Sự đổi mới của doanh nghiệp trong ma trận những vấn đề bức thiết toàn cầu

09/11/2020 12:30 GMT+7

Trong những năm gần đây, nhân loại đã chứng kiến hậu quả của sự biến đổi khí hậu, cũng như bệnh tật diễn ra khắp nơi trên toàn cầu mà đại dịch Covid-19 là một ví dụ.

Để ứng phó với thay đổi này và phát triển bền vững thì việc đầu tư vào hệ thống y tế, cải thiện sức khỏe, giảm thiểu gánh nặng toàn cầu là một trong những điều cấp thiết. Trong bối cảnh đó, vai trò của khoa học và những phát kiến đổi mới mà mục tiêu cốt lõi là giải quyết thực trạng toàn cầu, chính là hướng đi mà xã hội đang quan tâm và chờ đợi.
Báo cáo của Tổ chức Liên hiệp quốc (United Nation) phát hành vào tháng 6.2020 nhấn mạnh, các doanh nghiệp không thể hoạt động tách biệt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ngày càng có nhiều công ty hoạt động phụ thuộc hơn vào xã hội và trong cơ chế này chính xã hội sẽ đóng vai trò “cấp giấy phép”. Mặt khác, để phát triển bền vững, chính sách từ các cơ quan hữu quan là đòn bẩy mạnh mẽ nhất. Khi nhà nước ban hành và duy trì khung luật pháp, tự doanh nghiệp và người dân sẽ biết mình được hoặc không được phép làm điều gì, để từ đó chính họ sẽ là người giúp giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, một số nước còn quá thận trọng hoặc chọn đường hướng dè dặt, trì hoãn thay cho việc cởi mở nghiên cứu, đối chiếu, so sánh để đưa ra những chính sách phù hợp với lợi ích chung của quốc gia. Điều này dẫn đến việc họ tụt hậu so với mặt bằng chung của thế giới nhất là với những lĩnh vực quan trọng mà người đi sau thường không nắm lợi thế.
Chính vì thế, đã có nhiều công ty toàn cầu hàng đầu bắt đầu mạnh tay đầu tư vào khoa học để đáp ứng nguyện vọng tiến bộ của xã hội. Họ tự đặt ra thử thách cho bản thân ngay cả khi pháp luật chưa có khung quy định, hoặc có yêu cầu bắt buộc từ phía chính phủ các nước sở tại. Đã có một số tập đoàn toàn cầu tự cải tiến sản phẩm hướng tới bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải công nghệ. Thậm chí, trong lĩnh vực thuốc lá, Tập đoàn Philip Morris International (PMI) đã “thoát kén” chuyển đổi dần diện mạo ngành hàng từ hướng “bị xã hội kỳ thị” sang hướng “dần được đón nhận”.
Nhiều sản phẩm giảm thiểu tác hại đã đến với người hút thuốc lá trưởng thành trong suốt hơn một thập kỷ nay. Bên cạnh đó, cũng trong lộ trình đóng góp vào mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, PMI cũng đã đánh dấu sự hiện diện của mình trong lĩnh vực nghiên cứu y học thông qua hình thức sở hữu 1/3 cổ phần của công ty Medicago. Công ty này (Medicago) đã nghiên cứu ra vắc xin kháng Covid-19 có nguồn gốc thực vật và dự kiến sẽ cung ứng 76 triệu liều sau khi đạt được thỏa thuận với hai cơ quan chính phủ là Cơ quan Các dịch vụ công cộng và Mua sắm Canada (PSPC), Canada. Đến nay, Mediago đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 trên các tình nguyện viên vào tháng 7 và dự kiến tiến hành các thử nghiệm giai đoạn 2 vào tháng 11, sau đó một tháng sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn 3.
Sự kiện đã được gây sự chú ý không chỉ vì hiệu suất sản xuất vắc xin tăng gấp 4 lần so với phương pháp sản xuất truyền thống. Điều gây ngạc nhiên là đối tượng tham gia đóng góp vào quá trình giải quyết gánh nặng về sức khỏe cộng đồng chính là một công ty thuốc lá đã có bề dầy lịch sử tham gia hàng trăm cuộc tranh luận về niềm tin vào khả năng có thể “loại dần thuốc lá điếu trong xã hội”.
Bên cạnh PMI, nhiều công ty khác cũng xem việc giảm thiểu tác hại là trong những chiến lược phát triển bền vững. Ford đặt mục tiêu giảm thiểu 30% lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất mỗi chiếc xe hơi tính đến năm 2025, nhưng Ford đã hoàn thành mục tiêu vào năm 2018, nhanh gấp hai lần so với dự kiến. Hay như tại Việt Nam, tập đoàn ADM lắp đặt lò hơi sinh khối tại tất cả 5 nhà máy cả nước, sử dụng nguyên liệu vỏ trấu để sản xuất nhiệt và năng lượng, đồng thời xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà máy Đồng Tháp.
Thực tế cho thấy, sự tiến bộ của xã hội loài người luôn khởi nguồn từ việc giải quyết một vấn đề cũ bằng một phương pháp mới. Việc đưa ra phát kiến nhằm hướng đến mục tiêu chung, giải quyết gánh nặng toàn cầu không còn là việc riêng của các tổ chức quốc tế được chính phủ các nước bầu chọn, hay được dẫn dắt đơn lẻ bởi một Tổ chức Y tế quốc tế. Cụ thể hơn, xã hội đều nhìn thấy trong những năm gần đây các vấn đề mang tính toàn cầu hóa đã chuyển sang bối cảnh thúc đẩy đối thoại và hợp tác hơn là “chỉ trích”. Trong bối cảnh đó, vai trò của doanh nghiệp, tư nhân trong bức tranh toàn cầu hóa đã khởi sắc. Giờ đây, LHQ đã mở cửa cho hoạt động kinh doanh và các mối quan hệ đối tác bùng nổ trên toàn hệ thống. Sự đổi mới trong tư duy và hành động này đánh dấu một thời kỳ đối thoại sẽ được diễn ra, trách nhiệm giải quyết gánh nặng toàn cầu đang được chia sẻ chung và chính những đổi mới từ khoa học, tầm nhìn phát triển bền vững bên cạnh triết lý kinh doanh của doanh nghiệp là một yếu tố tối quan trọng, bất kể xuất thân của doanh nghiệp đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.