Tây mê võ ta

10/08/2014 09:00 GMT+7

Tham dự Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 5 - Bình Định 2014 có không ít những võ sư, võ sĩ ngoại là chưởng môn, trưởng đoàn, trưởng tràng... các môn phái võ Việt ở nước ngoài.

Tây mê võ ta
Võ sư Olivier Barbey

Tự học tiếng Việt để học võ

Trong nhiều lần biểu diễn, giao lưu võ thuật ở Bình Định, khi ban tổ chức thông báo đến tiết mục biểu diễn của đoàn Thủy pháp VN tại Bỉ, một chàng Tây trẻ tuổi, dong dỏng cao bước ra cầm micro nói: “Xin chào! Tôi là Jean Philippe, Trưởng đoàn Thủy pháp VN”. Khán giả ai cũng bất ngờ nhưng đều vỗ tay tán thưởng. Càng ngạc nhiên hơn khi nghe Jean Philippe giới thiệu về môn phái, chương trình biểu diễn của đoàn cũng bằng tiếng Việt. Giới thiệu xong, chàng ta quay lại nói với người trong đoàn mình: “Chúng ta biểu diễn Nhu quyền trước rồi đến Cương quyền”.

 

Võ cổ truyền VN càng học càng mê. Bởi bên trong những đường quyền, thế võ, người học còn tạo được cho mình ý chí mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống

Jean Philippe,
Trưởng đoàn Thủy pháp VN tại Bỉ

Jean Philippe cùng 3 bạn đồng môn bước ra sàn diễn. Những chàng trai cao lêu nghêu khi múa Nhu quyền thì mềm dẻo, uyển chuyển, nhưng khi múa Cương quyền lại trở nên mạnh mẽ, dứt khoát. Khán giả Bình Định đặc biệt mến mộ môn phái này và cá nhân võ sư Jean Philippe.

Khi gặp người khác, Jean Philippe luôn mỉm cười rồi cúi đầu chào đầy thân thiện. Năm nay 25 tuổi nhưng anh đã có 10 năm theo học Thủy pháp VN. “Hồi còn đi học, mình gặp một võ sư người Việt là thầy Huỳnh Chiêu Dương đang dạy võ trong trường trung học. Thầy Dương rất thông minh, biết nhiều thứ, nhất là lịch sử nên mình học hỏi được nhiều điều. Càng luyện tập Thủy pháp VN, mình càng thấy thú vị, bổ ích nên theo luôn cho đến bây giờ”, Jean Philippe nói.

Theo Jean Philippe, võ sư Huỳnh Chiêu Dương là người đầu tiên truyền bá Thủy pháp VN tại Brussels (Bỉ) vào năm 2002 và sau đó là các thành phố khác của Bỉ. Hai năm sau, năm học 2004 - 2005, nhiều trường trung học tại Bỉ đã đưa Thủy pháp VN vào giảng dạy trong giờ chính khóa. Thủy pháp VN phù hợp với mọi lứa tuổi và khi tập sẽ giúp cơ thể điều hòa khí huyết, khai thông kinh mạch... Chính vì vậy mà môn võ này đang phát triển nhanh tại Bỉ và Pháp.

Sau hai lần theo thầy về VN tham gia Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền tại Bình Định, Jean Philippe xin ở lại VN để tiếp tục học võ thuật. Võ sư Huỳnh Chiêu Dương gửi học trò cho một người bạn có võ đường. Ngoài những giờ chăm chỉ luyện tập võ, Jean Philippe mua cuốn từ điển Anh - Việt để tự học tiếng Việt. Thấy vậy, bạn bè đồng môn thường trò chuyện, giúp đỡ Jean Philippe trau dồi ngoại ngữ.

Jean Philippe (bìa phải) và các bạn đồng môn Thủy pháp VN biểu diễn Nhu quyền
Jean Philippe (bìa phải) và các bạn đồng môn Thủy pháp VN biểu diễn Nhu quyền

Càng học tiếng Việt, càng tìm hiểu văn hóa Việt, Jean Philippe càng mê. Dự định ở VN học võ một thời gian ngắn nhưng đến nay đã kéo dài 2 năm. Niềm đam mê võ Việt, văn hóa Việt càng được chắp cánh khi người yêu của Jean Philippe là một cô gái VN. "Võ cổ truyền VN càng học càng mê. Bởi bên trong những đường quyền, thế võ, người học còn tạo được cho mình ý chí mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống”, Jean Philippe nói.

Học đạo trước, thụ võ sau

Bình Định Sa Long Cương xem Hoàng đế Quang Trung là một vị tổ sư. Môn phái này được truyền bá qua các nước Pháp, Ý, Canada sau năm 1975 và hiện đang có khoảng 3.000 võ sư, võ sinh thuộc 10 chi nhánh ở Pháp, Ý. Chi nhánh Bình Định Sa Long Cương tại Ý do võ sư Biondo Ruggero làm trưởng tràng. Anh cũng là người sang VN tham dự liên hoan võ thuật rất nhiều lần. Biondo Ruggero theo học Bình Định Sa Long Cương đến nay đã hơn 20 năm.

Lần đầu tiên Biondo Ruggero xem võ sư Lưu Văn Trọng (người đầu tiên truyền bá Bình Định Sa Long Cương tại Ý) biểu diễn võ thuật đã mê ngay và xin làm học trò. Càng học, Biondo Ruggero càng thấy Bình Định Sa Long Cương có tính ứng dụng thực tiễn cao, thực chiến chứ không phải để múa. Các đòn thế ngắn gọn, đơn giản nhưng lại mạnh mẽ, thâm hậu, biến đổi linh hoạt, học một đòn có thể phát triển thành nhiều đòn không giống như các môn võ khác có đòn thế cố định và thường thiên về sức mạnh. “Thầy Lưu Văn Trọng mang đến cho tôi nhiều cảm hứng, tinh thần để luyện tập võ thuật. Chúng tôi xem thầy Trọng như một tấm gương để học tập”, Biondo Ruggero cho biết.

Rất nhiều võ sư, võ sinh tham dự liên hoan võ cổ truyền Bình Định khâm phục vợ chồng võ sư Olivier Barbey (Thụy Sĩ), Chưởng môn phái Sơn Long quyền thuật tại Pháp và Bỉ. Môn phái này do võ sư Nguyễn Đức Mộc (1913 - 2009), sống ở Paris, thành lập vào năm 1945. Sau khi võ sư Mộc qua đời, Olivier Barbey, đại đệ tử của võ sư Mộc, kế nghiệp điều hành môn phái. Hiện môn phái có khoảng 10.000 võ sư, võ sinh ở các nước Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Burkina Faso, Algeria...

Võ sư Biondo Ruggero và Giorgio Fornaroli biểu diễn các thế võ của Bình Định Sa Long Cương - Ảnh: Hoàng Trọng
Võ sư Biondo Ruggero và Giorgio Fornaroli biểu diễn các thế võ của Bình Định Sa Long Cương
- Ảnh: Hoàng Trọng

Olivier Barbey là người ít nói, đôi mắt lúc nào cũng đăm chiêu như đang tập trung suy nghĩ về một điều gì. Các môn đồ của Sơn Long quyền thuật rất nể trọng ông. Barbey kể rằng thời thanh niên đã từng học rất nhiều môn phái võ khác nhau nhưng đến năm 19 tuổi, khi võ sư Nguyễn Đức Mộc từ Pháp sang Thụy Sĩ giao lưu võ thuật, thì ông bắt đầu học võ cổ truyền VN. “Thầy Mộc luôn dạy học trò muốn học võ thì phải học đạo trước”, Olivier Barbey nói. Năm 21 tuổi, Barbey đã được võ sư Mộc cấp chứng chỉ công nhận và chỉ định truyền dạy Sơn Long quyền thuật ở Thụy Sĩ.

Các năm 2007, 2009, 2011, 2013, võ sư Nguyễn Văn Cảnh (HLV Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định) sang Pháp và Thụy Sĩ để huấn luyện võ cổ truyền cho các võ sư, võ sinh Sơn Long quyền thuật, mỗi chuyến đi kéo dài từ 2 - 4 tháng. “Các võ sinh Sơn Long quyền thuật có ý thức tập luyện rất nghiêm túc, môn quy, ngôi thứ trong môn phái rất rõ ràng. Ngay từ thời võ sư Nguyễn Đức Mộc, môn phái này đã có quy định là muốn học võ thì phải học đạo trước. Bản thân Barbey là người rất tâm huyết với võ Việt, các học trò của môn phái cũng theo gương ông”, võ sư Cảnh nói.

Cả nhà học võ Việt

Môn phái Tráng Sĩ đạo tại Bỉ do võ sư Đồng Văn Hùng thành lập vào năm 1980 cũng có rất nhiều thanh niên các nước Pháp, Algeria, Bỉ... theo học. Sau 3 lần dẫn học trò về tham dự Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền VN tại Bình Định, võ sư Đồng Văn Hùng cho biết các võ sinh người phương Tây rất thích về VN để tìm hiểu cội nguồn võ thuật.

Học võ Việt chưa đầy 10 năm nhưng nữ võ sư Helene van Der Elst, đệ tử võ sư Đồng Văn Hùng, đã 2 lần đến Bình Định tham dự liên hoan võ cổ truyền. Chồng Helene van Der Elst cũng là một võ sư môn phái Tráng Sĩ đạo và các con của chị cũng đang luyện tập môn võ này. “Luyện tập Tráng Sĩ đạo giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống như bảo vệ bản thân, trau dồi sức khỏe, giảm strees... Từ khi học võ cổ truyền VN, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và khi giao tiếp cũng rất trầm lắng”, Helene nói.

Hoàng Trọng

>> Bình Định, Nghệ An thắng lớn giải võ cổ truyền
>> Giảng dạy võ cổ truyền trong nhà trường
>> Lễ hội đường phố tại Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam
>> Khai mạc Liên hoan quốc tế võ cổ truyền VN lần III
>> Những kỳ nhân võ cổ truyền Quảng Ngãi - Kỳ cuối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.