Tết Đoan Ngọ mùng 5.5: Nguồn gốc từ đâu, người Việt làm gì ngày ‘diệt sâu bọ’?

25/06/2020 09:12 GMT+7

Tết Đoan Ngọ thường được dân gian ta gọi là tết nửa năm hay tết ‘diệt sâu bọ’. Người Việt tin rằng trong ngày này, chúng ta có thể diệt được các loại sâu bọ ký sinh trong cơ thể bằng một số món ăn dưới đây.

Nguồn gốc tết Đoan Ngọ

Trong tâm thức của người việt, tết Đoan Ngọ được coi trọng ở hàng thứ hai sau tết Nguyên Đán. Vậy nhưng về nguồn gốc của tết Đoan Ngọ vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi vì có những câu chuyện được lưu truyền khác nhau.
Theo TS Trần Long, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), người Việt xưa ăn tết vào tháng 11 âm lịch (gọi là tháng Tí). Do vậy, tháng 5 là thời điểm giữa năm, cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa.
Đây là thời gian người dân làm lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ thành công nên còn gọi là tết nửa năm (tết giữa năm). Đó là một đặc trưng riêng của nền văn minh lúa nước để chứng minh tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ chính Việt Nam.
TS Long phân tích, "Đoan” có nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ đến 13 giờ chiều). Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Chính nghề trồng lúa nước đã buộc người nông dân phải quan sát thời tiết nên nhờ vậy, phong tục tết Đoan Ngọ ở Việt Nam hình thành.

Khắp đường phố TP.HCM dịp này, đi đâu cũng thấy bán các món bánh để cúng

Ảnh: Vũ Phượng

Bên cạnh đó, dân gian Việt cũng có câu: Tháng năm là tết Đoan Dương/Nhớ ngày giỗ mẹ Việt thường Văn Lang.
Người Việt chọn ngày này là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Đây lại càng là cơ sở để chứng minh tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ chính Việt Nam.
Tuy nhiên, một số câu chuyện khác lại cho rằng, tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chuyện kể rằng, nhà thơ Khuất Nguyên vì khuyên can vua Sở Hoài Vương không được nên trầm mình xuống sông Mịch La đúng ngày mồng 5 tháng 5.

Nắm lá xông thường được mua để treo trước cửa nhà hoặc nấu xông cả nhà

Ảnh: Vũ Phượng

Để tưởng nhớ Khuất Nguyên, vào ngày này hằng năm, Trung Quốc vẫn tổ chức đua thuyền với ý nghĩa tưởng nhớ, tìm thi thể của ông.
Lại có tích khác cho rằng tết Đoan Ngọ liên quan đến chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên tiên. Vào ngày này, hai chàng trai vào rừng hái thuốc, gặp tiên nên cùng sánh duyên. Nửa năm trở về thì cảnh vật, con người đã hóa thiên cổ, cả hai đã bỏ đi đâu thì không ai biết. Do vậy, người ta chọn ngày mồng 5 tháng 5 để tưởng nhớ hai chàng.

Người Việt làm gì trong ngày tết Đoan Ngọ?

Trong quan niệm dân gian của người Việt, cơ thể con người có những loại sâu bộ (ký sinh trùng, vi khuẩn) sống ký sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hằng năm, vào ngày mồng 5 tháng 5 chúng mới ngoi lên, là dịp tốt để trừ khử. Vì thế mà xuất hiện nhiều câu chuyện liên quan đến những món ăn, những hành động để diệt sâu bọ.
Theo TS Trần Long, gần đến tết Đoan Ngọ, khắp đường phố TP.HCM đầy những người bán lá xông, quả vải, bánh ú nước tro. Người miền Trung thường mua vịt về cúng, có nơi lại rủ nhau đi tắm biển đúng 12 giờ trưa, những nơi không có biển thì cho trẻ ra giếng tắm và ngước mắt lên nhìn mặt trời để diệt sâu bọ (ngày nay biết được nhìn trực tiếp mặt trời có thể hại mắt nên tục này không còn). Miền Bắc thì duy trì tục ăn táo, ăn vải, ăn cơm rượu, mua lá về xông cơ thể, xông nhà, mua trái cây như vải, táo, bưởi, mận,… cho trẻ con ăn ngay khi vừa ngủ dậy.

Ngoài bánh ú nước tro, người Sài Gòn còn thường mua bánh bá trạng (của người Hoa) để biếu tặng

Ảnh: Vũ Phượng

Mỗi nơi đều có những tập tục khác nhau, không bắt buộc nơi nào giống nơi nào. Nhưng nhìn chung nhà nào cũng cúng gia tiên, có xôi chè, bánh trái.
Nhắc tới mồng 5 tháng 5 không thể không nhắc tới tục hái lá. Tục hái lá mồng 5 thường bắt đầu từ giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ). Đây là giờ dịp lá cây có dược tính tốt nhất trong cả năm nên có tác dụng chữa bệnh tốt.
Những lá thường được hái về phơi khô và dùng cả năm như: lá ích mẫu, cối xay, ngải cứu, tía tô, kinh giới, lá cam, chanh, bưởi,… Người Việt xưa còn nhuộm móng tay cho trẻ con, mang áo trẻ con lên chùa, đến điện để xin con dấu, vẽ bùa ngũ sắc để không bị tà ma quấy nhiễu.
Ngày nay, vì đô thị hóa, không phải ở đâu cũng có thể tìm được lá cây có thể dùng làm thuốc chữa bệnh được, mặt khác y học ngày càng tiên tiến, người ta tin vào những điều khoa học hơn là những mẹo dân gian nên những tập tục này trong ngày tết Đoan Ngọ đã thay đổi ít nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.