Mũi Né, gió rất lớn nhưng mỗi năm chỉ khoảng 4 - 5 tháng là hết.
“Có một học viên người Tây Ban Nha, dù đã 50 tuổi nhưng rất đam mê, tuy nhiên lại chậm tiến bộ. Học suốt 3 năm liền, mỗi năm chỉ về nước 1 - 2 lần. Học ở đây đến nỗi, anh ấy kết thân và lấy một cô vợ người địa phương, rồi ở đây luôn...”, Hải kể.
Giờ đây, giao hết việc nhà cho vợ, ngày ngày Hải bám biển, tích cực đào tạo môn lướt ván diều. Hải đào tạo cả kỹ thuật về lướt ván buồm, thuyền buồm cho khách Tây có nhu cầu. Mỗi khóa học thường kéo dài 17 giờ với giá 350 USD, trường hợp muốn nâng cao thì khách phải nộp thêm 50 USD/giờ.
Hải tâm sự về nghề: “Cái thứ nhất, nó thỏa thích niềm đam mê gió biển của mình. Thứ hai, thể thao biển góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Mũi Né, mình phải có trách nhiệm góp công sức nhỏ bé vào cái chung. Thứ ba, nó luôn cho mình cơ hội trau dồi tiếng Anh và quan trọng hơn là nguồn thu nhập ổn định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.