Bác sĩ sản kể chuyện những ca sinh hy hữu vào giao thừa

28/01/2017 08:38 GMT+7

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng dành cho sự đoàn viên gia đình. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa lại thường xuyên đón giao thừa trong bệnh viện. Và giao thừa mỗi năm như thế lại có những ca sinh đặc biệt.

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng dành cho sự đoàn viên, sum họp gia đình. Tuy nhiên, có những nghề đặc trưng mà người làm nghề ấy ít được tận hưởng không khí đêm chuyển giao năm cũ - mới ở nhà. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), năm nay lại trực giao thừa, đón ca sinh đầu tiên của năm Đinh Dậu 2017.
Gần 30 năm làm bác sĩ sản khoa, số lần đón giao thừa cùng gia đình của bác sĩ Thu Hà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, chị đón giao thừa trong bệnh viện. Bác sĩ Thu Hà kể lại những câu chuyện đặc biệt về các ca đỡ sinh ngay giao thừa.

Sinh đôi nhưng "cầm tinh" khác tuổi, khác nơi sinh
Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chỉ lệch nhau một giây thôi cũng đủ tạo ra sự khác biệt. Chính điều này đã tạo ra một ca sinh hy hữu: hai chị em sinh đôi nhưng "cầm tinh" khác tuổi, khác nơi sinh và cách sinh.

tin liên quan

Những món ăn tết không dành cho mẹ bầu
Tết Nguyên đán là dịp mọi người họp mặt, vui chơi, tiệc tùng. Món ngon ngày tết cũng vô cùng phong phú. Tuy nhiên, ăn tết, thai phụ cần cẩn trọng với nhiều loại thực phẩm.
Bác sĩ Thu Hà nhớ lại: Sản phụ mang song thai. Em bé gái thứ nhất sinh ở bệnh viện tỉnh lúc 23 giờ 50 phút. Còn lại bé thứ hai trong tử cung, sản phụ không sinh được nên được chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ.
“Khi đó, khám lại sản phụ, tôi thấy bé thứ hai ngôi ngang, sản phụ đã vỡ ối và cổ tử cung đã thu nhỏ. Vì vậy, tôi quyết định mổ. Kết quả, một em bé trai nặng 2,8 kg kháu khỉnh đã chào đời lúc 0 giờ 40 phút, tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Như vậy, hai chị em song sinh nhưng lại khác tuổi ta và cũng khác cả nơi sinh, cách sinh. Một bé sinh thường, một bé sinh mổ”, bác sĩ Thu Hà kể.
Chuẩn bị cúng đón giao thừa, vẫn đi đỡ sinh
Bác sĩ Thu Hà cho biết trong một năm hiếm hoi, không phải trực giao thừa ở bệnh viện nhưng đúng là nghề nghiệp, chị vẫn phải đi đỡ sinh.
Công dân đầu tiên của năm mới chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ Nguyên Mi
“Khi đó, tôi đang chuẩn bị cúng đón giao thừa tại nhà thì có tiếng gọi cửa: Bác sĩ ơi, vợ em đau bụng và ra nước nhiều lắm, bác sĩ đến giúp nhé! Đó là lời gọi cửa của người cùng xóm. Tôi vội vàng mang một số dụng cụ cần thiết đến nhà hai vợ chồng ngay lập tức. Khi bác sĩ đến nơi thì đầu em bé đã thập thò bên ngoài âm hộ người mẹ. Sau khi đón em bé ra, làm rốn, lấy nhau và chuyển hai mẹ con vào bệnh viện, nhìn lại đồng hồ thì đã 2 giờ sáng mồng một Tết”, bác sĩ Thu Hà tâm sự.
Chọn ngày hóa ra ngày chọn
Theo bác sĩ Thu Hà, chuyện sinh nở khó có thể đoán trước được giờ giấc. Tuy nhiên cũng có những gia đình mong muốn sinh con vào ngày giờ nhất định, sau khi xem thầy bói, để em bé sinh ra có được cuộc đời an vui, như ý về sau. Vì quan niệm này mà đã từng có những chuyện dở khóc dở cười.

tin liên quan

Khám phá ca mổ bằng robot tại Bệnh viện Bình dân TP.HCM
Phẫu thuật bằng robot cho người lớn được Bộ Y tế đánh giá là một thành tựu y khoa của Việt Nam năm 2016. Thật thú vị khi khám phá một ca phẫu thuật mà bác sĩ mổ chính như đang... chơi game thực tế ảo.
Vào năm Thìn bước qua năm Tỵ, một sản phụ L.T.H.A. (mang thai lần thứ hai, lần thứ nhất sinh mổ) tính đến ngày 30 tết năm Thìn thì thai mới được 36 tuần 3 ngày tuổi. Thế nhưng, mẹ chồng của chị A. khăng khăng yêu cầu sinh mổ để em bé ra đời vào năm Thìn. Dĩ nhiên yêu cầu của bà không được chấp nhận.
Bác sĩ đã ra sức giải thích với gia đình về nguy cơ của mổ lấy thai cũng như nguy cơ của bé sinh non tháng. Vợ chồng chị A. hiểu và đồng ý theo dõi thai chờ đến ngày sinh cho em bé thật sự trưởng thành. Tuy nhiên, do bà nội em bé vẫn cố chấp, không chịu nên đã có “chiến tranh lạnh” trong gia đình.
Không biết căng thẳng thế nào mà đúng 30 tết, chị A. vỡ ối. Đêm giao thừa năm Thìn, chị được mổ vì thai 36 tuần 3 ngày, ối vỡ non và sản phụ có vết mổ cũ. Cũng may là cả mẹ và bé sau ca sinh đều khỏe.
Niềm vui đêm giao thừa
Bác sĩ Thu Hà nhận định, ngày trước, vào đêm giao thừa, số sản phụ vào viện không nhiều, phần lớn mọi người cố gắng trì hoãn ở nhà đón giao thừa, khi nào bức bách lắm mới phải vào bệnh viện. Tuy nhiên, khoảng vài năm gần đây, lượng sản phụ nhập viện trong đêm giao thừa gần như những ngày bình thường.
“Vì thế, các bác sĩ trực giao thừa vẫn tất bật suốt đêm, với công việc đỡ sinh, mổ, làm bệnh án, thực hiện các thủ thuật,… Sáng mồng 1, về đến nhà, người mệt đừ nhưng vẫn vui. Vui và hạnh phúc vì bác sĩ sản là người đón công dân đầu tiên của năm mới; đón giao thừa với những tiếng khóc chào đời của con trẻ; mang lại và được hòa cùng niềm vui “mẹ tròn, con vuông” của bao sản phụ và gia đình; sự sát cánh chung tay của những người đồng nghiệp,... Đó là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được. Tất cả những điều đó đã giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn, yêu nghề hơn và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Vào đúng giao thừa tết Đinh Dậu 2017 (tức 0 giờ, ngày 28.1), đã có 4 em bé trai cùng chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Đó là một bé trai nặng 3,7 kg; một bé trai nặng 2,95 kg và hai bé trai song sinh nặng lần lượt 2,6 và 2,3 kg.

tin liên quan

Đừng để trẻ phải vào bệnh viện 'ăn tết'
Số lượng trẻ phải vào bệnh viện cấp cứu vì tai nạn sinh hoạt xảy ra trong ngày tết hằng năm đều gia tăng. Bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần chú ý tránh những tai nạn thường xảy ra với trẻ trong những ngày tết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.