Tách bằng lái gây lãng phí lớn

16/03/2016 09:06 GMT+7

Chỉ sau hơn 2 năm thực hiện bắt buộc tích hợp 2 trong 1 GPLX giữa ô tô và mô tô, Bộ GTVT lại cho phép tách riêng GPLX. Trong khi đó, để tách hơn 1,31 triệu GPLX đã tích hợp, chi phí người dân bỏ ra sẽ tốn hơn 355 tỉ đồng.

Chỉ sau hơn 2 năm thực hiện bắt buộc tích hợp 2 trong 1 GPLX giữa ô tô và mô tô, Bộ GTVT lại cho phép tách riêng GPLX. Trong khi đó, để tách hơn 1,31 triệu GPLX đã tích hợp, chi phí người dân bỏ ra sẽ tốn hơn 355 tỉ đồng.

Người dân thực hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe - Ảnh: M.HàNgười dân thực hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe - Ảnh: M.Hà
Từ 1.1.2013, các sở GTVT trên cả nước và Tổng cục Đường bộ VN (TCĐB) thực hiện việc nhập giấy phép lái xe (GPLX) ô tô và mô tô theo quy định tại Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT của Bộ trưởng GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.
Từ ngày 1.11.2015, TCĐB đã điều chỉnh phần mềm quản lý GPLX và yêu cầu các sở GTVT thực hiện việc tách GPLX đã tích hợp thành 2 GPLX (1 GPLX có thời hạn và 1 GPLX không thời hạn).
Tốn kém đủ bề
Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm thực hiện quyết định nhập chung GPLX, Bộ GTVT và TCĐB đã quyết định tách riêng 2 loại GPLX này. Trong báo cáo lên Bộ GTVT mới đây, TCĐB cho rằng, qua tổng hợp số liệu cấp đổi GPLX các địa phương, nhiều người vẫn có nhu cầu tích hợp 2 loại GPLX làm 1 để thuận tiện trong quá trình quản lý và sử dụng. Cụ thể, tính đến ngày 6.3, số GPLX đã tích hợp là hơn 1,31 triệu giấy phép (tăng 286.902 giấy phép so với cuối năm 2015). Trong đó, TCĐB cấp 6.069 giấy phép, các sở GTVT cấp 1,3 triệu giấy phép.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (TCĐB), người dân có nhu cầu sẽ được tách riêng GPLX 2 trong 1 trước đây thành 2 loại là GPLX không thời hạn của xe máy và có thời hạn của ô tô. “Việc tách GPLX thực hiện theo yêu cầu của người dân, không bắt buộc, người không có nhu cầu tách vẫn có thể giữ GPLX tích hợp và không bị xử phạt”, ông Quân nói.
Đáng nói, để được tách GPLX theo yêu cầu sáp nhập của Bộ GVTT trước đây, người dân sẽ phải nộp lệ phí với mức 135.000 đồng/GPLX, trong đó nộp vào ngân sách nhà nước là 47.250 đồng/GPLX, tương ứng với mức nộp 35%. Theo quy định tại Thông tư 73 của Bộ Tài chính, nếu tách 1,31 triệu GPLX đã tích hợp trên thì kinh phí phải chi ra là 355,04 tỉ đồng, trong đó nộp vào ngân sách 124,26 tỉ đồng.
Dù báo cáo số người tích hợp bằng GPLX tăng, nhưng TCĐB cũng cho rằng người dân có nhu cầu tách riêng 2 loại GPLX này. Vì vậy, TCĐB đề nghị Bộ GTVT cho phép tổng cục và các sở GTVT thực hiện cả việc tách hoặc tích hợp GPLX không thời hạn và có thời hạn theo yêu cầu của người dân khi đến làm thủ tục cấp đổi GPLX. Người thực hiện việc cấp đổi GPLX tách hay tích hợp đều phải nộp lệ phí theo quy định.
Nhiêu khê, tốn kém
Trên thực tế, từ năm 2013, khi bắt buộc phải gộp chung GPLX ô tô và mô tô khi đổi sang bằng PET (bằng thẻ nhựa), nhiều người đã phản ứng vì lo lắng, sợ gặp trở ngại trong quá trình sử dụng, nhất là khi bị xử phạt, vi phạm giao thông tịch thu bằng lái. Thời điểm đó, TCĐB lý giải theo quy định, mỗi người chỉ được cấp một mã số gắn với một bằng PET, vì vậy về nguyên tắc người có hai loại bằng lái khác nhau khi đổi sang bằng PET phải gộp chung.
Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo TCĐB cho rằng do số tiền tách GPLX khá lớn nên tổng cục báo cáo xin ý kiến Bộ GTVT. “Việc thu phí khi người dân có nhu cầu chuyển đổi thực hiện theo cơ chế tài chính quy định của Bộ Tài chính, trường hợp không thu với người tách GPLX đã tích hợp cũng phải có ý kiến cho phép của Bộ Tài chính”, vị này cho biết. Lãnh đạo TCĐB cũng khẳng định, tổng cục có thể huy động thêm nhân lực để thực hiện việc tách GPLX cho người dân có nhu cầu, nhưng không có nguồn để chi trả nếu không thu phí của người dân. Theo thống kê, số lượng người dân có nhu cầu tách GPLX đã tích hợp không nhiều do không muốn làm thêm thủ tục và tốn kém chi phí. Ông Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc tách GPLX sẽ thực hiện theo nhu cầu của người dân, vì thế việc trả thêm chi phí cho việc tách GPLX là cần thiết, đúng quy định và không gây lãng phí.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, dù trong văn bản Bộ GTVT đều cho rằng sẽ tách hay tích hợp tùy theo nhu cầu người dân, tuy nhiên việc ra hai quy định trái ngược nhau chỉ sau hơn 2 năm là nhiêu khê, gây lãng phí và tốn kém không cần thiết. Vì vậy, để giảm thiểu chi phí cho người dân, tránh lãng phí hàng trăm tỉ đồng chỉ để nhập, tách GPLX, Bộ GTVT cần đưa ra quy định nhất quán để người dân thực hiện. “Việc thực hiện bất kỳ quy định nào cũng phải tính toán kỹ xem có phù hợp với thực tiễn VN hay không, không thể áp dụng cứng nhắc theo quy định của nước ngoài, gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện”, ông Thủy nhận định.
Tách GPLX sẽ giảm tính răn đe, chế tài những người chạy ẩu, sai luật
Theo TS Nguyễn Minh Đồng, người có nhiều năm làm trong lĩnh vực giao thông tại các nước châu Âu, nhiều nước trên thế giới đều tích hợp bằng lái ô tô và mô tô. Phản đối quan điểm tách rời riêng 2 bằng ô tô và xe máy để thuận tiện, khi bị giữ bằng nọ còn bằng kia, ông Đồng nhìn nhận, việc cho tích hợp bằng thì có lợi cho xã hội, việc tách bằng thì chỉ một số người có lợi còn hại cho xã hội. “Nếu vượt đèn đỏ, uống rượu khi điều khiển xe, chạy ẩu... tức là những lỗi nghiêm trọng theo quy định thì mới bị giữ bằng. Mục đích giữ bằng trong một khoảng thời gian là để răn đe, chế ngự những người chạy ẩu, sai luật. Ở một số nước châu Âu nếu lái ô tô vượt đèn đỏ không chỉ bị cấm điều khiển ô tô trong một thời gian mà còn cấm luôn điều khiển mô tô”, ông Đồng phân tích. Chuyên gia này cho rằng, việc tích hợp bằng sẽ có mục đích răn đe nhiều hơn, tránh tình trạng nhờn luật của những người chạy ẩu, nhất là trong bối cảnh ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn hạn chế, không tuân thủ luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.