Tại sao người trẻ Nhật Bản chỉ thích ở nhà đọc truyện?

27/09/2016 13:06 GMT+7

Một cuộc khảo sát mới nhất của chính phủ Nhật Bản vừa được công bố cho thấy người trẻ Nhật Bản đang có xu hướng sống xa lánh xã hội và lựa chọn cuộc sống cô lập.

Tại sao người trẻ Nhật Bản chỉ thích ở nhà đọc truyện?
Người trẻ Nhật Bản đang được khuyến khích ra khỏi nhà và tương tác với xã hội Ảnh: Reuters
Theo Independent, hiện tượng này được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản gọi là “hikikomori” nhằm nhấn mạnh tới những người thường xuyên ở nhà trong khoảng 6 tháng mà không tới trường, không làm việc hoặc trải nghiệm xã hội.
Kết quả khảo sát chỉ ra khoảng 541.000 người từ 15 – 39 tuổi đang sống cô lập, tức là họ rất hiếm khi ra khỏi nhà. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn cuộc khảo sát năm 2010 với 696.000 trường hợp “hikikomori”.
Japan Times cho biết khoảng 35% trong số 541.000 người kể trên thường xuyên ở nhà trong vòng 7 năm và 29% ở nhà từ 3-5 năm.
Bên cạnh đó, số người “ở ẩn” tại Nhật Bản cũng có xu hướng già hóa khi những người từ 35-39 tuổi không thích ra khỏi nhà tăng gấp đôi trong sáu năm.
Giải thích về hiện tượng hikikomori, các bác sĩ Nhật Bản cho biết do những ảnh hưởng về tâm lý và văn hóa đã khiến cho người trẻ đất nước mặt trời mọc cảm thấy mình không cần thiết phải tiếp xúc với xã hội nhiều.
Đặc biệt, tình trạng này phổ biến nhiều ở nam giới, những người chịu áp lưc cao trong việc phải thành công sớm cả ở trường học lẫn sự nghiệp. Những người có học thức cao cũng thường cô lập bản thân mình hơn, theo kết quả khảo sát.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là những người trẻ thường xuyên ở nhà thường làm gì?
Theo Independent, các hikikomori thường xuyên chơi trò chơi có video hoặc đọc truyện khi ở nhà chứ không tương tác với những người khác. Các nhà tâm lý khẳng định điều này cho thấy xu hướng không muốn ra khỏi nhà hoàn toàn không phải do tính lười biếng.
Tamaki Saito, một nhà tâm lý Nhật Bản đã mô tả cuộc sống của hơn nửa triệu người trẻ là bị “dằn vặt tâm lý”.
“Họ muốn bước ra ngoài cùng thế giới, muốn kết bạn với nhiều người, muốn tìm lấy một nửa của mình nhưng họ không thể”, ông chia sẻ trên BBC.
Tình trạng không thích ra ngoài không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Theo nghiên cứu vào năm 2015, hikikomori còn được ghi nhận ở các quốc gia gồm Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.