Thất lạc di ảnh tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2: 'Nếu tìm được sẽ thủy táng'

05/09/2020 10:12 GMT+7

“Bây giờ dù tìm lại được hũ cốt của em gái thì mình sẽ thủy táng chứ không gửi chùa nữa, cho em đi một lần thật nhẹ nhàng”, một người rưng rưng khi thất lạc tro cốt em gái tại chùa Kỳ Quang 2 .

Khung cảnh chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) những ngày này khá xáo trộn. Trong số những người thân của người gửi tro cốt ở chùa, có người đã nhìn được ảnh bài vị của người nhà, có người vui mừng vì thấy hũ cốt của người thân vẫn còn gắn bài vị. Nhưng cũng có người vội vã đến chùa sau khi nghe được thông tin, trong lòng thấp thỏm, mất ăn mất ngủ vì không biết tình hình hũ cốt của người thân ở dưới hầm như thế nào.

Tro cốt thất lạc di ảnh ở chùa Kỳ Quang 2 sẽ được giải quyết ra sao?

Niềm vui, nước mắt trước ảnh, bài vị người thân

Bà Huỳnh Hồng Duyên (48 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) bồi hồi kể lại gia đình bà gửi hũ cốt của mẹ ruột ở chùa Kỳ Quang 2 được 4 năm. Bà cho biết nhà mẹ bà ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), nhưng anh chị em đều ở Gò Vấp nên muốn gửi tro cốt mẹ ở chùa tại Gò Vấp để tiện thăm mẹ.
Sinh sống ở TP.HCM nhưng làm việc tại Nha Trang, tháng trước bà Duyên về TP.HCM vào chùa thăm mẹ thì thấy chùa rất bề bộn, tất cả các hũ cốt được dời qua một góc nhưng vẫn còn bài vị trên những hũ cốt. Lo lắng, bà Duyên vội vã gọi cho người thân nhưng được trấn an vì nghĩ chùa đang sửa chữa.
Ngày 2.9, bà Duyên đến chùa Kỳ Quang 2 một lần nữa để thăm mẹ nhân dịp lễ Vu Lan, nhưng khi đến nơi bà tá hỏa vì tất cả các hũ cốt đều bị bóc bài vị, tên, nằm lăn lóc một góc. Một lần nữa bà Duyên gọi điện cho người nhà, anh trai bà tức tốc đến chùa.

Nhiều người bày tỏ mong muốn được giải quyết sớm nhất vụ việc

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Lúc đó tôi suy sụp, bật khóc ở trong hầm để cốt. Lúc sau bình tâm lại tôi liền chạy đến quỳ mình dưới tượng Phật cầu nguyện. Sực nhớ ra trước đây tôi có chụp hình hũ cốt của mẹ và lưu trong điện thoại. Tôi dò theo vị trí để hài cốt của mẹ trong hình. Về đặc điểm nhận dạng, hũ cốt của mẹ khá đặc biệt vì bị vỡ một miếng ở phía trên và bị cháy một phần”, bà kể lại.
Anh của bà Duyên tìm một lúc trong đống hình ở một góc trong hầm thì mừng rỡ vì tìm được bài vị của mẹ. Bà Duyên cầm đến lắp vào hũ cốt vừa nhận diện được thì vừa như in. “May mắn là ngày xưa lúc hỏa táng thì còn dư mấy tấm hình bài vị của mẹ nên anh trai tôi bỏ vào hũ cốt luôn. Lúc đó tôi cùng anh trai mở nắp hũ cốt ra xem thì thấy bên trong có hình của mẹ nên đó chắc chắn là hũ cốt của mẹ tôi”, bà kể.

Một số người dân bật khóc khi không biết tình hình hũ cốt của người thân bên trong hầm như thế nào

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hiện tại hầm cốt đã niêm phong nên hũ cốt của mẹ bà Duyên vẫn được để ở trong chùa. Sau khi trở về, gia đình bà Duyên đã đến nghĩa trang, tìm chỗ để theo lời hẹn của chùa ngày 17.9 tới bằng mọi giá đưa hũ cốt của mẹ về để mẹ được yên nghỉ.
Tìm được hũ cốt của mẹ, bà Duyên vẫn động viên những người chưa tìm được gắng bình tĩnh để có thể tìm hũ cốt của người thân. Bà tâm sự ai cũng có những mất mát nhưng việc quan trọng nhất trước mắt là tìm hài cốt của người thân chứ không phải náo loạn.

Dân vẫn kéo về chùa Kỳ Quang 2 dù trụ trì hứa giám định ADN tro cốt

Đôi mắt đỏ hoe cầm hình chồng trên tay bà Đinh Thị Hiền (68 tuổi) bộc bạch: “Cho tôi vào bên trong đi, tôi có thể nhận diện được hũ cốt của chồng, hũ cốt của chồng tôi là nhỏ nhất trong số những hũ cốt được đặt ở đó”, bà nói. Mắt bà Hiền lóe lên hy vọng dù mong manh để tìm lại tro cốt của người chồng đã khuất.

Phương án cuối cùng là thủy táng tro cốt tập thể

Không may mắn như bà Duyên, nhiều người đến nay vẫn chưa nghe được thông tin gì về hũ cốt của người nhà. Ông Hồng Phương (47 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) gửi hũ tro cốt của người em gái tại chùa Kỳ Quang 2. Ông Phương kể khi ông đến thăm thì phát hiện ra chuyện nên sáng 3.9 ông đã đến chùa để làm rõ.
Ông Phương chia sẻ với PV: “Mình thực sự hy vọng tìm được đúng hũ cốt của em gái mình, theo mình biết thì ảnh của em mình đã rời ra khỏi hũ cốt rồi, nếu chỉ nhìn hũ cốt thì mình không thể đoán ra được nữa. Riêng bản thân mình thấy giám định ADN không khả quan lắm, rắc rối và rất rườm rà. Bản thân mình luôn muốn người nhà mình được an nghỉ, thời gian trước đó đã phải bốc em lên và hỏa táng rồi, bây giờ thêm nữa mình không an tâm”.

Bà Hiên chỉ còn di ảnh của chồng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

So với giám định ADN, ông Phương vẫn muốn thủy táng hũ cốt nếu không xác định được. Ông bày tỏ thủy táng là hay nhất cho cả nhà chùa, cho gia đình và cả người đã mất.
“Bây giờ dù tìm lại được hũ cốt của em gái thì mình sẽ thủy táng chứ không gửi chùa nữa, cho em đi một lần thật nhẹ nhàng”, ông rưng rưng.

Ngày 4.9 biên bản làm việc được dán trước hầm để cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ông Nguyễn Tấn Hùng (54 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) có 4 hũ cốt của người thân gửi trong chùa. Ông xác định 3 hũ cốt của người nhà mình không giám định ADN được nữa vì trước đó họ đều được hỏa táng bằng điện. Duy chỉ còn một hũ cốt là còn xương và còn hy vọng có thể giám định ADN.
Ông Hùng là một trong số những người dân xuống hầm kiểm kê niêm phong hũ cốt hôm 3.9. Nhìn bài vị, ảnh của nhiều người nằm lăn lóc khiến ông không khỏi đau lòng. Người thân của ông cũng chỉ tìm được 1 bài vị nhưng mất hình, rồi tìm được hình thì mất bài vị… không có sự nguyên vẹn.
“Dù tìm được một phần rất nhỏ như vậy nhưng lúc ấy tôi thực sự phấn khởi, nói chung hủ cốt vẫn là cái gốc quan trọng nhất mà lại đang thất lạc nên về nhà vẫn vô cùng bồn chồn, lo lắng. Nếu biết trước tôi đã đánh dấu rồi nhưng thực sự chẳng ai ngờ sẽ có chuyện này xảy ra…”, ông Hùng trầm tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.