“Tết này, con không về”!

20/11/2008 12:57 GMT+7

“Bọn tôi đã gọi điện về quê thông báo với cha mẹ tết này không về nhà”, “Không về ai chẳng nhớ nhà, nhưng nếu về với bộ dạng không tiền, ba má càng buồn hơn”... Đó là những tâm sự chung của rất nhiều công nhân nhập cư đang bị mất việc ngay vào thời điểm gần cuối năm tại TP.HCM.

Những ngày cuối năm vùn vụt trôi qua, cái tết đang đến gần. Với một bộ phận công nhân đang làm việc ở TP.HCM, những ngày tháng này là thời gian khốn khó nhất: việc làm không ổn định, đồng lương chập chờn, đói no không biết trước...

Đã nhiều tháng nay, mỗi ngày có hàng trăm công nhân ăn chực nằm chờ trước cổng Công ty TNHH Quang Sung Vina, quận Gò Vấp, TP.HCM vì chủ nợ lương. Mãi đến chiều tối 15-11, 200 công nhân mới được nhận một phần tiền lương, sau khi bán thanh lý hết tài sản được 200 triệu đồng/số nợ lương 557 triệu đồng. Nhiều công nhân cầm đồng tiền mà rơi nước mắt. Số tiền ít ỏi này cũng chỉ đủ trả nợ một phần tiền cho chủ nhà trọ và mua ít gạo cầm cự, họ lại tiếp tục hành trình đi tìm việc làm...

Làm công nhân, ăn cơm làm phước

 

 Chị Kiều bế con nhiều ngày chầu chực trước cổng Công ty Quang Sung Vina nhưng vẫn chưa lấy được đủ lương. Nhiều công nhân khác cùng cảnh ngộ

Đầu tháng mười một vừa qua, ông Trương Lâm Danh - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - đã xuống và kiểm tra, thăm hỏi, tặng quà một số công nhân Công ty Vina Haeng Woon Industry (quận 8). Ông Danh đã yêu cầu LĐLĐ quận lập danh sách những công nhân có hoàn cảnh khó khăn để tổ chức công đoàn có biện pháp chăm lo. Hơn 600 công nhân của công ty này đã làm đơn và ủy quyền cho LĐLĐ quận 8 làm thủ tục đề nghị phá sản công ty và giải quyết quyền lợi cho họ.
Dáng vẻ tiều tụy, những khuôn mặt ủ dột, mắt đỏ hoe chực chờ khóc, rất nhiều công nhân nữ đang lâm vào cảnh thất nghiệp tâm sự: “Bọn tôi đã gọi điện về quê thông báo với ba mẹ tết này sẽ không về nhà”. Nguyễn Thị Hằng - quê ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, công nhân Công ty TNHH một thành viên Công nghệ may mặc VN, quận Thủ Đức - nghẹn ngào nói: “Mỗi năm nai lưng ra làm, cực mấy cũng chịu, chỉ mong đến tết là dịp sum họp gia đình. Năm nay sát tết lại thất nghiệp, không có tiền, chắc đành ở lại TP lang thang, lây lất qua ngày chờ ra giêng xin việc. Không về được ai chẳng nhớ nhà, nhưng nếu về với bộ dạng “không tiền” ba má càng buồn hơn”.

Hằng tính toán với vài trăm ngàn đồng cô dành dụm được nhiều tháng qua cũng chỉ đủ cho những ngày tiếp tục vác đơn đi xin việc. Mà cuối năm, tết nhất cận kề, biết tìm đâu ra được việc! Cô và những người bạn cùng phòng đã chạy khắp nơi tìm việc những ngày qua nhưng chưa nơi nào nhận. “Hết tháng này không tìm được việc trong công ty chắc tôi cũng đành xin làm tiếp viên trong mấy quán ăn hoặc phụ bán cà phê, quán nhậu...” - Hằng nói với vẻ đầy tâm trạng.

Cô gái trẻ Lê Thị Thương rời vùng quê Bình Thuận vào làm công nhân may tại Công ty Quang Sung Vina từ đầu năm 2008. Sau khi có việc làm, Thương cũng vừa lập gia đình ở ngoài quê được vài ba tháng. Nhưng hạnh phúc ngày tân hôn còn chưa trọn vẹn thì một ngày Thương nhận được “hung tin” công ty phá sản, vị giám đốc người Hàn Quốc bỏ trốn. Vậy là lâm vào cảnh thất nghiệp. Hơn 2,8 triệu đồng tiền lương của cô mà công ty còn nợ cũng mới nhận được một phần. Hơn ba tháng nay, cô sống vật vờ bữa cơm trắng, bữa mì gói với rau tạp nham hái được ở vườn nhà bên khu ở trọ.

 

Ánh đang hâm lại nồi cơm để dằn bụng, chiều đi tìm việc

Thương kể có bữa chủ nhà trọ báo mấy bà trong xóm cúng “cô hồn”, phát gạo làm phước, chị em công nhân trong phòng chạy đến xin được vài ký về dành dụm, ăn dè chừng. Thế rồi gạo “cô hồn” cũng hết, nhiều người đành phải chịu “mặt dày” ra quán đầu ngõ tiếp tục xin mua chịu. “Tiền gạo, đồ ăn, tiền nhà trọ đều thiếu, các chủ nợ nặng nhẹ, mắng nhiếc, tôi đành phải bán chiếc nhẫn cưới và đôi bông tai được 700.000 đồng. Trả nợ hết còn hơn trăm ngàn về quê làm hồ sơ để tiếp tục xin việc. Bữa nay nghe công ty phát mãi tài sản, tôi ra đây mong họ trả cho ít tiền sống qua ngày...” - cô gái trẻ rơm rớm nước mắt kể.

Đáng thương hơn, chị Nguyễn Thị Kiều, quê Hồng Ngự, Đồng Tháp, mấy ngày nay bữa nào cũng bế con nhỏ đến trước cổng Công ty Quang Sung Vina để đòi lương. Công ty còn thiếu chị gần 2 triệu đồng tiền lương tháng bảy và hơn nửa tháng tám. Chị Kiều tâm sự chồng chị làm nghề lượm ve chai, nhặt nhạnh cả ngày cũng chỉ được vài chục ngàn đồng. Vợ chồng con cái sống lây lất bữa cơm với nước tương, đậu hũ kho, bữa thì mì gói.

Mấy hôm nay, bé Huỳnh Thị Kiều Oanh, con gái chị, bỗng dưng lại bị nổi hai cục hạch to tướng trên cổ. Hỏi vì sao không đưa con đến bệnh viện chữa trị, chị Kiều phân trần: “Cũng muốn lắm nhưng không có tiền, đành chịu. Vợ chồng tui đã đưa cháu đến mấy ông thầy lang nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy khỏi...”.

Dìu nhau qua cơn bĩ cực

Đi cũng dở, ở không xong

Ra đi từ những vùng quê nghèo, gia đình nghèo, thanh niên, phụ nữ từ các tỉnh tìm về TP làm công nhân với giấc mơ đổi đời, mong có ít tiền gửi về phụ giúp gia đình. Thế nhưng thật oái oăm, giờ đây hàng loạt công ty phá sản, họ rơi vào tình cảnh còn đáng thương hơn những ngày sống tại quê nhà vì thất nghiệp, không tiền, “đi cũng dở, ở không xong”.

Bình quân mức lương của một công nhân ngành may chỉ khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Nếu làm tăng ca triền miên cũng chỉ được gần 2 triệu đồng, khó có khả năng tích lũy. Khi doanh nghiệp nợ lương, phá sản, cuộc sống công nhân rơi ngay vào cảnh khốn khó. Trong lúc hoạn nạn, công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp ở các khu nhà trọ chỉ còn biết san sẻ khó khăn cùng nhau.

Hoàng Thị Ánh, quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình, trước làm công nhân trong Công ty Quang Sung Vina, ba tháng nay chưa tìm được việc làm. Lương thì công ty còn nợ, chủ nhà thì thúc hối tiền trọ. Những nữ công nhân cùng dãy nhà trọ thương tình góp tiền để Ánh mua gạo và mắm muối, tiếp tục tìm việc.

Chị Nguyễn Thị Lê - công nhân Công ty may Thuận Thiên, quận Gò Vấp, đã cho một bạn mượn 500.000 đồng - giãi bày: “Cùng cảnh là công nhân, tôi hiểu nỗi khổ thất nghiệp quá mà!”. Ánh kể thêm: “Thất nghiệp, sống vất vưởng, may nhờ có sự cưu mang, giúp đỡ của mọi người. Có một anh ở trọ nhà này trước tôi để đi học. Nay anh ấy đã ra trường, đi làm. Hôm bữa lại thăm chủ nhà, thấy tình cảnh tụi tôi ảnh cho 100.000 đồng. Tôi và một người bạn ngại lắm nhưng đang kẹt quá nên nhận. Chiều đó tụi tôi ra ngay chợ đong được gần 15kg gạo ăn tới bữa nay”.

Đời sống công nhân đã khổ nay rơi vào tình trạng thất nghiệp vì công ty phá sản, nợ lương lại càng bi đát hơn. Thế nhưng đa số họ đều cố bám trụ lại thành phố mong tìm được công việc mới. A, quê Nghệ An, công nhân Công ty Vina Haeng Woon Industry, đã nài nỉ chúng tôi đừng viết rõ tên em (lên báo) vì “mẹ ở quê mà đọc được thì khóc hết nước mắt thôi!”.

Ráng gượng qua cơn bĩ cực. Họ đang cố động viên nhau như vậy. Nhưng xem ra cái “thời thái lai” của những công nhân này còn ở đâu xa ngái...

 

Công nhân đi chợ chiều trên đường Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp lúc 17g30 ngày 19-11) - Ảnh: Minh Đức

Bà chủ nhà trọ tốt bụng

Trước hoàn cảnh khó khăn của công nhân, một số chủ nhà trọ cũng mở lòng từ tâm. Bà Nguyễn Thị Kết, chủ nhà trọ 20/E20 đường Cây Trâm, phường 8, quận Gò Vấp, có hai phòng trọ cho bảy công nhân nữ thuê. Đã hơn ba tháng nay, bảy công nhân này rơi vào tình cảnh “phá sản” và mất khả năng trả tiền thuê nhà. Bà Kết không nỡ nặng nhẹ mà đôi khi còn nấu dư đồ ăn để “hỗ trợ thêm chất tươi cho tụi nó”.

“Thấy mấy đứa ăn khổ, nhiều lúc chỉ có gói mì và bó rau muống nấu lên rồi xì xụp húp với nhau. Mấy đứa ở với tôi cũng lâu rồi, thương nên tôi cho thiếu tiền trọ. Cái công ty gì mà làm ăn thất đức, nợ lương cả mấy tháng mới trả nhỏ giọt cho người ta. Thật mấy đứa đã nghèo còn gặp cái eo! Cả bảy đứa khổ quá đã rút về quê hết rồi. Bữa tụi nó về, chia tay tôi mà chúng khóc như ri!” - bà Kết kể.

Theo Nguyễn Đức Tuyên / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.