Sức sống mới trên ‘ốc đảo’ của Trà Vinh

09/03/2020 09:20 GMT+7

Sau hơn 1 năm có điện lưới quốc gia, đời sống người dân cồn Phụng và cồn An Lộc của tỉnh Trà Vinh không ngừng được nâng cao, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Con tôm khơi dậy tiềm năng cồn Phụng

Cồn Phụng là một trong 10 ấp thuộc xã Long Hòa (H.Châu Thành, Trà Vinh), nằm dọc nhánh sông Cổ Chiên. Do đặc thù tách biệt đất liền nên đời sống người dân trước kia rất khó khăn. Khi điện lưới quốc gia về, nơi đây thay da đổi thịt từng ngày.
Bà Phạm Thị Liên (56 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Tôi sống ở “ốc đảo” này đã hơn 20 năm qua. Do thiếu điện, không mở rộng sản xuất được nên 5 ha đất canh tác lúa xen canh nuôi tôm càng thả lan mà thu nhập chỉ đủ ăn. Điện lưới về, gia đình tôi chuyển qua nuôi tôm thẻ, sử dụng quạt máy bằng mô-tưa, lợi nhuận năm rồi đạt trên 200 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Cồn Phụng, cho biết toàn ấp có 136 hộ dân, diện tích đất trên 300 ha, đất sản xuất nông nghiệp 120 ha. Trước đây người dân trồng lúa 3 vụ/năm kết hợp nuôi tôm càng thả lan trên ruộng, chỉ có 8 hộ nuôi tôm công nghiệp. Từ khi điện lưới quốc gia về, có đến 80% hộ dân chuyển qua nuôi tôm công nghiệp (thẻ, sú và càng xanh). Năm 2019 vừa qua, bà con trúng mùa, thu nhập thấp nhất cũng trên 100 triệu đồng/hộ, mức trung bình 200 - 300 triệu đồng/hộ, cao nhất từ 1 - 1,2 tỉ đồng.

Cồn An Lộc chuyển mình từ kinh tế vườn và du lịch

Cồn An Lộc còn gọi là cồn Bần Chát (thuộc ấp An Lộc, xã Hòa Tân, H.Cầu Kè, Trà Vinh) nằm trên dòng sông Hậu, diện tích tự nhiên trên 473 ha, trong đó đất canh tác 167 ha, có 146 hộ dân sinh sống.
Trước đây, khi chưa có điện, toàn ấp chỉ có 43 hộ dân sử dụng điện năng lượng mặt trời, số còn lại sử dụng bình ắc quy, đèn dầu thắp sáng và một số hộ khá mua máy nổ. Không có điện, “ốc đảo” nhiều năm liền không phát triển. Điện lưới quốc gia kéo về, người dân phấn khởi, vui mừng, gần như nhà nào cũng có mảnh vườn trồng đủ loại cây trái theo mùa, chủ yếu là nhãn, xoài, chuối.
Ông Nguyễn Văn Lác (61 tuổi), có 30 năm sống ở cồn An Lộc, cho biết gia đình ông canh tác khoảng 8,6 ha vườn. Trước đây chưa có điện, ông dùng máy xăng để tưới tiêu, bình quân mỗi ngày khoảng 3 lít, chí phí trên 60.000 đồng. Nay có điện, chi phí chỉ khoảng 10.000 đồng/ngày, tiết kiệm trên 50.000 đồng/ngày. Tính ra mùa vụ năm 2019 ông thu lãi trên 300 triệu đồng. “Ngoài tiết kiệm được nhiều chi phí, có điện rồi tôi chỉ cần bật công tắc là hệ thống nước tự động tưới, không phải giật máy nổ cực khổ như trước đây, tiết kiệm được thời gian và công sức”, ông Lác nói.
Điện không chỉ là động lực phát triển kinh tế vườn mà còn phát triển ngành chế biến và du lịch sinh thái vườn, là điều kiện nâng cao đời sống người dân. Ông Lê Quốc Thuần, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tân, cho biết toàn ấp với diện tích đất trồng nông nghiệp 170 ha và sản lượng thu hoạch trái cây 200 tấn/năm. Điện về giúp kinh tế phát triển nhanh, số hộ nông dân khá và giàu tăng trên 20% so với năm trước khi chưa có điện. Chính quyền xã có chính sách hỗ trợ, khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất dần sang các loại cây ăn trái chủ lực, cho giá trị kinh tế cao, tạo hướng đi mới cho nhà vườn sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho thị trường xuất khẩu và trong nước.
Dự án cấp điện cồn Phụng khối lượng đường dây trung áp 3 pha 22kV trên không 6,346 km; đường dây trung áp 3 pha 22 kV ngầm (vượt sông) 0,487 km; đường dây hạ áp 3 pha 14,368 km; 7 trạm biến áp 1.050kVA và lắp đặt 136 công tơ. Tổng vốn đầu tư 14,6 tỉ đồng, do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) làm chủ đầu tư, hoàn thành tháng 12.2018
Dự án cấp điện cồn An Lộc khối lượng đường dây trung áp 3 pha trên không 3,997 km; đường dây trung áp 3 pha ngầm hóa 0,720 km; đường dây hạ áp 3 pha 5,564 km; 4 trạm biến áp, dung lượng 450 kVA và lắp đặt 146 công tơ. Tổng vốn đầu tư trên 12 tỉ đồng, do EVNSPC làm chủ đầu tư, hoàn thành tháng 12.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.