Sử dụng thiết bị sưởi đúng cách

11/01/2013 15:10 GMT+7

Máy sưởi dầu, đèn sưởi halogen, đèn sưởi nhà tắm, chăn điện, đệm điện… đang phát huy tác dụng trong những ngày giá rét, nhưng khi sử dụng các thiết bị này cần chú ý để đảm bảo an toàn, và tiết kiệm điện.

Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh mang chiếc máy sưởi dầu hiệu Coex ra cắm điện để làm ấm phòng trước khi đón cháu nội 3 tháng tuổi từ Hà Nội về. Nhưng chưa đầy 10 phút sau, mùi khét bốc ra, bà vội vàng rút phích điện nhưng chiếc máy đã cháy đen phía dưới. Hóa ra bà đã đặt ngược máy sưởi.

Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ cơ sở sửa chữa đồ điện Minh Tiến ở đường Trường Chinh, Hà Nội phân tích: “Máy sưởi dầu dùng thanh nhiệt đốt nóng dầu ở trong các ống nên không phát sáng, hạn chế tình trạng khô da. Tuy nhiên, khi sử dụng cần để đúng chiều, vì nếu đặt ngược, thanh nhiệt bị đốt nóng nhưng không ngập trong dầu nên sẽ bị cháy, nếu thay thế sẽ mất 700.000 đồng, gần bằng giá một máy sưởi mới”.

Theo anh Tiến, khi dùng máy sưởi dầu nhiều người thường đặt quần áo lên các tấm phát nhiệt để hong khô, nhưng cần tránh phủ quần áo lên vị trí có bộ điều khiền, nơi in dòng chữ “Do not cover” vì ở đó có các vi mạch, có lỗ thoát nhiệt nên dễ bị chập, cháy.

Máy sưởi dầu cần được đặt đúng chiều - Ảnh: Thiên Bình
Máy sưởi dầu cần được đặt đúng chiều - Ảnh: Thiên Bình

Đèn sưởi nhà tắm cũng đang được nhiều gia đình lựa chọn. Thông thường các nhà tắm đều được lắp bình nóng lạnh, công suất từ 2.000-2.500 W. Đèn sưởi công suất từ 750-1.200 W cũng thường được đấu vào hệ thống điện ở nhà tắm, nếu dùng cả hai thiết bị này cùng lúc, mức tiêu thụ điện năng sẽ lên rất cao, dễ gây quá tải cho dây dẫn. Do đó, người sử dụng cần lưu ý bật bình nóng lạnh trước 10-15 phút cho đủ nóng, tắt bình trước khi tắm rồi bật đèn sưởi trong lúc tắm. Như vậy, vừa an toàn không sợ hở điện ở bình nóng lạnh theo nước, vừa giảm công suất điện năng tiêu thụ trong cùng một thời điểm.

Ngoài ra, cần tránh để ổ cắm điện ngay trong phòng tắm mà chuyển ra ngoài vì khi hơi nước bốc lên khắp phòng tắm, có thể gây nguy cơ nhiễm điện từ ổ cắm, làm người tắm bị điện giật.

Chiếc đệm điện cũng đang là vật dụng được yêu thích vì nó mang lại sự ấm áp cho giấc ngủ mà lượng điện tiêu hao lại rất thấp so với điều hòa hay máy sưởi (công suất chỉ 90-120 W). Điều cần lưu ý khi dùng chăn, đệm điện là không nên bật công suất tối đa. Ban đầu có thể bật số lớn nhất nhưng sau khoảng nửa giờ cần đưa về mức trung bình, bởi nhiệt độ chăn điện khi bật tối đa có thể lên tới 60 độ C, thậm chí cao hơn và không tốt cho sức khỏe, nếu có trẻ con có thể bỏng nhẹ, rát da.

Khi không sử dụng thời gian dài, cần bọc chăn, đệm điện trong túi nilon kín, sau 3-4 tháng cần bỏ ra cắm điện trong vài giờ để sấy khô, tránh nấm mốc, ẩm ở các vi mạch. Một số chủ cửa hàng bán chăn, đệm điện cam kết vật dụng này có thể làm sạch bằng cách giặt khô, thậm chí giặt ướt trong máy giặt. Tuy nhiên, khi cho vào máy giặt các mạch sẽ bị gấp, ướt… sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, độ an toàn của thiết bị. Do đó, cần mua một chiếc vỏ bằng vải conton cho chăn, đệm điện, chỉ cần để lại một ô trống nhỏ ở vị trí tiếp xúc cắm điện, như vậy vừa dễ làm sạch vừa tạo cảm giác dễ chịu cho người sử dung.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.