Thảm họa Carina: Người ở lại ám ảnh khoảnh khắc bước ngang những hàng xóm nằm lại

14/04/2018 15:13 GMT+7

Trong buổi gặp mặt cảm ơn các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) vào ngày 14.4, chúng tôi gặp lại những cư dân may mắn được cứu sống trong vụ cháy chung cư Carina với những câu chuyện kể xúc động.

Hơn 20 ngày sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM), tinh thần cư dân ở đây ít nhiều có phần ổn định, nhưng sâu trong những ánh mắt ấy, chúng tôi nhìn thấy được sự sợ hãi vẫn còn hiện hữu.
VIDEO: Những giọt nước mắt của cư dân Carina khi gặp lại các chiến sĩ PCCC
Thoát thân bằng mọi cách
Trong các câu chuyện về đêm xảy ra vụ cháy kinh hoàng được kể lại, chúng tôi nghe nhắc nhiều đến khói, hành lang, xác chết và những cuộc chạy thoát thân. Các hình ảnh ấy cứ ám ảnh trong suy nghĩ từng người dân sống ở chung cư này.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Mẫn (38 tuổi, cư dân chung cư Carina) kể lại, khoảng 1 giờ 30 phút sáng 23.3, vì cúp điện nên chị tỉnh giấc, nghe tiếng người la hét, rồi tiếng nổ lớn nên nghi có chuyện chẳng lành. Mở cửa ra xem, chị bàng hoàng vì thấy khói bay mù mịt nên vội quay vào nhà và gọi điện thoại báo cháy.
“Tôi gọi liên tục vào số điện thoại 114. Khoảng 10 phút sau, tôi thấy xe cứu hỏa đến. Chỉ đến khi ấy, tôi mới bình tĩnh hơn được một chút”, chị Mẫn nhớ lại.
Nhiều cư dân đã được những người lính cứu hỏa cứu sống trong hỏa hoạn Ảnh: Thanh Hương
“Rồi từ lúc đó, tôi cố gắng trấn tĩnh để tìm cách thoát ra khỏi tòa nhà. Sau đấy, được các anh cứu hỏa dẫn thoát ra bằng cầu thang bộ nhưng lại đụng phải xác chết nằm chắn ngang, chúng tôi dường như chết lặng ở khoảnh khắc ấy. Dù rất đau lòng, chúng tôi vẫn phải bước qua để bảo vệ tính mạng của mình”, giọng kể của chị nghẹn lại khi nghĩ đến người hàng xóm không may mắn đã không thể vượt qua trong đám cháy.

Còn với anh Phan Công Phụng, đêm xảy ra vụ cháy điều duy nhất anh nghĩ đến trong đầu là tìm kiếm một căn nhà có ban công. “Nhà tôi ở khoảng giữa nên không có ban công, đành phải chạy vội sang các nhà khác đang mở cửa mà tìm kiếm chỗ trú ngụ chờ cảnh sát đến cứu. Lúc nhìn thấy các anh lính cứu hỏa, tôi chỉ biết được rằng mình đã sống”, anh Phụng lục tìm trong kí ức mơ hồ để kể cho chúng tôi nghe.
Bằng những hiểu biết của mình, anh Phụng không dám chạy xuống lối thoát hiểm bởi anh không rành con đường này. Ban công sẽ là nơi an toàn nhất để có thể chờ đợi được người đến giúp. Anh Phụng còn cho biết, ngoài anh ra còn có rất nhiều người dân khác nữa cũng đứng ở ban công để phát tín hiệu cầu cứu.
Không có gia đình bên cạnh như những người khác, nhưng Trần Thi (23 tuổi) lại rất bình tĩnh xử lí mọi việc. Thi cố gắng bịt kín các khe cửa không cho khói lọt vào, sau đó chạy ra ban công và nhờ mọi người phía dưới giúp đỡ.
Thảm họa Carina: Những hồi ức không thể phai nhạt2
Anh Châu Văn Hùng vẫn còn nhớ như in giây phút gia đình anh từ cõi chết trở về   Ảnh: Phan Định
Những ám ảnh và trăn trở vẫn còn đó
Cũng giống như chị Mẫn hay anh Phụng, chị Mỹ An (block B) sau khi phát hiện ra đám cháy đã cố gắng tìm mọi cách bảo vệ tính mạng cho mẹ già và đứa con mới 14 tuổi. “Các anh cứu hỏa hướng dẫn tôi lấy khăn ướt che lên mặt tránh khói vì lúc đó toàn bộ khu hành lang đằng trước đã bị khói đen bao vây, không thể nào thấy được đường đi”, chị An nhớ lại.
Ngập ngừng, suy nghĩ rồi chị lại kể tiếp: "Nghe lời các anh, tôi lấy khăn ướt cho cả ba người rồi men theo hành lang, xuống lối thoát hiểm để cố gắng ra ngoài. Cũng thật may mắn vì bản thân tôi biết đường, cộng với sự hướng dẫn rõ ràng của lính cứu hỏa mà chúng tôi đã được bình an".
“Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi trở thành nạn nhân của một vụ cháy khủng khiếp như vậy. Là một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng chính tôi đã phải khóc nức nở sau khi mọi chuyện kết thúc. Với tôi, nó như một kí ức không thể nào quên và cũng không bao giờ muốn lặp lại dù ở bất kì đâu đi chăng nữa”.
Thảm họa Carina: Những hồi ức không thể phai nhạt3
Bạn Trần Thi (23 tuổi) bình tĩnh xử lý tình huống, khi vụ cháy xảy ra Thi ở nhà một mình Ảnh: Phan Định
Một trong những gia đình cuối cùng được cứu trong block B, chị Mỹ An còn trăn trở về tình trạng đứa con của mình: “Kể từ ngày xảy ra vụ cháy, đứa con gái của tôi đi đâu cũng bám víu lấy mẹ, không lúc nào chịu buông tay ra. Đi vệ sinh hay ngủ một mình bé đều sợ. Trong khi trước đó, bé rất tự lập trong những vấn đề này”.
Rồi chị nói tiếp với giọng đầy lo lắng: “Không biết sau này con tôi và những đứa trẻ khác có thể vượt qua để trở về với cuộc sống bình thường được hay không. Bởi là một người mẹ, khi nhìn vào mắt con bé tôi thấy được nó đã thực sự hoảng loạn và chịu đựng như thế nào”.
“Bây giờ, tạm thời sức khỏe của các cháu không sao. Nhưng 5 năm, 10 năm nữa khói độc trong người mới bắt đầu ảnh hưởng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”. Câu hỏi ấy của chị An làm cho những người ngoài cuộc như chúng tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều.
Vụ cháy đã qua đi, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, những trăn trở của người cha, người mẹ về tương lai và sức khỏe của người thân trong gia đình. Những mảng kí ức tối màu với khói đen và lửa bụi có lẽ sẽ ám ảnh rất lâu, rất sâu trong tâm trí của cư dân ở Carina Plaza.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.