Sướng, khổ đời tour guide: Nối duyên nghìn dặm

11/05/2018 09:08 GMT+7

Sau hành trình du lịch tại VN, có hướng dẫn viên thành đôi với khách du lịch, có người trở thành bạn bè, thân như ruột thịt...

“Chứng kiến những công nhân chặt cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM), bác Murayama Yasufumi khóc như một đứa trẻ. Nhìn bác hỏi thông tin, chụp ảnh mà vẫn khóc, tôi nghĩ sao người Nhật tâm huyết với đất nước mình quá”, Đào Thùy Linh (25 tuổi, hướng dẫn viên du lịch - HDV tự do tại TP.HCM) mở đầu câu chuyện nghề nghiệp với chúng tôi bằng kỷ niệm về vị khách đặc biệt như thế.
Hướng dẫn viên… không lương
Linh tìm được thông tin tuyển HDV tại VN của ông Mura trên Facebook khi cô còn là sinh viên vừa làm HDV kiếm thêm thu nhập vừa “luyện” ngoại ngữ. Tuy nhiên, vị khách lần này khá đặc biệt, ông không đến các địa danh du lịch nổi tiếng, điểm ăn chơi sang trọng mà dành thời gian để tìm hiểu những câu chuyện về VN và ao ước được tới… Trường Sa.
Để giúp ông Mura thực hiện được các kế hoạch của mình trong chuyến thăm VN, Linh phải lục tìm rất nhiều tài liệu, hỏi thăm thủ tục để hỗ trợ kịp thời. Vì phải di chuyển nhiều nên ông Mura rất tiết kiệm. Ông thường chọn khách sạn rẻ tiền, quán ăn lề đường giá phải chăng nhưng vẫn dành một khoản không nhỏ để gửi chi phí cho cô HDV đi cùng. Tuy nhiên, qua vài ngày tiếp xúc, Linh thấy những việc ông Mura làm chỉ vì yêu VN và ông thường nhận mình là người VN.
Từ đó, Linh tự nguyện làm HDV miễn phí cho ông Mura. Thậm chí cô còn bỏ tiền túi để mua vé máy bay ra Đà Nẵng để hỗ trợ ông Mura làm thủ tục đi Trường Sa kịp thời. “Lần đó sợ bác đợi lâu, nhỡ việc em phải mua vé máy bay đi gấp ra Đà Nẵng. Chứng kiến bác chạy vạy giấy tờ khắp nơi để được lên tàu mà em phát khóc. Đến lúc nhận thông báo được cấp thẻ lên tàu, hai bác cháu nhìn nhau vui không tả xiết. Cảm giác lúc ấy không phải của một người khách du lịch mà thực sự là của một người thân ruột thịt”, cô tâm sự.
Những ngày hướng dẫn cho ông Mura dù không có tiền, nhưng thật nhiều tiếng cười, niềm vui. Với Linh, sau hành trình cùng nhau ấy, cô có thêm một tri kỷ. Ông Mura vừa là thầy vừa là bạn cũng là người mà cô ngưỡng mộ nhất. Linh cho hay: “Bác Mura tự nhận mình là ông Tám vì bác nhiều chuyện quá, chuyện gì cũng muốn biết. Vì cái tên Tám đó mà thời gian bác ở VN không khi nào tôi rảnh rỗi bởi luôn phải tìm kiếm và trả lời các câu hỏi của bác. Nhờ thế, tôi thấy mình học được nhiều điều”.
Sướng, khổ đời tour guide: Nối duyên nghìn dặm1
Đào Thùy Linh vui vẻ rong ruổi cùng ông Murayama Yasufumi trong những ngày ông thực hiện chuyến du lịch tại VN Ảnh: Đức Anh
Hiện tại Linh và ông Mura vẫn giữ liên lạc. Họ gặp nhau bất cứ khi nào ông Mura về VN hoặc Linh có dịp dẫn khách du lịch tại Nhật Bản. “Bác lúc nào cũng bảo mình là người VN. Bác ấy làm mọi thứ vì VN. Điều đó khiến tôi thêm yêu đất nước mình”.
Từ bạn đường trở thành bạn… đời
 
 
Học làm giàu từ một chuyến đi
Năm 2016, anh Trần Thiện Đạo (39 tuổi, Q.Bình Tân) cùng một khách hàng qua Nhật chữa bệnh. Do bệnh tình của khách diễn biến phức tạp nên hai người phải ở lại thêm một tuần so với dự kiến. Vì không có người nhà đi cùng nên anh Đạo vừa làm HDV vừa là người thân duy nhất. Thấy anh Đạo tận tình, dễ mến, khách (vốn là đại gia bất động sản tại TP.HCM) đã chỉ anh nhiều “bí kíp” kiếm tiền. Từ số vốn 80 triệu ban đầu, nhờ hướng dẫn của khách, anh Đạo mua đất rồi bán lại. Sau gần 3 năm, anh Đạo đã cầm trong tay tiền tỉ. Hiện tại, dù công việc khá bận rộn nhưng thỉnh thoảng anh và khách vẫn gọi điện rủ nhau lai rai vài chai bia lề đường.
Hơn cả tình bạn, sau hành trình du lịch cùng nhau chị Hứa Thùy Vân (38 tuổi, một trong những HDV đời đầu của Sài Gòn) đã nên duyên với vị khách du lịch - ông Nojiri Yasumasa (người Nhật, 66 tuổi).
Năm 2015 ông Yasumasa đi du lịch VN. Lúc này chị Vân đảm nhận vai trò HDV cho ông Yasumasa. Cũng như hàng trăm vị khách du lịch chị từng hướng dẫn họ thường lui tới các địa điểm ăn chơi ở Sài Gòn. Ông Yasumasa nhiều tuổi nhưng chưa vợ do “hồi trẻ thì nghèo nên cố gắng làm, đến khi thành công thì tuổi trẻ cũng qua đi”. Chị Vân 38 tuổi, cũng chưa chồng. Những ngày đầu vì ngại nên chị ít nói chuyện. Nhưng những buổi lang thang cùng nhau đã khiến hai trái tim đồng cảm. Ông Yasumasa cũng chủ động nhắn tin, liên lạc với chị thường xuyên. Sau chuyến đi đó, ông Yasumasa siêng tới VN du lịch hơn.
Một năm sau, ông Yasumasa cầu hôn chị Vân. Câu chuyện tình yêu của họ được nhiều người chúc phúc. Từ bạn đường họ đã cảm thông và trở thành những người bạn đời gắn bó với nhau trong hành trình mới. Hiện tại, chị Vân có cuộc sống viên mãn cùng chồng tại Nhật Bản. Dù cuộc sống khá đủ đầy nhưng tại Nhật chị Vân vẫn tiếp tục công việc HDV và luôn thầm cảm ơn vì nhờ nó mà chị đã gặp được một nửa yêu thương của mình.
Ngủ không được vì... nhớ
Dù đối diện nhiều thử thách và áp lực, song không ít HDV vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê mãnh liệt với nghề. Một số người khẳng định làm công việc này sướng nhất là lúc đứng nói “ro ro” những điều mình biết cho khách, còn khách thì tròn mắt, chăm chú nghe. Cạnh đó, những lời cảm ơn sau chuyến đi, lời đề nghị đi tour tiếp theo, có khi là những món quà từ khách hàng chính là động lực cho họ bước tiếp với nghề.
Anh Thái Hòa (26 tuổi, quê Bến Tre) đang đầu quân cho Công ty du lịch Festival, Q.3 nhưng cũng đi tour ngoài kiếm thêm. Với anh, được đi nhiều nơi, được quen biết nhiều bạn bè là niềm hạnh phúc lớn nhất. Trong những chuyến đồng hành cùng khách, tình cảm có khi thân thiết như người nhà. Kết thúc hành trình, đôi lúc anh ngủ không được vì... nhớ. Hôm nọ, xe sắp về đến nơi, một cô khách bỗng la to: “Ôi chết! Tui quên mất cái này”. Cả xe nháo nhào tưởng cô quên đồ quên đạc gì ở khách sạn. Bất ngờ cô cười bảo quên... lì xì cho HDV. Nói rồi, cô dúi vào tay “bo” anh Hòa 5 triệu đồng.
Trác Rin
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.