Thay thế đốt sống cổ bằng bộ phận titanium

02/03/2016 08:00 GMT+7

Một bác sĩ Úc đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay thế hai đốt sống cổ đầu tiên trên thế giới ở bệnh nhân mắc ung thư với bộ phận được in từ titanium.

Một bác sĩ Úc đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay thế hai đốt sống cổ đầu tiên trên thế giới ở bệnh nhân mắc ung thư với bộ phận được in từ titanium.

Ảnh chụp X-quang phần đốt sống cổ đã được thay thế - Ảnh: ABC AustraliaẢnh chụp X-quang phần đốt sống cổ đã được thay thế - Ảnh: ABC Australia
Trong khi không phải ai cũng tậu máy in 3D tại nhà, việc sử dụng công nghệ này đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong mảng y học. Các bộ phận cấy ghép ra lò từ máy in 3D luôn được chế tạo vừa khít với bệnh nhân, mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh, như một bác sĩ Úc vừa chứng minh. Vào cuối năm 2015, Ralph Mobbs, chuyên gia giải phẫu thần kinh của Bệnh viện Hoàng tử Xứ Wales tại Sydney, đã gặp một bệnh nhân mắc ung thư do vi rút gây ra. Người bệnh, trong độ tuổi 60, bị khối u ở một vị trí đặc biệt khó phát hiện, nằm ở vị trí trên cùng của cổ có hai đốt sống chịu trách nhiệm với sự chuyển động và xoay của đầu. “Khối u chiếm cứ hai đốt sống đó”, theo ABC Australia dẫn lời bác sĩ Mobbs. Nếu không được điều trị, khối u có thể chèn ép cuống não và dây thần kinh cột sống, dẫn đến tình trạng liệt tứ chi và cuối cùng là tử vong.
Trước đó, bác sĩ đã vài lần thử điều trị bằng cách phẫu thuật, nhưng gặp khó khăn vì không chọn được đốt sống vừa với phần dự kiến cắt bỏ. Thế là bác sĩ Mobbs quyết định chuyển sang thử in 3D, bằng cách phối hợp với một công ty thiết bị y khoa tại Úc. Bên cạnh việc tạo ra đốt sống titanium, hãng cũng in một loạt mô hình giống y khung xương của bệnh nhân để bác sĩ có thể thực tập quá trình phẫu thuật trên phiên bản nhân tạo trước khi bước vào phòng mổ. Trong khi các nhà giải phẫu đã sử dụng thiết bị cấy ghép in bằng máy 3D trong vài năm qua, bác sĩ Mobbs cho rằng cuộc phẫu thuật mà ông vừa tiến hành là ca đầu tiên cắt và ghép hai đốt sống trên cùng của cổ. Ca phẫu thuật mất hơn 15 giờ mới hoàn tất, và bệnh nhân đang hồi phục tốt dù vẫn còn một số di chứng do phẫu thuật qua đường miệng.
Tự tin với thành công mới, bác sĩ Mobbs chắc chắn rằng ứng dụng in 3D trong lĩnh vực điều trị y tế sẽ càng phát triển hơn trong những năm tới. “Không hề nghi ngờ rằng nó sẽ là một làn sóng mới của y học. Đối với tôi, “chén thánh” của y khoa là sản xuất được xương, khớp và cơ quan nội tạng theo yêu cầu để khôi phục chức năng và cứu mạng bệnh nhân”, theo bác sĩ Mobbs. Tuy nhiên, hiện ông vẫn chưa hài lòng với thiết bị cấy ghép làm từ vật liệu như titanium, mà điểm mấu chốt là làm sao thu hoạch được tế bào bên trong cơ thể bệnh nhân để “in” vào khung giàn giáo có sẵn nhằm nuôi dưỡng các cơ quan nội tạng theo nhu cầu của bệnh nhân. Và ông tin rằng điều này có thể đạt được trong thời gian không xa, theo đó việc in tụy tạng cho bệnh nhân tiểu đường hoặc tương tự sẽ thực hiện thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.