10 căn bệnh kỳ quặc nhất thế giới

26/11/2016 13:18 GMT+7

Ung thư, cảm lạnh, nhiễm HIV, sốt rét, bệnh suyễn… hầu như ai cũng biết, nhưng cũng có một số điều kiện sức khỏe mà ngay cả tên gọi cũng có thể khiến bạn ngạc nhiên. Đó gồm những bệnh gì?

Argyria
Theo Healthguidance, Argyria là một bệnh về da rất hiếm gặp và chỉ ảnh hưởng một vài người trên thế giới. Argyria hay còn gọi là bệnh da xanh, da đổi màu do tiếp xúc với một số loại thuốc và hóa chất như thuốc gây tê benzocaine và xylocaine. Một số người có làn da màu xanh cũng có thể do ngộ độc muối bạc hay còn gọi là argyria.
Lịch sử từng ghi nhận trường hợp của Paul Karason, một người đàn ông Mỹ bị bệnh Argyria. Căn bệnh của ông xuất phát do ông đã uống quá nhiều keo bạc - một loại chất lỏng có những phân tử bạc, để chống lại bệnh viêm da trên khuôn mặt. Tuy nhiên, keo bạc đã không chữa được bệnh cho ông. Sau đó, ông đã giảm đáng kể lượng keo bạc nhưng làn da ông vẫn có màu xanh như cũ do chất này đã tồn tại trong cơ thể rất lâu.
Bệnh giun chỉ bạch huyết
Bệnh giun chỉ bạch huyết hay còn gọi bệnh phù chân voi do ấu trùng filarial lan truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt. Bệnh khiến các bộ phận của cơ thể như chân, tay hay bộ phận sinh dục bị sưng to quá mức, đặc biệt bệnh thường khiến chân sưng to như chân voi.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2013, có gần 1,4 tỉ người ở 73 quốc gia trên toàn cầu có nguy cơ nhiễm giun chỉ bạch huyết và có hơn 120 triệu người đang nhiễm bệnh, trong đó có 40 triệu người bị biến dạng do bệnh gây ra. Nguyên nhân là do giun chỉ bạch huyết làm cho hệ thống bạch huyết thay đổi và mở rộng bất thường gây ra đau đớn và tàn tật nghiêm trọng.

Hội chứng Stockholm
Hội chứng Stockholm không phải là một bệnh lý mà là một tình trạng tâm lý. Ở đó, cá nhân có một phản ứng tâm lý không bình thường khi bị giữ làm con tin. Người bị bắt cóc sau một thời gian bỗng chuyển từ sợ hãi và căm ghét thành thông cảm, yêu mến chính kẻ đã bắt cóc mình, thậm chí có thể tới mức bảo vệ kẻ bắt cóc.
Hội chứng Stendhal
Hội chứng Stendhal dùng để mô tả những người bị căng thẳng thần kinh, tim đập nhanh, chóng mặt, hoa mặt, lo lắng thậm chí xuất hiện ảo giác khi đứng trước những kiệt tác quá giá trị hay đồ sộ. Thậm chí, có bệnh nhân còn cảm thấy choáng ngợp khi đối diện với vẻ đẹp kỳ vĩ của thế giới tự nhiên.

Hội chứng Progeria
Progeria được gây ra bởi một đột biến gien lạ thường khiến một đứa trẻ già đi với tốc độ khủng khiếp. Trung bình, cứ 8 triệu trẻ em ra đời trên thế giới thì có một em gặp phải căn bệnh quái ác này. Khi mới sinh, trẻ bị hội chứng progeria có ngoại hình bình thường như các em khác. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm, tốc độ lớn của chúng chậm lại và các em mau chóng thấp hơn cũng như nhẹ cân hơn các bé khác cùng tuổi. Mặc dù có trí thông minh bình thường, các em bị bệnh này sẽ phát triển ngoại hình đặc trưng với cái đầu hói, bộ da nhăn nheo, một cái mũi dúm dó, một khuôn mặt nhỏ thó và bộ hàm tương đương kích cỡ đầu. Chúng cũng thường gặp phải các triệu chứng thường chỉ có ở người già: cứng khớp, trật hông và nghiêm trọng hơn là bệnh tim mạch.
Hội chứng người sói
Tất cả chúng ta đều có một số lông nhất định trên cơ thể. Nhưng có một số người mắc hội chứng người sói khiến họ có nhiều lông hơn bình thường. Đây là một hội chứng rất hiếm gặp với chỉ khoảng 50 trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới kể từ thời Trung cổ.
Hội chứng này khiến cho người bệnh mang gánh nặng cảm xúc nặng nề khi có bề ngoài khác người bình thường.

Hội chứng Paris
Hội chứng Paris do bác sĩ tâm thần người Nhật - ông Hiroaki Ota làm việc ở Pháp phát hiện lần đầu tiên vào khoảng 20 năm trước. Trung bình mỗi năm, khoảng 12 du khách người Nhật trở thành nạn nhân của hội chứng này. Chủ yếu họ là phụ nữ trên 30 tuổi.
Theo mô tả, hội chứng Paris chỉ xảy ra với những người Nhật sau khi đến thăm thành phố này, với những biểu hiện đặc trưng như ảo giác, lo lắng, mất tập trung, tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi... Điều may mắn là những cơn tâm thần ấy chỉ cấp tính chứ không kéo dài dai dẳng. Sau một vài lần “lên cơn”, chúng sẽ tự biến mất và người mắc phải sẽ hoàn toàn bình thường trở lại.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này là do họ thất vọng và sốc nặng vì đã kỳ vọng quá nhiều khi lần đầu tiên du lịch đến Paris.
Hội chứng Pica
Hội chứng Pica là chứng bệnh mà những người mắc phải luôn thèm ăn những thứ không phải là thức ăn mà không thể cưỡng lại được. Bệnh Pica có nhiều loại bệnh con với mức độ kỳ quặc hoặc nguy hiểm khác nhau. Người mắc bệnh Pica có thể ăn được những thứ phi thực phẩm như bụi bẩn, giấy, than đá, phấn, đất, hồ dán, kim loại...
Các nghiên cứu về hội chứng Pica cho thấy bệnh lý này có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau, không phân biệt giới tính và dễ nhận thấy nhất là ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai (giai đoạn bị nghén), trẻ nhỏ và ở những người mất khả năng nhận thức (dạng tâm thần).

tin liên quan

Minh oan cho… lão hóa
Nhiều người thường cho rằng lão hóa chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt vấn đề cho sức khỏe, nhưng thật ra đâu phải cái gì cũng đổ lỗi cho lão hóa.
 

Viêm da Blaschko
Đây là loại bệnh cực hiếm do đột biến gien khiến các sắc tố trên da thay đổi, với biểu hiện là những đường cong trên da. Nói một cách cụ thể trên da người bệnh xuất hiện những viền sọc không hề nối với hệ thần kinh, cơ bắp hay huyết mạch. Những đường viền này có hình chữ V trên lưng và chữ S trên cổ, bụng và các phần bên dưới cơ thể.
Hội chứng Cotard
Hội chứng Cotard hay còn gọi là hội chứng xác chết biết đi được phát hiện và đặt theo tên nhà thần kinh học Pháp Jules Cotard. Đây là một dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp, trong đó người bệnh có cảm giác như mình đã chết, cơ thể thối rửa, không còn nội tạng hay các bộ phận cơ thể.
Theo giới y khoa, hội chứng Cotard là một dạng cực đoan của chứng trầm uất và nó cũng được coi là hậu quả phụ của các dạng rối loạn tâm thần, và có thể đi kèm với chứng mất trí nhớ, cũng như những trục trặc ở não bộ.

tin liên quan

4 thói quen đơn giản giúp bạn ngừa ung thư
Nghiên cứu cho thấy di truyền, tiếp xúc với môi trường, hút thuốc lá, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống là những nguyên nhân có thể gây bệnh ung thư. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.