Sự sống có thể ẩn náu ở các 'thế giới nước'

26/04/2017 20:53 GMT+7

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ công bố chứng cứ mới cho thấy nơi có thể dễ dàng tìm được sự sống tại mặt trăng của sao Mộc và sao Thổ.

Kết luận trên đã được rút ra từ hai sứ mệnh khác nhau đang được triển khai ở mặt trăng Europa của sao Mộc và mặt trăng Enceladus của sao Thổ. Nếu xét về khía cạnh có thể dung dưỡng sự sống, Enceladus đặc biệt mang theo hầu hết các thành phần chủ chốt nhất cho phép sự sống sinh sôi, theo Đài CNN dẫn lời các chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gần đây.

tin liên quan

Tìm thấy 4 hành tinh hệ mặt trời trong 48 giờ
ABC News ngày 8.4 đưa tin các nhà khoa học Úc đã tìm ra 4 hành tinh mới trong hệ mặt trời từ dự án khoa học mang tính quần chúng Zooniverse, được phát sóng trong chương trình Stargazing Live của Đài ABC.
Tiêu điểm Enceladus
Nhờ vào quang phổ kế khổng lồ trên tàu, phi thuyền Cassini có thể quan sát được hiện tượng những cột hơi nước phun ra từ bề mặt băng giá của Enceladus, trong đó có một lượng đáng kể khí hydro. Giới khoa học lâu nay luôn cho rằng hydro là một thành phần không thể thiếu được để hỗ trợ sự sống, trong khi các thành phần khác là carbon, nitơ, ô xy, phốt pho và lưu huỳnh trong môi trường tồn tại nước dưới dạng lỏng và tất nhiên phải có nguồn năng lượng. Mặt trăng lớn thứ 6 của sao Mộc là một thế giới bị phong kín hoàn toàn bởi bề mặt băng giá, nên theo suy luận của phía NASA, khí hydro có thể xuất phát từ phản ứng thủy nhiệt ở khu vực giữa đại dương và lõi rắn của thiên thể. Nếu thực sự là như thế, khí mê tan quan trọng cũng có thể được hình thành bên trong lòng biển ở “thế giới băng giá” này.
“Giờ đây, Enceladus nằm ở vị trí cao trong danh sách những thiên thể hội tụ điều kiện cho sự sống sinh sôi ở hệ mặt trời”, theo tờ The Washington Post dẫn lời Hunter Waite, tác giả cuộc nghiên cứu về mặt trăng của sao Thổ thuộc Viện Nghiên cứu Southwest ở San Antonio. Ông cho biết sự hiện diện của hydro cung cấp thêm một manh mối cho thấy có phản ứng thủy nhiệt ở thiên thể này. Đây thực sự là phát hiện hết sức thú vị vì giới khoa học biết được trong lòng các đại dương của địa cầu có những địa điểm diễn ra phản ứng tương tự và vô cùng dồi dào sự sống, hay có thể nói những sự sống sơ khai nhất của trái đất đã sinh ra từ đây, và điều này cũng có thể lập lại trong trường hợp Enceladus.
Cơ hội tốt nhất
Bên cạnh đó, kính viễn vọng không gian Hubble cũng cho thấy một cột hơi nước phun ra từ phần ấm nhất của bề mặt Europa, một trong những mặt trăng của sao Mộc với lớp vỏ ngoài bằng băng bao phủ đại dương lỏng đầy muối, chứa khối lượng nước gấp đôi các đại dương ở địa cầu.
Europa và Enceladus đang thể hiện một số thành tố quan trọng nhất cho phép sự sống phát triển trong các đại dương của mình, đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu cho rằng hai thiên thể này là cơ hội mạnh nhất nếu muốn tìm kiếm sự sống ngoài địa cầu. Trong thời gian tới, NASA tiếp tục lên kế hoạch đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu các “thế giới nước” trong hệ mặt trời, trong đó có Europa Clipper là sứ mệnh đầu tiên thám hiểm một đại dương ngoài trái đất. Dự kiến, Europa Clipper sẽ được phóng lên vào thập niên 2020 và đến mục tiêu Europa sau vài năm. Về phần tàu du hành Cassini, dự kiến phi thuyền phóng từ năm 2004 đang tiến đến giai đoạn cuối cùng của sự tồn tại, trước khi đâm vào bề mặt sao Hỏa trong vài tháng nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.