Tàu nằm bờ, cuộc sống ngư dân Nghệ An cũng… mắc cạn

Khánh Hoan
Khánh Hoan
02/10/2019 09:12 GMT+7

Hàng trăm tàu cá nằm im lìm ở cảng . Đi biển thì lỗ, nằm bờ thì xót, bán tàu thì giá quá rẻ… Tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này đang khiến nhiều gia đình ngư dân ở huyện Diễn Châu, Nghệ An đứng ngồi không yên.

Ngồi trên... đống lửa

Ngư dân Nghệ An như đứng trên đống lửa vì tàu cá nằm bờ

Khu neo đậu tàu cá Lạch Vạn (xã Diễn Bích và Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) gần đây trở nên im ắng, không còn cảnh tàu ra, tàu vào tấp nập như trước. Hàng trăm con tàu xa bờ ken dày con lạch, xếp hàng nằm bờ, trong khi ngoài khơi trời yên, biển lặng.
Kéo tấm bạt che lưới cụ trên con tàu hơn 400 CV đang nằm bờ, anh Nguyễn Văn Tuấn (ở xã Diễn Bích) thở dài: “Chưa bao giờ chúng tôi khó khăn như lúc này!”. Tàu cá của anh Tuấn cùng với con tàu của người trong xóm và 8 ngư dân ra khơi đánh lưới quét mới trở về. Sau 4 ngày ra khơi, 2 tàu thua lỗ gần 20 triệu đồng. “Hơn 3 tháng qua, tôi chỉ dám ra khơi 4 chuyến, nhưng cả 4 đều thua lỗ. Giá dầu cao, đánh bắt không được, nên chúng tôi không dám đi. Nhưng để tàu nằm bờ lâu quá, hư hỏng cũng xót nên cứ phải đi, dù biết đi là lỗ. Mỗi ngày ra khơi, 1 cặp tàu tiêu tốn gần 20 triệu đồng, không đánh được gì là lỗ chết”, ngư dân 35 tuổi này buồn bã nói.
Năm 2017, anh Tuấn bán con tàu nhỏ đánh bắt ven bờ, vay ngân hàng 1,5 tỉ đồng để đóng con tàu lớn vươn khơi. Vài tháng đầu, tàu ra khơi, về có lãi. Nhưng đến đầu 2018, liên tục nhiều tháng liền, chuyến đánh bắt nào cũng lỗ, có chuyến lỗ đến gần 40 triệu đồng. “Chuyến trước lỗ, cứ hy vọng vào chuyến sau. Nhưng hễ đi là lỗ, vì đánh bắt chẳng được gì. Từ khi đóng con tàu này, tôi đã lỗ khoảng 400 triệu. Giờ ngân hàng không cho vay nữa, tôi phải cầm cố cả giấy tờ xe máy vay bên ngoài với lãi suất cao để trả lãi cho ngân hàng và mua nhiên liệu để thỉnh thoảng ra khơi”, anh Tuấn xót xa nói.
Hàng chục năm đi biển, ông Nguyễn Văn Thanh (xã Diễn Bích) cho biết, ông không ngờ cái nghề có hàng trăm năm nay ở xã biển này nuôi sống bao nhiêu thế hệ, nay lại đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn, trong đó có gia đình ông. Tháng 10.2017, sau nhiều năm đánh cá cùng với các ngư dân khác có tàu, ông Thanh vay ngân hàng 1,3 tỉ đồng, đóng con tàu công suất 420 CV để vươn khơi. 2 tháng sau khi mua tàu, các chuyến đánh bắt có lãi, nhưng sang năm 2018 thì thảm hại. “Tháng 1.2018, chúng tôi đi 3 chuyến, lỗ 50 triệu đồng. Sợ quá, tôi phải để tàu nằm bờ. Tàu nằm bờ lâu sợ hỏng nên mỗi tháng tôi lại gắng đi 1 chuyến. Có thời điểm 3 tháng liền, tôi không dám ra khơi vì ám ảnh lỗ vốn”, ông Thanh nói.
Đánh bắt thua lỗ kéo dài, ngân hàng đòi nợ khiến đầu tháng 8 vừa qua, ông Thanh phải bán tháo tàu với giá 650 triệu đồng. Tính cả lỗ tiền bán tàu, tiền lỗ chi phí đánh bắt gần 2 năm qua và lãi ngân hàng, ông Thanh mất trắng hơn 1 tỉ.
Phía bên kia con lạch, nhiều ngư dân xã Diễn Ngọc cũng đang “đứng trên đống lửa”. Năm 2016, vợ chồng chị Đinh Thị Diệu đóng con tàu 420 CV với giá 1,2 tỉ đồng. Đánh bắt có lãi, năm sau, vợ chồng chị đóng tiếp con tàu gần 2 tỉ đồng. Khốn khó cũng ập xuống từ đó. Tàu ra khơi thua lỗ, nợ chồng chất, vợ chồng chị phải quyết định bán tháo cả 2 con tàu, lỗ gần 1,5 tỉ đồng. “Giờ không biết nhìn vào đâu mà trả nợ nữa”, chị Diệu nhìn ra con lạch, bật khóc.

Chưa tìm ra lối thoát

Diễn Bích nằm sát biển, hơn 12.000 người sống chen chúc trên diện tích chưa đầy 3 km2, không có tấc ruộng nào. Từ nhiều đời nay, người dân ở đây sống bằng nghề bám biển, đánh giã cào, đánh trong lộng rồi vươn ra khơi. Phó chủ tịch UBND xã Diễn Bích Nguyễn Văn Liên nói, xã hiện có 237 tàu cá xa bờ đánh bằng lưới quét, là “cần câu cơm” của 3.000 lao động, nuôi sống 70% cư dân trong xã. Số còn lại, “sống mòn” bằng nghề làm muối và một số phải đi xuất khẩu lao động. Gần 2 năm qua, nghề đánh bắt liên tục thua lỗ đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn.
Báo cáo của UBND xã cho biết, năm 2018, sản lượng đánh bắt của xã giảm rất mạnh. 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng đánh bắt chỉ đạt 50% so với mục tiêu. “Giá dầu cao, thời tiết không thuận, ngư trường cạn nguồn hải sản, khiến việc đánh bắt liên tục thua lỗ”, ông Liên nói.
Cách nào để gỡ khó cho ngư dân? Ông Liên thở hắt, nói chuyển đổi phương thức đánh bắt từ kéo giã cào sang lưới vây, rê, chụp, xã đã tính từ 20 năm nay, nhưng chưa làm được vì sắm mới ngư lưới cụ cần nhiều tiền và đặc biệt, thay đổi kỹ thuật đánh bắt là không hề dễ.
Năm 2017, HĐND tỉnh Nghệ An đã ra nghị quyết hỗ trợ việc chuyển đổi đánh bắt hải sản từ lưới kéo sang lưới vây, rê, chụp, mỗi tàu cá được hỗ trợ 100 triệu đồng. Nhưng, tỉnh chỉ cho mỗi năm không quá 10 mô hình. Với số tiền này, theo ông Liên, ngư dân khó có thể chuyển đổi được. Để người dân vẫn bám biển với nghề lưới cào, xã đã buộc dân ký cam kết sử dụng đáy lưới có mắt lưới từ 35-40 cm để không tận diệt hải sản nhỏ và họ đều đã ký cam kết thực hiện. Nhưng, ông Liên thở dài: “Nỗi khổ nhất bây giờ đang ám ảnh họ là đánh bắt thua lỗ và chưa biết lúc nào “trời mới sáng”?.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.