Thân quen những góc cà phê giấu khoảng lặng của tâm hồn

15/12/2019 10:36 GMT+7

Tôi thích câu thơ, và cũng là câu hát về một thành phố cao nguyên: “Đi dăm phút trở về chốn cũ”. Thích quá nên bị “ảnh hưởng” khi viết về thành phố Quảng Ngãi : “Những con đường ngắn như bài tứ tuyệt”.

Ngắn là so với vận tốc xe máy, ô tô. Còn như thời “xe đạp ơi”, đến thăm nhà bạn gái phải đạp rã giò. Đường dài gấp hai… nỗi nhớ. Ở đó mà “ngắn như bài tứ tuyệt”.
Nhà tôi cách thành phố hai mươi bốn ngàn xe buýt. Nói vậy là vô tình để lộ cái gốc quê ra rồi. OK quê! Có sao đâu? Không quê sao mỗi lần nhận cuộc gọi từ thành phố mời ăn giỗ, thiệp mời đám cưới, giấy mời họp ở hội này, hội kia là khó ngủ. Gà vừa lên tiếng gáy đã lọ mọ “lên đồ”, nhảy xe “ra tỉnh” với cái mặt tươi như vừa được vợ cho hai chục ngàn đi uống cà phê.
Có lẽ đại lộ Hùng Vương là con đường bề thế nhất thành phố Quảng Ngãi. Chỉ tiếc là hai bên vỉa hè chưa có cây dài bóng mát, chưa có những vòm xanh để làm chậm bước chân người dạo phố hay để níu ánh mắt người qua lại. Nhưng tôi yêu con đường này vì hai lẽ: Nơi có “mái nhà văn nghệ” thảnh thơi, và cũng là nơi có những góc cà phê thân thuộc.
Lần nào ra thành phố tôi cũng xuống xe khi chưa tỏ mặt người. Phố đang ngủ nướng nhưng giọng bạn rất tỉnh khi tôi gọi điện nói đã đến. Giọng bạn rất vui, vợ chồng mình dậy hồi bốn rưỡi, đang đi bộ dọc đê bao sông Trà nè...
Có vẻ dân phố siêng thể dục hơn dân quê? Chưa chắc lắm nhưng có phần đúng. Cả ngày tất bật trong ồn ào bụi bặm, chỉ rạng sáng không khí mới trong lành. Thành phố yên ắng, trừ vài chiếc xe máy pha đèn chở rau quả đi bỏ mối. Không hít thở (có ý thức) vào giờ này thì quá phí.
Bạn nhắn: “Ngồi chỗ cũ nghen. Tui tới liền”. “Chỗ cũ” là quán cà phê cô Bốn, sát lề đại lộ Hùng Vương. Quán không biển hiệu, không mái che, do bà cụ tên Bốn, 75 tuổi, làm chủ. Khách thì có mấy bác xe ôm, mấy anh lao động nghèo và... văn nghệ sĩ.
Mà quán xá gì đâu? Một cái kệ gỗ tựa vào bức tường của Hội Văn học nghệ thuật. Một cái dù cũ không đủ che hai người. Vài bộ bàn ghế nhựa bạc thếch. Cà phê chỗ này bảy ngàn một ly. Tiền ấy không thể đòi một ly cà phê ra hồn. Nhưng có cô gái 9X nói cà phê cô Bốn “quá đỉnh” vì uống về ngủ rất... ngon!
Cà phê Xanh khép nép trong con hẻm, bên hông đài truyền hình, là một nhịp điệu khác. Tôi và nhóm bạn làm phim, viết kịch bản hay ngồi đây. Cây trong quán khá nhiều. Có lẽ vì thế nên đặt là cà phê Xanh? Khách trong quán trầm ngâm, cứ như mỗi người là một dấu lặng. Cô chủ quán tên Thu Vân, giọng nói mềm như mây, rất biết “nịnh” cảm xúc của khách. Cô lặng lẽ thay từng ấm trà. Tiện tay khẽ xoay cốc cà phê nóng trên bàn để nhắc nhỏ khách rằng “cà phê sắp nguội”.
Ngồi ở đây không thấy dòng xe nhộn nhịp như cà phê cô Bốn. Bù lại là được thấy “dòng phim” chạy qua những câu chuyện của các cô phóng viên trẻ. Kêu cà phê “nâu nóng” nhưng cứ để nguội ngắt vì say sưa bàn tán những cảnh quay, những góc máy đặc tả nằm trong dự định.
Một quán cà phê khác tôi hay “check-in” dù không có view đẹp. Đó là cà phê Sách, cũng trên đại lộ này. Quán trên gác hai, thuộc một hệ thống siêu thị lớn của thành phố. Những giá sách, tủ sách xen lẫn với những vật dụng cổ được bày biện công phu.
Có nhiều loại sách cho mọi sở thích, mọi lứa tuổi. Ngồi nhâm nhi cà phê, chỉ cần với tay là đụng ngay quyển sách. Cái hay của quán là ngồi một mình không buồn; ngồi với bạn càng vui. Nhiều khi hai người bạn, hai cuốn sách, không ai nói với ai câu gì mà... hiểu nhau thật nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.