Tây Ninh - TP.HCM kết nối mạng lưới cao tốc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

26/04/2021 15:13 GMT+7

Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) được xác định dự án quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sang các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.

Hoàn thiện mạng lưới cao tốc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Trong quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM là hạt nhân cùng các tỉnh lân cận nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đánh giá chung, vùng này có tiềm năng phát triển rất lớn, tuy nhiên thực tế tiềm năng này vẫn chưa được phát huy tốt hiệu quả. Một trong các lý do đó là hệ thống hạ tầng giao thông mà điển hình là hệ thống đường cao tốc chưa theo kịp tốc độ phát triển.
Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ) hệ thống đường cao tốc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 9 đoạn tuyến và 2 tuyến vành đai có tổng chiều dài khoảng 1.222 km (không bao gồm Chơn Thành - Hoa Lư cao tốc tiềm năng). Đến nay, đã có 2 tuyến cao tốc với tổng cộng 95 km (đạt 7,78% chiều dài quy hoạch) được đưa vào sử dụng là TP.HCM - Trung Lương (40 km) và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (55 km). Đồng thời, các tuyến đang đầu tư dự kiến khai thác trong năm 2021 là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Như vậy, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được nối dài thêm 51 km về hướng miền Tây.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (58 km) cũng đã được tái khởi công trong năm 2020. Như vậy, tổng chiều dài các tuyến cao tốc vùng kinh tế trong điểm phía Nam hiện có 146 km nếu tính cả Bến Lức - Long Thành đang xây dựng là 204 km.
Trong khi đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là hành lang phía tây bắc của TP.HCM kết nối với Mộc Bài (Tây Ninh). Đáng nói, đây là tuyến cao tốc thuộc hành lang kinh tế phía Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Do vậy, dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như TP.HCM và Tây Ninh.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, “cú hích” cho toàn vùng

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, hiện nay trục kết nối giao thông chính giữa TP.HCM với Tây Ninh và các nước trong khu vực là quốc lộ 22. Quốc lộ này được đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2002. Tuy nhiên, hiện tuyến đường đã bị quá tải, các phương tiện thường xuyên “nghẽn” và đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Do đó, hiệu quả kết nối giữa tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là chưa cao.

Quốc lộ 22 là trục đường chính kết nối TP.HCM đến Mộc Bài (Tây Ninh) hiện thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu vận tải

Ảnh: Giang Phương

Nhấn mạnh về vai trò kinh tế của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết đây là một trong 6 hành lang kinh tế của TP.HCM kết nối với vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL. Đồng thời, cao tốc cũng nằm trong hành lang kinh tế kết nối đa quốc gia với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, bắt đầu từ Vũng Tàu - TP.HCM - Tây Ninh - Campuchia - Thái Lan - Myanmar.
Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội không chỉ cho Tây Ninh, TP.HCM mà cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, Tây Ninh luôn kỳ vọng dự án sớm được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Cũng theo ông Tài, để dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sớm được triển khai đưa vào vận hành vào năm 2025, UBND 2 tỉnh Tây Ninh và TP.HCM đã trao đổi, thống nhất và đồng ý kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. Trong đó, phần đền bù giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương.
Ông Tài cho biết thêm, trên tinh thần chủ động, 2 địa phương đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện dự án. Phía Tây Ninh đã thực hiện các bước về phần trách nhiệm của tỉnh như kế hoạch đã cam kết. Hiện nay, kể từ sau ngày 1.1.2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực và Thủ tướng đã ban hành nghị định 35/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, hai địa phương đang rà soát thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định mới, đồng thời rà soát lại phần chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và phương án tài chính của dự án.
Xác định đây là dự án quan trọng có ý nghĩa chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đặc biệt là TP.HCM và Tây Ninh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng vùng. Do đó, ngày15.4.2021, lãnh đạo 2 tỉnh thành là Tây Ninh và TP.HCM đã có buổi làm việc, đặt quyết tâm cao vào việc triển khai thực hiện dự án và đặt mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2025. 
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là tuyến cao tốc thuộc hành lang kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là tuyến cao tốc thuộc hành lang kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) có chiều dài toàn tuyến 50 km. Trong đó, đoạn đi qua địa phận TP.HCM là 23,7 km, đoạn đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3 km. Được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 80 km/h. Dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Tuyến cao tốc bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc H.Hóc Môn, TP.HCM (cách QL.22 khoảng 4,6 km) và điểm cuối nối vào QL.22 tại Km 53+850 (trước Khu Kinh tế CKQT Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.