Sống 'nhờ' người chết - Kỳ 2: Người trần gian làm nghề ‘âm phủ’

25/05/2018 09:32 GMT+7

Tục lệ cải táng của người Việt sinh ra một cái nghề rợn người: bốc mộ. Họ là những con người sống ở trần gian nhưng làm ‘nghề âm phủ’

Cải táng là một tục lệ lâu đời của người Việt, trong nhiều tài liệu cho rằng xuất phát từ thời Bắc thuộc. Việc làm này thể hiện cái tâm của con cháu, người thân đối với người đã khuất, cho họ một “ngôi nhà mới” chắc chắn và tốt đẹp hơn. Từ đó cũng mong cầu linh hồn người mất có thể phù hộ cho gia đình được bình an trong cuộc sống.

Tục lệ đó sinh ra một cái nghề nghe qua thấy rợn người: bốc mộ. Những người bốc mộ vẫn thường tự gọi công việc của họ là “nghề cuối cùng của mọi nghề”, tức khi không còn làm được nghề nào nữa thì mới phải chọn cái nghề ấy. Nhưng lạ lùng thay, càng chạm tay vào xác người, xương cốt, họ lại càng không thể dứt bỏ công việc “lạnh sống lưng”.
Hỏi bất kì phu bốc mộ nào, cũng nghe họ bám nghề đã chục năm, thậm chí là cả cuộc đời. Họ cho rằng, đó còn là cái nghiệp - cái nghiệp của những con người ở trần gian nhưng làm “nghề âm phủ”.
Người trần gian làm 'nghề âm phủ'
Đến xã Mỹ Hạnh Nam (Đức Hòa - Long An) hỏi ông “Huệ bốc cốt”, tên đầy đủ là Võ Văn Huệ (56 tuổi) thì không ai không biết. Người đàn ông mang nước da ngăm đen, dáng đi bệ vệ, giọng nói ồm ồm này đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề bốc mộ.
Ông Huệ kể, năm mười mấy tuổi, ông đã theo chủ một trại hòm làm công việc cưa cây đóng quan tài. Dần dà, như những anh em khác trong trại, ông chuyển sang làm mai táng, tiếp xúc với xác người như cơm bữa. Tính ông “hồi nào giờ lại chẳng biết sợ là gì”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một cơ sở mai táng 3 đời ở Q.12, TP.HCM, vẫn còn nhớ như in những câu chuyện bốc mộ rợn người mà ông từng làm giai đoạn còn chiến tranh Ảnh: Phạm Hữu

Được khoảng chục năm, ông Huệ tình cờ gặp một “thầy tổ” chuyên nghề bốc mộ, chỉ dạy thêm về công việc này. “Ban đầu chỉ định làm thêm kiếm cơm, cũng liên quan việc mình đang làm. Vậy mà càng làm, tôi lại càng không bỏ được”, ông tâm sự.
Theo ông, nghề này không khó cũng không dễ, nhưng phải có người chỉ dạy thì mới làm được. Công cụ chỉ cần cái xà beng, cuốc xẻng xúc đất,… cùng với sự chịu khó chú ý, tính gan lì, không nhát tay là có thể bám nghề.
Ông cho biết, các công đoạn bốc mộ cứ làm từ trên xuống dưới: “Việc cúng kiếng và xem giờ sẽ do gia đình thực hiện. Đúng giờ, người thân mang búa ra nhịp vào mả, rồi bàn giao mình. Mình bắt đầu đập ra, sau đó đào đất xuống dần, đụng nắp hòm thì ngưng lại, bắt đầu xử lí kĩ hơn”.

Theo ông Huệ, có nhiều trường hợp phân hủy xác khác nhau, tùy theo địa lý vùng đất chôn cất, có khuôn hòm hay không, gỗ khuôn hòm là loại gì, thi thể có bọc bao ni lông hay không, thậm chí phụ thuộc cả tay nghề người tẩm liệm.
“Trường hợp hòm mới chôn chỉ cần di quan, thì mình lấy cả hòm lên mang đi. Còn nếu là sang quan, mình phải cạy nắp mang xác ra. Nếu có bao và rờ thấy xác còn nguyên thịt, đầu tiên phải đâm lỗ bao chảy nước ra hết, sau đó bọc thêm 1 - 2 lớp bao khác và liệm sang khuôn hòm mới. Với xác chưa rữa hết, phải xoay đứt rời từng bộ phận, tuốt hết thịt da rồi lấy xương ra”, ông Huệ tỉnh rụi kể những công đoạn khiến người nghe bất giác rùng mình.
Theo kinh nghiệm làm nghề của ông Huệ, độ phân hủy vùng đất gò và vùng đất nước sẽ khác nhau: “Đối với đất gò, đất giồng, xác rất mau phân hủy. Còn với vùng đất nước, nước ninh trong hòm, ốp người nên thậm chí 50 - 60 năm, xác vẫn còn nguyên vẹn”.
Ông Võ Văn Huệ có hơn 20 năm trong nghề bốc mộ ở khắp nơi Phạm Hữu

Với những thi thể chôn lâu năm, hòm đã sụp, chỉ còn lại xương cốt lẫn trong bùn đất, ông Huệ phải mò nhặt từng mảnh cốt vụn, phân biệt kĩ càng, vệ sinh sạch sẽ và sắp lại đúng thứ tự. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, hầu hết các xác mới lâu phân hủy vì được ướp thuốc phoocmon khi tẩm liệm.
Trong suốt mấy mươi năm làm nghề, ông Huệ cũng không nhớ mình đã đào xới bao nhiêu ngôi mộ.
Ông chỉ lắc đầu cười: “Ai cũng hỏi tối ngủ có sợ ma không, mà tôi có thấy gì đâu. Cứ ăn cơm no, uống rượu no rồi mần. Mình không nghĩ bậy, không làm bậy là được. Việc của mình cũng là giúp cho họ an nghỉ mà thôi. Ngộ cái, đã ba lần tôi bỏ nghề, chuyển qua làm thợ hồ, rồi bị bệnh suốt phải nghỉ. Khi nhảy sang làm lại nghề hốt cốt, tự dưng hết bệnh đau gì luôn, cả chục năm trân trân như cô hồn sống. Chắc họ cần mình, rồi phù hộ mình, nên thôi cứ làm”.
Rùng rợn chuyện nghề
Ông Nguyễn Văn Hùng (63 tuổi), chủ một cơ sở mai táng 3 đời ở Q.12 (TP.HCM), lại tiết lộ câu chuyện rùng rợn về công việc bốc mộ mà ông cùng anh em trong trại đã từng làm.
Đa phần những người làm nghề mai táng cũng có nghề tai trái là làm bốc mộ Hoài Nhân
“Thời đó, đổ từ Củ Chi, Tây Ninh về, bị chết nhiều lắm. Chôn tập thể làm gì có hòm, dân người ta đào lỗ chôn xuống rồi thôi. Nhiều người kĩ thì nhìn tên trên ngực áo, ghi lại vào giấy, cuộn tròn nhét trong chai đóng nút lại, để trên đầu mả. Khi thân nhân đến tìm thì họ chỉ. Lúc đó anh em chúng tôi đi theo, tới thấy mộ nứt đất, biết là chôn rất nông và thi thể đã bắt đầu sình. Cái đó không được đào, mà dùng cuốc cào ngang từ từ. Tới lúc thấy lớp áo thì ngưng, lấy tay phủi bảng tên, hỏi người nhà xem đúng hay không, nếu chắc chắn mới khơi xác lên. Đã qua 5 - 7 bữa, mùi thối kinh khủng”, ông Hùng nhớ lại.

Ông còn kể thêm về trường hợp tẩm liệm chết hàng loạt trong nhà xác. Theo lời ông Hùng, dưới sàn là một lớp nước vàng chảy ra, bên trên các giường là ruồi xanh, ruồi trâu bâu đen kín. Anh em ông phải mở hết cửa ra, rồi mỗi người vốc một nắm cát, đồng loạt đếm và quăng vào cho ruồi bay lên. Cùng lúc đó một người được phân công chạy vào kéo xác cần tẩm liệm ra.
“Còn có những trường hợp xác chôn ở vùng đất cặp mé sông, khi cần cải táng, chúng tôi đào xuống thì thấy nước ngập lênh láng trong mộ phần. Nếu còn trong bao thì tự xác sẽ trồi lên. Nếu chỉ còn xương, anh em phải lặn xuống mò từng khúc”, ông Hùng trầm ngâm kể về muôn mặt chuyện nghề làm xác.
Nhọc nhằn là vậy, nhưng ngay cả những người dù đã “lão làng” như ông Hùng, ông Huệ vẫn cho rằng cái nghề này “chỉ đủ ăn, tiền cửa trước rồi ra cửa sau”. Hơn nữa, giờ đây, nhu cầu cải táng chỉ nhiều vào các tháng Thanh minh, thời gian còn lại, tất cả những phu bốc mộ đều phải mưu sinh bằng việc khác, thường là tẩm liệm, xây mồ, đóng hòm, hát phá hoàng,… vì họ như nặng “duyên” với người đã khuất.
Vẫn còn một công việc như thế giữa trần gian, họ không làm thì ai?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.