Tách bằng lái dễ tạo kẽ hở để lách luật

17/03/2016 08:18 GMT+7

Nhiều chuyên gia, cán bộ ngành GTVT cho rằng bên cạnh việc lãng phí tiền bạc của nhân dân, việc cho tách giấy phép lái xe giữa ô tô và mô tô dễ dẫn đến người sử dụng lách luật, tạo tiền lệ xấu.

Nhiều chuyên gia, cán bộ ngành GTVT cho rằng bên cạnh việc lãng phí tiền bạc của nhân dân, việc cho tách giấy phép lái xe giữa ô tô và mô tô dễ dẫn đến người sử dụng lách luật, tạo tiền lệ xấu.

Người dân đang làm thủ tục cấp đổi GPLX tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức MinhNgười dân đang làm thủ tục cấp đổi GPLX tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Liên quan đến ý kiến về việc lãng phí khi tách giấy phép lái xe (GPLX), trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, nói trước đây việc tích hợp thực hiện theo Thông tư 46 của Bộ GTVT, hiện theo thông tư mới cho phép người dân được tách GPLX theo nhu cầu hoặc tích hợp.
Ông này cũng khẳng định nhiều người dân vẫn có nhu cầu tích hợp GPLX ô tô và xe máy cho thuận tiện trong sử dụng, đồng thời không có nhiều người muốn tách GPLX đã tích hợp.
Trong khi đó, theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, từ tháng 12.2015 tới nay Sở chưa nhận được hồ sơ xin tách GPLX nào. Được biết, hiện tại trên cả nước chỉ có khoảng gần 300 hồ sơ xin tách GPLX.
Một chuyên gia từng công tác lâu năm trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhìn nhận: số lượng hồ sơ xin tách GPLX rất ít cho thấy bản thân người dân đã có sự lựa chọn hợp lý.
“Trước đây việc tích hợp GPLX thực hiện theo quy định của Công ước Viên, với quy tắc mỗi người chỉ sử dụng một GPLX, các nước trong Công ước Viên đều thực hiện theo nguyên tắc này. Việc tích hợp GPLX có nhiều tác dụng, tiết kiệm, tăng hiệu lực của công tác tuần tra kiểm soát và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”, ông này cho hay.
Cụ thể, theo chuyên gia này, khi cấp chung một GPLX thì người dân tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, nếu bị thu hồi GPLX khi điều khiển mô tô, bị ngừng cả điều khiển xe ô tô, bản thân người sử dụng GPLX phải thận trọng hơn khi tham gia giao thông”, chuyên gia này nói.
Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM, đề nghị nên giữ nguyên việc tích hợp GPLX giữa mô tô và ô tô vì tích hợp có rất nhiều tiện lợi. Còn lấy lý do nếu tích hợp thì khi xử lý vi phạm sẽ ảnh hưởng đến bằng lái còn lại, theo ông Tính là không hợp lý, không thể có chuyện “người có 5 bằng thì 5 loại giấy”.
“Mới nhập vào 2 năm, nay lại tách ra sẽ gây phiền hà cho người dân, thể hiện sự thiếu nhất quán trong chính sách. Nếu cho rằng do nhu cầu của một số người cũng không hợp lý vì nhu cầu tách rất ít trong khi nhu cầu muốn tích hợp lại rất nhiều. Bộ GTVT nên vì số đông chứ không thể phục vụ số ít”, ông Tính phân tích.
Trong khi đó, chuyên gia độc lập về nghiên cứu luật giao thông, ông Nguyễn Đức Tiến cho rằng việc cho phép tách GPLX ô tô và mô tô sẽ gây phiền hà, lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân. Đáng lo ngại hơn, theo ông Tiến, tại TP.HCM, thời gian qua nhiều người đã có GPLX mô tô nhưng khi thi lấy GPLX ô tô lại không khai báo đã có GPLX mô tô.
Vì vậy, từ ngày 1.1.2016 khi đi lấy GPLX ô tô thì bị các trường yêu cầu nộp lại GPLX mô tô và bị “giam” GPLX ô tô hơn 2 tháng sau. Còn nếu muốn lấy liền thì phải tốn tiền. “Ở một số quốc gia quy định người biết lái và có GPLX ô tô thì không phải thi lấy GPLX 2 bánh.
Mặt khác, về nguyên tắc, người bị lập biên bản giữ GPLX thì không được phép lái xe, không được sử dụng biên bản vi phạm để lái xe. Vì vậy, quy định tích hợp GPLX là hợp lý vì cơ quan chức năng dễ quản lý. Còn nếu cho tách GPLX sẽ tạo tiền lệ xấu vì có lỗ hổng, dễ bị lách luật”, ông Tiến nói.
Tôi có ý kiến: Hoang phí thời gian, tiền bạc của dân
Nhiều bạn đọc đã thốt lên như thế sau khi đọc bài viết Tách bằng lái gây lãng phí lớn trên Thanh Niên số ra ngày 16.3.
Mất lòng tin
Nghe thông tin này tôi khá bất ngờ. Tại sao đã nhập rồi lại tách ra? Ngay từ đầu sao không cho tách hoặc nhập tùy ý, miễn là đổi sang giấy phép lái xe (GPLX) thẻ PET là được. Hôm nay nói không bắt buộc người dân phải tách sau khi đã nhập, không xử phạt rồi ngày mai lại phạt, lại bắt buộc tách ra thì sao? Sự bất nhất như thế này đã lặp đi lặp lại rất nhiều khiến người dân mệt mỏi, mất lòng tin.
Vũ Thị Xuân Hà (P.3, Q.4, TP.HCM)
Vẽ chuyện cho cán bộ làm
Sau khi ban hành quy định phải đổi GPLX từ chất liệu giấy sang thẻ PET, các sở GTVT đã phải tuyển dụng rất nhiều cán bộ vào làm việc để đáp ứng đủ nhu cầu của dân. Đến thời điểm hiện nay, đa số người dân đã đổi GPLX sang thẻ PET. Vậy thì số cán bộ dôi dư tại các trung tâm sát hạch, cấp GPLX thuộc các sở GTVT sẽ làm gì? Đây là lý do phải “đẻ” thêm quy định, đã nhập rồi thì nên tách ra cho thuận lợi đối với người dân, tạo việc làm cho nhân viên và thu thêm phí. Thế thôi.
Lê Minh Toàn (TP.Rạch Giá, Kiên Giang)
Cứ để nguyên
Tôi đề xuất cứ để nguyên GPLX như hiện nay, không cho tách. Lý do đơn giản là người dân sẽ nâng cao ý thức tham gia giao thông, không vi phạm an toàn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị thu GPLX gồm cả GPLX mô tô và GPLX ô tô (nếu có), nghĩa là bị “cắt chân đi” một thời gian. Điều này rất hữu ích trong bối cảnh việc tham gia giao thông vô cùng bát nháo trên các đường phố như hiện nay.
Trần Thị Trúc Linh (TX.Long Khánh, Đồng Nai)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Mỗi chuyện nhập, tách GPLX thôi đã phải chi số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn, sẽ rất có ích nếu đem giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông hoặc thực hiện các dự án góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Vì thế, hãy hủy bỏ quy định này.
Nguyễn Văn Liêm (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Người dân đã tốn chi phí để đổi GPLX bằng giấy sang thẻ PET và “tích hợp” thì nay nếu buộc phải tách, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ phải chịu chi phí để người dân thực hiện. Nếu lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ sáng suốt, có tầm nhìn xa thì người dân chỉ mất một lần đi đổi GPLX và một lần tiền. Nay phải đi tách GPLX sau khi nhập, tốn thêm tiền thì ép dân quá.
Phạm Công Thiên Đỉnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.