Đừng biến mình trở thành con nghiện công nghệ, thẩm mỹ, tình dục...

10/08/2016 20:00 GMT+7

Một thói quen bị bó buộc kéo dài có thể gọi là một chứng nghiện. Và khi có một chứng nghiện 'sống' bên trong thì nó gần như chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí con người.

Một khi chứng nghiện đã chiếm lĩnh tâm trí, thì tiếng nói trong đầu sẽ trở thành tiếng nói của con nghiện. Vậy hãy kiểm tra xem bạn có phải là một con nghiện chính hiệu?
Điện thoại thông minh
Nếu việc đầu tiên bạn làm sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ là cầm lấy cái điện thoại thì bạn đã nghiện thật rồi. Ngoài ra, từ đồ ăn, toilet, phòng thay đồ, cửa hàng quần áo, quán cà phê... đều trở thành địa điểm lý tưởng để bạn chụp hình hoặc việc chọn ôm cái điện thoại thay vì đối thoại với bạn bè, người thân bên cạnh là một chứng nghiện điện thoại tiềm ẩn.
Không chỉ vậy, nghiên điện thoại còn khiến bạn luôn cảm thấy mình phải kiểm tra điện thoại liên tục trong ngày. Nếu không thể làm điều đó, bạn cảm thấy lo lắng, kích động và chán nản. Khi bạn mặc nhiên để công nghệ len lỏi vào không gian riêng tư của mình như phòng tắm, phòng ngủ thì bạn đã bắt đầu có dấu hiệu quá rõ ràng của một con nghiện rồi đó.

Caffeine
Theo trang Webmd, dấu hiệu của nghiện cà phê là nghĩ đến nó vào mỗi buổi sáng khi chưa kịp rời khỏi giường, hay cảm thấy mệt mỏi và uể oải và chẳng làm được gì nếu thiếu sự trợ giúp của thứ thức uống mạnh mẽ này.
Ngoài ra, bạn cũng sẵn sàng vượt một quãng đường xa chỉ để được hít hà hương vị mê hoặc của cà phê trong một cửa hàng ấm cúng, hay thậm chí kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi chỉ để thỏa mãn thú vui thưởng thức ly cà phê hấp dẫn, hoặc cơ thể cảm thấy bồn chồn, thiếu kiên nhẫn, nóng vội... là bạn đã là con nghiện của thức uống này.
Sô cô la và kẹo
Giống như các đồ ngọt khác, sô cô la kích thích sự giải phóng endorphin, một hóa chất tự nhiên trong cơ thể tạo ra cảm thấy thỏa mãn, từ đó thúc đẩy sự thèm muốn. Và nếu lúc nào bạn cũng thủ sẵn trong người những thỏi sô cô la hay kẹo và cảm thấy khó cưỡng lại sự hấp dẫn của chúng, có nghĩa bạn đang lệ thuộc vào chúng và có nguy cơ trở thành con nghiện đồ ngọt.
Nghiện mua sắm thường mua theo "hứng" đến mức không kiểm soát việc chi tiêu - Ảnh: Shutterstock

Mua sắm
Mua sắm là phần tất yếu của cuộc sống, tuy nhiên nếu mua sắm quá đà, không kiểm soát được sẽ dẫn đến vô vàn rắc rối. Hãy xem bạn có phải một tín đồ mua sắm không nhé! Một điều thường thấy ở người nghiện mua sắm đó là thường giấu nhẹm những món đồ vừa mua với gia đình. Họ giả vờ rằng mình đã có món đồ đó từ trước rồi. Những người nghiện mua sắm thường khó có thể bỏ qua bất cứ cửa hàng nào và sẵn sàng chi tất cả số tiền trong ví để mua những thứ không cần thiết.
Không chỉ vậy, nếu việc mua sắm đến mức mất khả năng kiểm soát chi tiêu, dẫn đến nợ nần, ảnh hưởng các mối quan hệ cá nhân, thậm chí là trầm cảm thì chứng tỏ đây là con nghiện đích thực.

Phẫu thuật thẩm mỹ
Ngày nay, với sự phát triển của phẫu thuật thẩm mỹ đã có không ít chị em, thậm chí là phái mạnh tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để hoàn thiện khuyết điểm nào đó của bản thân nhằm giúp mình đẹp hơn.
Thế nhưng, nhiều người dù đã phẫu thuật rất nhiều lần vẫn không cảm thấy hài lòng, thì chứng tỏ họ đã mắc phải chứng nghiện dao kéo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do họ bị ám ảnh bởi ngoại hình. Họ luôn lo âu và không hài lòng với ngoại hình của mình, nên muốn chỉnh sửa bất cứ bộ phận nào trên cơ thể khi có điều kiện, luôn tìm kiếm khiếm khuyết của cơ thể mình, đem bản thân ra so sánh với người khác. Hoặc ban đầu sửa thấy đẹp nhưng sau một thời gian lại thấy xấu, không hài hòa và nghĩ rằng biết đâu sửa lại sẽ đẹp hơn, nên dần dà bị nghiện.
Sửa mãi vẫn không hài lòng là dấu hiệu của chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh: Shutterstock

Tập thể dục
Bất cứ lúc nào bạn tập thể dục, bộ não của bạn cũng sản sinh hóa chất được gọi là endorphins tạo ra một cảm giác sảng khoái, mà nó cũng rất dễ dàng để trở thành loại hóa chất gây nghiện. Nếu không có cảm giác này, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và bạn thôi thúc cần thực hiện tiếp mà không lắng nghe những gì cơ thể “nói”.
Ai cũng biết tập thể dục tốt cho sức khỏe như thế nào, nhưng nếu tập thể dục đến mức bị chấn thương vẫn tiếp tục chơi, thì có lẽ bạn đã trở thành con nghiện mất rồi.

Tình dục
Nghiện tình dục là không chỉ dừng lại ở việc ham muốn được quan hệ tình dục thường xuyên hoặc nhìn những hình ảnh khiêu dâm mà trong tâm trí và đầu óc luôn hiện ra những cảnh quan hệ, khiến bạn buộc phải thỏa mãn ham muốn của mình bằng nhiều cách như xem phim “nóng”, thủ dâm, tìm cách tán tỉnh, ve vãn người khác giới… Cảm giác thôi thúc muốn được quan hệ này bộc lộ qua một số hành vi thể hiện bên ngoài nhất định, khiến bạn trở thành người nghiện tình dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.