Thanh Hóa: Sống bên sông Chu mà thiếu nước, giếng cạn trơ đáy

21/06/2021 08:56 GMT+7

Hàng ngàn hộ gia đình ở 5 xã của H.Thọ Xuân (Thanh Hóa) nhiều năm qua khổ sở vì thiếu nước hoặc mất nước, do biến đổi khí hậu và tác động của các công trình thủy điện, thủy lợi trên sông Chu.

Sống bếp bênh theo mực nước sông Chu

Nước sông Chu dâng cao thì giếng có nhiều nước, nước sông xuống thì giếng cạn theo. Đó là điệp khúc diễn ra khoảng 4 năm qua khiến hàng ngàn hộ gia đình trên địa bàn các xã Xuân Hòa, Thọ Hải, Thọ Diên, Xuân Thiên, và Phú Xuân (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) phải chịu đựng cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Các xã trên ở dọc hai bờ sông Chu và đều chưa có nhà máy nước sạch, nên người dân chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm bằng giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Khoảng 4 năm trở lại đây, các giếng khoan bị giảm lượng nước, có thời điểm bị mất nước hoàn toàn, khiến cho người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Theo vợ chồng ông Nguyễn Văn Xuân (79 tuổi, ngụ thôn Thọ Khang, xã Xuân Hòa, H.Thọ Xuân), hàng ngày gia đình phải lựa lúc nước sông Chu dâng lên để bơm nước lên bể chứa. Có ngày, ông Xuân phải bơm nhiều lần, mất nhiều giờ đồng hồ mới đầy cái bể xi măng chứa được khoảng gần 1 m3 nước.
“Máy bơm chạy ì ạch cả tiếng đồng hồ cũng không đầy nổi cái bể cỏn con vì nước lúc có lúc không, hại cả máy, hại cả điện. Nhà tôi chỉ cách bờ sông có mấy chục mét, trước đây giếng lúc nào cũng đầy ắp, nước trong veo, giờ đã không có nước, nếu có thì hôi tanh, phải lọc đi lọc lại mấy lần mới dám ăn”, ông Xuân nói.
Còn ông Lê Gia Loan (70 tuổi, ngụ thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải, H.Thọ Xuân) đã phải khoan đến cái giếng thứ 2 nhưng cũng đang phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, chưa nói đến nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.
“Nhà tôi cách bờ sông khoảng 400 m. Dân chúng tôi bao đời nay đều đào giếng khơi rồi giờ là giếng khoan để lấy nước ăn uống. Nhưng không hiểu sao, khoảng 4 năm nay giếng lúc có nước, lúc không. Bà nhà tôi có hôm bơm liên tục 4 tiếng đồng hồ cũng không đầy nổi cái bồn chứa 1,5 m3. Nhà tôi đã khoan đến cái giếng thứ 2 sâu gần 20 m, gấp đôi cái trước mà nước vẫn thiếu”, ông Loan kể.

Tình trạng mất nước, thiếu nước sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng

Ảnh Minh Hải

Do biến đổi khí hậu và thủy điện ở thượng nguồn?

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trung Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Hải, xác nhận tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt do nước giếng khoan sụt giảm là có thật. Cũng theo ông Dũng, thống kê sơ bộ, riêng xã này có khoảng hơn 400 hộ dân bị thiếu nước như tình trạng kể trên.
Theo UBND H.Thọ Xuân, tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 4, tại 5 xã trên có 1.477 hộ dân bị thiếu nước, do nước giếng khoan sụt giảm, hoặc mất nước cục bộ.
Cụ thể, xã Xuân Hòa (213 hộ), xã Thọ Hải (449 hộ), xã Phú Xuân (680 hộ), xã Thọ Diên (43 hộ) và xã Xuân Thiên (92 hộ). Tình trạng mất nước xảy ra với cả các hộ trong ở và ngoài đê sông Chu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở TN-MT Thanh Hóa, cho biết kết quả kiểm tra ban đầu về tình trạng sụt giảm mực nước, mất nước cục bộ trên địa bàn 5 xã của H.Thọ Xuân là thực tế. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Về nguyên nhân, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay: “Có thể do biến đổi khí hậu, nền nhiệt tăng cao, nắng nóng kéo dài khiến mực nước sông giảm sút. Ngoài ra, không loại trừ nguyên nhân do tác động từ các công trình thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn sông Chu khi đi vào vận hành, cộng thêm thời tiết nắng nóng, khô hạn, dẫn đến mực nước tại hạ du xuống thấp. Mực nước sông hạ thấp, dẫn tới các giếng khoan bị mất nước hoặc ít nước”.
Để xác định rõ nguyên nhân chính xác vì sao xuất hiện hiện tượng trên, ngày 10.5, Sở TN-MT Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) hỗ trợ, cử đoàn chuyên gia vào để tiến hành điều tra, khảo sát. Tuy nhiên, đến nay đoàn chuyên gia vẫn chưa vào làm việc nên chưa xác định chính xác nguyên nhân cuối cùng.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân, hàng ngàn hộ dân ở H.Thọ Xuân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt và chưa biết khi nào các nhà máy nước sạch mới được đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.