Bác sĩ ơi: Làm thế nào để không bị giảm trí nhớ sau sinh?

14/02/2017 15:02 GMT+7

Quên trước quên sau là chuyện thường ngày hầu như phụ nữ nào cũng gặp phải sau sinh. Bác sĩ cho biết thực hư về triệu chứng này và cách hạn chế.

Quên trước quên sau là chuyện thường ngày hầu như phụ nữ nào cũng gặp phải sau sinh. Đi chợ quên đồ, quên tiền thối; nấu ăn quên tắt bếp;… khiến các bà mẹ lo lắng.
Bác sĩ Lê Tiểu My, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM), cho biết: Giảm trí nhớ sau sinh là triệu chứng đều gặp ở phụ nữ. Trên tạp chí Nature Neuroscience, có một nghiên cứu về “Giảm thể tích chất xám khi mang thai”, được tiến hành ở Barcelona (Tây Ban nha). Khi so sánh thể tích chất xám thì nhóm làm mẹ có hiện tượng giảm thể tích chất xám nhưng sự thay đổi này của cơ thể nhằm thích ứng với vai trò làm mẹ, giúp mẹ trở nên nhạy cảm với nhu cầu và sự an toàn của em bé.
Khi mang thai, người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết, tim mạch, hô hấp và cả thể tích chất xám. Mọi sự thay đổi này nhằm bảo vệ, nuôi sống và giúp thai nhi phát triển hoàn thiện.
Về chứng giảm trí nhớ, hay quên sau sinh, bác sĩ My cho biết có nhiều nguyên nhân do: thiếu ngủ, căng thẳng, sự mệt mỏi khi chăm sóc trẻ và sự thay đổi nội tiết tố sau sinh.
“Em bé xuất hiện làm rối tung mọi sinh hoạt, giờ giấc, làm thay đổi những thói quen sinh hoạt của người mẹ. Chưa kể, khi sinh con, người phụ nữ phải hoãn lại những ước mơ, kế hoạch và thú vui cá nhân. Những điều này cũng tác động đến tâm lý của người phụ nữ sau sinh và gây căng thẳng, giảm trí nhớ”, bác sĩ My phân tích thêm về mặt tâm lý.
Để hạn chế chứng hay quên sau sinh, bác sĩ My khuyên người mẹ nên:
- Ăn những thực phẩm có lợi cho trí nhớ như: trứng, rau xanh, thực phẩm giàu chất sắt, omega 3, omega 6…
- Tranh thủ ngủ khi em bé ngủ; tinh giảm bớt việc nhà (dọn dẹp, giặt giũ), kêu gọi sự giúp đỡ từ chồng, người thân.
Mẹ nên tranh thủ ngủ, nghỉ ngơi khi em bé ngủ để lại sức là một cách hạn chế chứng hay quên sau sinh Shutterstock
- Tập trung việc đang làm, cố gắng hoàn thành xong từng việc một.
- Sắp xếp vật dụng ở một nơi cố định như chìa khóa, điện thoại, thẻ tín dụng…
- Tập thể dục, thư giãn, nghe nhạc…
- Lập danh sách: Danh sách việc làm trong ngày, danh sách các việc hay cuộc hẹn quan trọng, danh sách những thứ cần mua khi đi siêu thị…
Người mẹ nên cố gắng duy trì những hoạt động thường nhật theo trật tự nhất định. Giao cho người chăm sóc trẻ hay ba em bé một số việc cố định như ngày kiểm tra sức khỏe, tiêm ngừa cho trẻ…
Đặc biệt, “hiện nay, có rất nhiều sách hay dành cho những người sắp làm bố mẹ. Những kiến thức này bạn cứ đọc dần, chuẩn bị trước khi mang thai. Khi có một số kiến thức cơ bản, chắc chắn bạn sẽ giảm áp lực phần nào”, bác sĩ My hướng dẫn thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.