Tam Kỳ - Thành phố mộng mơ

Hồng Hạnh
Hồng Hạnh
31/03/2019 10:35 GMT+7

Để dễ hình dung, cứ lấy bản đồ ra, gấp đôi lại thì Tam Kỳ nằm ngay điểm giữa của đường gấp. Vậy nhưng, du khách cứ bị những địa danh khác xung quanh đó nắm níu, rồi vô tình trôi tuột qua một thành phố mộng mơ.

 Thành phố có một mùa hoa
Nói thành phố mộng mơ quả là không quá lời, khi tháng tư này là mùa hoa sưa nở rộ khắp các đường phố của Tam Kỳ. Sắc vàng rực rỡ của hoa sưa còn tràn ngập khắp những con đường ven sông.
Nói là thành phố, nhưng chạy xe loanh quanh đâu đó chừng dăm phút là đã đến làng Hương Trà bên bờ sông Tam Kỳ. Dễ có đến hàng ngàn cây sưa đang chi chít hoa, như chỉ cần một cơn gió thoảng qua là dòng sông sẽ như một thảm hoa lóng lánh, dập dềnh. Mà cũng không cần có gió, lúc này đây, làng Hương Trà thơm lạ lùng.
Mùa hoa sưa Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Thật khó để diễn tả một mùi hương, nhưng có một tí ngọt ngào, một tí nồng nàn, một tí lãng đãng khi thả bộ đâu đó bên bến sông sưa. Những con đường phố thị với những hàng sưa cũng thầm lặng tỏa hương. Thứ mùi hương khiến cho người đi đường không biết vô tình hay hữu ý mà rồ máy xe nhỏ hơn, ít nhấn còi xe hơn. Và hình như du khách cũng nói khẽ, cười duyên hơn lệ thường. Thành phố đến mùa hoa tự nhiên lãng mạn lạ lùng!
Không hiểu sao, thành phố mộng mơ này lại được soi bóng trên 3 dòng sông: Tam Kỳ, Trường Giang, Bàn Thạch và2 hồ: Phú Ninh, Sông Đầm. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, sông Đầm với bãi sậy, với những chiếc thuyền thúng đi đánh cá khiến cho lữ khách chỉ biết ngẩn ngơ. Đã vậy, những bầy chim ríu rít gọi nhau về tổ xao xác cả một miền yên tĩnh. Có đâu ra một đô thị lãng mạn như vầy không?
Những dòng sông đã định hình những làng nghề; những làng nghề đã định hình tâm tính cư dân. Người ta nói, dân Quảng Nam hay cãi, nhưng lang thang quanh cái đô thị đi đâu cũng gặp sông gặp hồ này mới thấy người dân địa phương chất phác, phóng khoáng, hào sảng lạ lùng. Họ rất hay cười và kiên nhẫn giới thiệu và giải thích, nói đi nói lại cho bằng được để du khách hiểu tận tường một điều gì đó. Mà đôi khi khách phương xa cứ lơ mơ, vặn vẹo này kia. Lần hồi mới ra cái cớ sự tưởng là cãi nhau!

Làng bích họa bên biển Tam Thanh

Tam Kỳ còn có cả một bãi biển Tam Thanh với làng bích họa nổi tiếng lâu nay. Một làng chài be bé, xinh xinh với những bức tường vôi đầy sắc màu một thời thu hút các phượt thủ ghé đến check-in sống ảo. Đã có quá nhiều bài viết, quá nhiều hình ảnh trên báo chí, mạng xã hội về nơi này. Năm tháng dần qua, bài viết vẫn còn đó, ký ức của người viết, người chụp ảnh thì luôn mặc định với những gì lấp lánh thuở ban đầu. Trong khi đó, màu thời gian dần phủ. Cuộc sống phát triển, ắt hẳn phải có một chút đập phá, sửa sang. Vậy là, các phượt thủ lại ồ, à: Tại sao lại vậy? Làng bích họa bớt đẹp rồi?...
Vợ chồng anh Võ Đức bên bức hoạ gia đình mình
Bức hoạ cảnh sinh hoạt của trẻ em làng chài do các hoạ sĩ Hàn Quốc thực hiện
Còn nhớ một câu chuyện vui hôm tháng trước. Tôi cùng nhóm bạn vác máy về Tam Thanh. Trong khi, ai cũng hăm hở, cũng đầy cảm xúc thì cái anh tài xế cứ ham nói, ham cãi. Ảnh vừa chạy vừa càm ràm: “Trời, có gì đâu mà coi, cũ hết rồi, họ xóa hết rồi. Tui nóa rồi đóa nghen. Dzìa đóa thấy dzậy rồi đừng có nóa sao tui hổng nóa trước nghen!...”. Cả đám thì thào, xứ của chả mà cái gì chả cũng chê. Cả đám xúm vô mần cho chả một trận cũng... nhẹ nhẹ thôi. Vậy mà ảnh... giận, ảnh alo, kêu người khác tới... đổi tài. Cũng may ảnh chưa chở thả cả đám xuống sông Tam Kỳ!
Khi lang thang mới thấy, dẫu màu thời gian có phủ một lớp bụi mờ, nhưng những bức ký họa vẫn rất sống động, vẫn có một cái hồn đầy cảm xúc. Có một vài bức tường ký họa chân dung các thành viên trong chính ngôi nhà đấy. Họ chất phác và cười thật hiền khi có du khách muốn chụp hình chung với bức ký họa mình.
Võ Đức là một anh chàng bị câm hành nghề thợ may ở làng. Lúc tôi ghé, nhà có khách quý, Gunaz - một họa sĩ người Bồ Đào Nha. Hỏi ra mới biết, Gunaz cùng bạn gái qua VN du lịch vì muốn khám phá Hội An. Cả hai đạp xe dọc theo đại lộ ven biển, đạp mãi, đạp mãi và họ ngỡ ngàng trước một Tam Thanh đẹp nguyên sơ như cách của họ tả. Hai bạn người Bồ Đào Nha lang thang chụp từng bờ tường và cười toe toét huơ tay múa chân, dùng ngôn ngữ hình thể với dân làng Tam Thanh.
Gunaz, chàng hoạ sĩ người Bồ Đào Nha cùng anh Võ Đức
Gunaz thấy khoái anh chàng Võ Đức đang mưu sinh bằng cách may túi vải rồi họa hình lên túi những nét vẽ hết sức thô sơ, chất phác y như bản tính của mình. Gunaz lại lên xe đạp về Hội An, lục tung hành lý lấy cọ, lấy màu và rồi lại mấy chục cây số đạp trở lại Tam Thanh để họa luôn một bờ tường và họa luôn một cuốn sách mẫu tặng anh Võ Đức làm kế mưu sinh...
Nhiều người đến Tam Thanh sẽ thắc mắc: “Sao hổng có gì ăn, hổng có gì chơi hết vầy nè”. Mà thiệt tình là nhìn quanh đúng là không có hàng quán gì hết ngoài mấy quán cà phê, mấy xe nước mía, mấy quán ốc lể thơm lựng mùi lá ổi, lá chanh, lá sả.
Đúng là người dân ở đây như miễn nhiễm với làn sóng dân phượt thủ một thời về đây check-in điên đảo. Họ vẫn cứ mưu sinh nghề đánh cá, nghề làm nước mắm như bao đời nay vẫn vậy. Du khách có lượn là qua lại họ cũng cười cười, hiền hiền, ngưng tay làm việc nhà để chụp hình chung với du khách. Hỏi sao không mở quán, họ sẽ cười cười mà chỉ: “Anh chị chạy xe tới bãi tắm ngoài quảng trường có chút xí chớ mấy, ra ngoải cho dzui hen”.
Những đầu óc thương mại sẽ bật ra những câu đại loại như: Trời ơi, sống trên một đống vàng mà không biết. Trời ơi, sao không mần cái gì để đón đầu du khách đi. Trời ơi, xứ này có thua gì một góc phố Hội An đâu nè. Bao nhiêu cái trời ơi như thế cứ trôi tuột theo sóng, theo gió biển làng chài. Và làng chài cứ bình lặng sống theo cách người dân họ thấy là thuận theo tự nhiên. Tự dưng tôi nghĩ, biết đâu đây chính là nét độc đáo, khiến cho những người như Gunaz, như tôi cứ lâu lâu lại nhớ và hỏi: bao giờ mình lại về với Tam Thanh?...
Tam Kỳ là một trong 3 đô thị được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ quy hoạch hồi trước năm 1975. Bên cạnh Cheo Reo và Vị Thanh thì Tam Kỳ đã là nơi kiến trúc sư tâm đắc, thích thú nhất. Chẳng vậy mà hồi năm 2015, Tam Kỳ đã đoạt giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á”. Đây là giải thưởng quốc tế do Văn phòng Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Định cư châu Á, Tổ chức Thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị TP.Fukuoka (Nhật) bình chọn, với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á.
Nằm cách sân bay Chu Lai 37 km, cách sân bay Đà Nẵng 77 km. Đường cao tốc từ Đà Nẵng qua Tam Kỳ đã xong, cao tốc từ sân bay Chu Lai về Tam Kỳ cũng hoàn thành, cung đường đại lộ từ Hội An đến Tam Kỳ dọc theo ven biển đẹp như mơ. Ngày 2.4 này, Tam Kỳ mở lễ hội hoa sưa. Thử đến và xem cái tên Thành phố mộng mơ có đúng không nghen
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.