Tài xế nhẫn tâm bỏ sản phụ giữa đường, con tử vong: Có còn lương tâm?

19/08/2019 19:12 GMT+7

Vụ việc sản phụ ở Bình Phước bị tài xế bỏ rơi, sinh con bên vệ đường và đứa trẻ vừa ra đời đã tử vong khiến dân mạng bàng hoàng, phẫn nộ. Dân mạng ai cũng cho rằng tài xế quá nhẫn tâm.

Ngày 19.8, mạng xã hội bàng hoàng trước vụ việc tài xế xe dịch vụ đuổi thai phụ 7 tháng xuống khi đang trên đường đến bệnh viện ở Bình Phước, khiến chị Vy Thị Yến (33 tuổi) sinh con bên vệ đường và đứa bé tử vong sau khi chào đời. 

Bi kịch gia đình sản phụ bị tài xế bỏ rơi, phải đẻ con bên đường ở Bình Phước

Có còn lương tâm?

"Vô cảm, chỉ hai chữ đó thôi mà sao nghe lạnh sống lưng. Sao lại có thể đối xử lạnh lùng đến thế trong trường hợp này hả anh tài xế", tài khoản L.V.O chia sẻ.
Tài khoản Facebook Nguyễn Hoàng bức xúc: “Người ta đi đường thấy người tai nạn còn chở đi cấp cứu, huống hồ một người thai phụ sắp đẻ mà tài xế nỡ vất giữa đường để dẫn tới hậu quả đau lòng. Có còn lương tâm?”.

Chị Yến đau đớn khi nằm viện

Hoàng Giáp

Nickname Hà Bùi bày tỏ: “Con người với con người sao lại nỡ cư xử như vậy. Biết đâu chở tới bệnh viện thì em bé sẽ cứu được”.
Facebooker Vitamin Sea cho rằng "hành động của tài xế là không thể chấp nhận được. May mắn trong trường hợp này sức khỏe thai phụ tốt chứ lỡ như chị yếu thì mất luôn cả 2 mạng người".
Nhân vụ việc này, chị Khánh An thì kể lại câu chuyện tương tự 10 năm trước xảy ra với dì của mình khi đi xe 4 chỗ do tài xế lái: “Nửa đường dì mình mắc tiểu xin xuống tiểu. Ai ngờ em bé lòi ra luôn. Tài xế thấy, nói xui không chở được rồi bỏ chạy, mặc cho ngoại với dì mình khóc lóc van xin. Lúc đó là 11 giờ đêm ngoài trời mưa lất phất. Người dân nghe khóc lóc mới chạy ra, người thì kiếm tấm bạt để lót. Người thì đứng che mưa. Chú hàng xóm tốt bụng xách chiếc xe lôi chở dì mình đi lên tỉnh, may sao em bé còn sống. Bác sĩ nói chỉ trễ 5 phút nữa là không giữ được bé”.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn luôn còn nhiều người tốt như câu chuyện Facebook Quyên Quyên kể lại: “Lúc bầu bé đầu vỡ ối ở nhà, mình gọi taxi đưa đi viện. Nước ối chảy lênh láng cả xe của người ta nhưng lúc xuống mình gửi thêm tiền cho chú đi rửa xe mà chú còn nhất định không lấy”.
Cũng trong ngày 19.8, cư dân mạng đã nhanh chóng tìm ra được Facebook nghi của tài xế nói trên và để lại những lời bình luận phẫn nộ.

Tài xế có thể bị phạt tù

Luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, trong trường hợp này, tài xế biết hành khách của mình đang rơi vào trạng thái nguy hiểm mà lại bỏ rơi, đây không chỉ vi phạm về đạo đức của người làm nghề, mà còn đi ngược với đạo lý làm người.

Căn nhà lụp xụp của gia đình chị Yến

Hoàng Giáp

LS Phát phân tích: “Trong trường hợp này, dù biết sản phụ đang có dấu hiệu xấu về sức khỏe, nhưng người tài xế lại tìm cách để bắt sản phụ phải xuống xe để rồi bỏ mặc sản phụ sinh con bên vệ đường. Như vậy, rõ ràng người tài xế đã ý thức được sản phụ đang rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tình mạng, sự nguy hiểm đó không chỉ là tính mạng cho sản phụ mà có thể cho đứa bé trong bụng”.
Theo đó, LS Phát cho rằng việc bỏ rơi này có dấu hiệu của tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015. 
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cũng cho rằng, trong câu chuyện đau lòng của chị Yến, xét về tình lý tài xế đều vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Cụ thể, LS Quynh giải thích: Tội này quy định phải lỗi cố ý tức là hành vi khách quan của người không cứu giúp phải là cố ý. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài xế đã cố ý bỏ rơi sản phụ. Tức là tài xế có đủ điều kiện để cứu giúp nhưng không cứu giúp dẫn đến hậu quả là đứa bé chết ngay khi vừa chào đời và nguy hiểm tính mạng của chính chị Yến.
“Tội danh này không phải nhóm tội danh bị tố cáo theo yêu cầu của người bị hại. Do đó, người nhà không tố cáo đi nữa thì tài xế vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì vụ việc đã xảy ra rồi. Vụ việc này cần phải xử lý nghiêm để răn đe giáo dục, cảnh tỉnh người khác có trách nhiệm cứu giúp mọi người xung quanh theo pháp luật và đạo đức xã hội”, LS Quynh bày tỏ.
Ở góc độ khác, LS Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, trong trường hợp này, tài xế taxi nhận thấy sản phụ này sắp sinh và thấy trước được hành vi bỏ sản phụ xuống đường ngay lúc này có thể khiến người này sinh con và gặp nguy hiểm trong điều kiện này nếu không được kịp thời cứu giúp. Nhưng tài xế đã bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm”.
“Hành vi đuổi sản phụ xuống xe của tài xế đã vô ý làm đứa trẻ sinh ra còn sống, nhưng không đủ điều kiện chăm sóc đặc biệt nên đã chết. Tuy pháp luật Việt Nam chưa có một quy định cụ thể nào về việc xác định thai nhi hay trẻ sơ sinh là một con người. Như vậy, nếu xác định được đứa trẻ này sinh ra còn sống nhưng một lúc sau mới chết do không đủ điều kiện chăm sóc mà chết thì người tài xế có thể bị truy tố theo tội “Vô ý làm chết người” của điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015”, LS Ngọc Anh chia sẻ.
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 6 giờ sáng ngày 17.8, chị Vy Thị Yến (ngụ xã Thống Nhất, H.Bù Đăng, Bình Phước) có dấu hiệu chuyển dạ nên anh Sắc thuê xe dịch vụ 7 chỗ của một nhà xe trên địa bàn xã với giá thỏa thuận 750.000 đồng để đưa chị đi sinh.
Sau khi đến trạm y tế của xã Thống Nhất khám trước, được các y tá, kíp trực ở trạm đề nghị lên tuyến trên thì vợ chồng chị Yến cùng lái xe bắt đầu đi. Tuy nhiên, khi đi được khoảng 4km, thấy chị Yến đau bụng dữ dội, tài xế Nguyễn Đức Nhạc (cũng là chủ xe) bất ngờ “mời” gia đình sản phụ Yến xuống xe.
Do chỉ có 2 vợ chồng và bất ngờ được “mời” xuống xe nên anh Mai Đình Sắc đã rất cố gắng để đưa vợ xuống. Anh Sắc cho biết: “Tài xế Nhạc đã trải một tấm vải nhựa xuống dưới vệ đường và 2 vợ chồng anh đã tự dìu nhau xuống. Sau đó thì tài xế bỏ đi.”
Khi vợ đang đau đẻ có dấu hiệu sắp sinh, anh Sắc cho biết anh vô cùng bối rối và sợ hãi. Sau đó, anh đã điện về gia đình nhờ người nhà ra giúp đỡ, hô hoán những người đi đường cũng như điện báo về trạm y tế xã cách đó chỉ khoảng hơn 2km để nhờ người hỗ trợ.
“Khi con chào đời, chúng tôi thấy cháu cử động, nhưng do không biết gì nên không dám tác động vào cháu bé. Một lúc sau, khi cán bộ y tế xã đến nơi thì thấy con không còn cử động nữa”, anh Sắc đau đớn kể lại.
Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
(theo Bộ luật hình sự năm 2015)
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.