Sư thầy và hàng chục đứa trẻ sơ sinh bị bỏ trong bao rác

18/08/2016 09:48 GMT+7

Anh Huỳnh Văn Quang nghe tiếng khóc phát ra từ bao rác trước cửa, chạy lại mở túi nilon thì hốt hoảng phát hiện một cặp sơ sinh còn nguyên dây rốn, nhau thai trên người. Cặp song sinh này bị mẹ ruột bỏ rơi ngay sau khi sinh.

Cặp song sinh bị bỏ rơi
Làng Tre thuộc vùng quê nghèo ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. 
Khoảng 18 giờ một ngày cuối tháng 7.2016, anh Huỳnh Văn Quang nghe tiếng khóc phát ra từ bao rác trước cửa trung tâm. Anh chạy lại mở túi nilon mới hốt hoảng phát hiện một cặp sơ sinh còn nguyên dây rốn, nhau thai trên người.
Những điều dưỡng lâu năm cho biết cặp song sinh này bị mẹ ruột bỏ rơi ngay sau khi sinh. May mắn được anh Quang phát hiện sớm nên hai bé vẫn khỏe mạnh, không bị côn trùng cắn.
Đây là một trong hàng trăm trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại trung tâm này. Các bé bị bỏ rơi thường là trẻ sơ sinh hoặc nhỏ hơn 1 tuổi. Các em không biết cha mẹ mình là ai, đến từ đâu và cũng chưa có trường hợp nào cha mẹ em quay lại nhận.
Những đứa trẻ cứ thế lớn lên trong tình thương của sư thầy Thích Chiếu Bồn và các điều dưỡng tình nguyện tại trung tâm này.
VIDEO: Những em bé bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng
Những ngày đầu thành lập trung tâm năm 2007, nhiều khó khăn chồng chất các em bé bị bỏ rơi cũng tăng lên, vì không có sữa mẹ các bé phải uống sữa hộp, có hôm hết sữa các em phải uống cả nước cơm.
“Thương dữ lắm, chúng nó bị bỏ rơi tại bụi tre, bụi trúc. Chúng được bọc trong túi bóng, dây rốn còn nguyên người đỏ hỏn thấy tội nghiệp lắm. Có đứa không may phát hiện muộn là nó nằm ngoài mưa người bầm xanh bầm tím, côn trùng cắn đầy người…” bà Nguyễn Thị Thắng tình nguyện viên lâu năm tại trung tâm xúc động kể lại.
Cũng theo anh Huỳnh Văn Quang, bệnh nhân khuyết tật tại trung tâm cho biết, các em bị bỏ rơi lớn nhất đã 16 tuổi, nhỏ nhất là vài ngày tuổi. “Sau khi được nuôi lớn đến tuổi đi học thì sư thầy xin các trường địa phương cho vào học, nếu bị khuyết tật hay bại não thì sẽ cố gằng rèn luyện sức khỏe sau đó sẽ cho học nghề tại trung tâm” anh Quang cho biết.
Những em bé bị bỏ rơi ngay khi vừa mới ra đời và bị mẹ ruột bọc trong túi nilon đặt trước cửa trung tâm
Không chỉ có những phận đời bị bỏ rơi tại trung tâm cũng có nhiều trường hợp vừa mồ côi vừa bị bệnh. Nguyễn Thái Sơn năm nay đã 20 tuổi nhưng căn bệnh bại não đã khiến em không thể nói chuyện, việc đi lại cũng khó khăn.
Sơn vào trung tâm đã hơn 7 năm từ khi cha mẹ em mất trong một tai nạn. Tuy bị bệnh nhưng những hình ảnh chôn cất cha mẹ em vẫn còn nhớ như in. Không nói được em dùng bàn tay co quắt bập xuống đất rồi miêu tả cảnh chôn cha mẹ mình. Khi hỏi em còn người thân không? Sơn chỉ vào căn phòng có những người bạn bị bệnh như em và nói ú ớ.
Ông Bùi Tấn Phát, tình nguyện viên chăm sóc Sơn chia sẻ: “Cha mẹ chết, người thân không ai nuôi nên Sơn mới vào đây. Ở đây không chỉ có Sơn mà còn hàng chúc đứa như nó còn nằm trong nhà kia. Đứa tự xúc ăn được thì đỡ, nhiều đứa nằm liệt giường thì một tình nguyện viên như chúng tôi phải chăm 6 đứa/1 ngày”.
Vất vả là thế nhưng vì tình thương mọi người ở đây ai cũng xem những đứa trẻ này như con cháu. Những đứa trẻ cũng ríu rít bên các tình nguyện viên, ai ai chúng cũng gọi là ba, là má. Nhìn thấy người lạ, những đứa bè chừng 3, 4 tuổi chạy ùa ra rồi đứng nép bên cột cười tíu tít. Nụ cười hồn nhiên làm xé lòng những ai đến thăm.
Sơn là trường hợp vừa mồ côi vừa khuyết tật
Những búp măng vươn lên
Không chỉ có những em bé bị bỏ rơi, hiện tại trung tâm nhân đạo Làng Tre còn nhận nuôi hơn 20 người khuyết tật. Nhưng không vì những khuyết tật trên cơ thể mà họ bi quan với cuộc sống.
Anh Huỳnh Văn Quang sinh ra đã bị teo chân do nhiễm chất độc màu da cam từ người cha, có thời gian anh không dám nghĩ mình có thể đi lại được nhưng từ ngày cha mất, anh quyết tâm phải tự nuôi sống bản thân. Anh chập chững tập đi với cây nạng, sau nhiều năm anh đã có thể đi lại, tuy không thể đi vững vàng như người thường song được đứng lên trên chính đôi chân của mình đã khiến anh có động lực hơn vào cuộc sống.
“Tôi vào trung tâm từ khi trung tâm mới thành lập, lúc đầu tôi cũng rất tự ti về bản thân mình lắm, nhưng được mọi người động viên giúp tôi nhanh chóng hòa đồng. Tự biết sức khỏe mình yếu nên tôi học làm các chuỗi hạt. Làm quen rồi nên giờ nhìn con gì tôi cũng làm được hết, tôi cũng có thể chỉ các bạn khiếm thị hay khuyết tật khác làm đồ thủ công này” anh Quang hào hứng kể.
Tuy khuyết tật nhưng họ vẫn luôn hăng say lao động, vượt lên số phận
Không những làm đồ thủ công mà trung tâm cũng có xưởng gỗ để những người khuyết tật nhẹ có thể lao động được. Tuy những sản phẩm của họ làm ra không nhiều nhưng phần nào giúp cho họ cảm thấy mình còn có ích cho đời.
“Những sản phẩm thủ công từ chuỗi hạt thường bán rất chậm, chỉ có những đồ thủ công từ gỗ, nội thất thì may mắn có nơi đặt nên cũng có việc cho các em làm. Những sản phẩm bán này hầu như không thể đủ chi phí để nuôi các em tại trung tâm mà chủ yếu nguồn chu cấp vẫn thuộc về các nhà hảo tâm. Nhưng thấy các em hăng say tôi vẫn luôn khuyên khích các em làm” sư thầy Thích Chiếu Bổn, người thành lập trung tâm cho hay.
Ánh nắng buổi chiều dần buông xuống, những đứa trẻ bắt đầu đi học về, chúng lại ríu rít vây quanh những người ba, người mẹ ở trung tâm kể cho họ nghe vô vàn những điều thú vị chúng gặp ở trường. Bất hạnh sẽ là những từ ngữ chúng được học trong sách vở vì hiện tại chúng được sống trong tình yêu thương của đại gia đình Làng Tre.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.