Sống 'nhờ' người chết - Kỳ 1: Tẩm liệm xác, chia ly trần gian cõi này

24/05/2018 13:11 GMT+7

Lo cho người đã mất được tươm tất trước khi hạ quan về thế giới bên kia, đó là cái nghề làm người ta rùng mình khi nghe chuyện tẩm liệm người chết.

“Nhiều khi đang trong bữa cơm, được tin có người mất, giờ tẩn liệm sớm. Vậy là mới chén đầu, cũng phải buông đũa lật đật làm khuôn hòm, đến đám cho kịp. Cái nghề này là vậy, có khi mấy ngày ở không, có khi chạy từ sáng đến tối vẫn không xong. Với lại, rờ đụng người chết riết còn nhiều hơn người sống”, chủ một trại hòm chia sẻ.
VIDEO: Tẩm liệm người chết sạch sẽ để họ ra đi được nhẹ nhàng

Đó cũng là câu chuyện nghề quen thuộc của những người làm công việc ít người làm: tẩm liệm người chết.
'Nhìn riết quen rồi'
Chúng tôi tìm đến một trại hòm vào buổi chiều mưa tầm tã. Cạnh hàng loạt những chiếc quan tài và xe tang nằm ngay ngắn, một nhóm người đàn ông cởi trần đang thản nhiên ngồi với chai rượu, vài miếng cá khô nướng. Họ chuyện trò rôm rả, bình thản như không hề ngồi giữa cái không gian “lạnh sống lưng” kia.
Ông Nguyễn Văn Hùng (63 tuổi), chủ trại hòm, đón chúng tôi và giải thích: "Chiều chiều, anh em tụi nó giết thời gian. Hôm qua chạy đến khuya, còn sáng giờ thì không có đám nào. Cái nghề chúng tôi nó ngược đời đúng như người ta nói, có người chết mới có ăn. Sống là nhờ vào người chết”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một trại hòm, có thâm niên làm nghề mai táng gần hết cuộc đời mình
Ông Hùng là người có thâm niên làm nghề mai táng đã 50 năm, đây là nghề cha truyền con nối của gia đình cũng đã mấy đời. Ông kể, hồi 5 tuổi, ông đã theo cha đi làm đào thài (trẻ em đứng bên quan tài). Sau đó, lớn dần ông làm các việc vặt rút ngựa (miếng kê nằm dưới quan tài), khiêng kiệu thờ, khiêng hòm,… trước khi chạm tay vào tử thi với công việc tẩm liệm.

“Ngày xưa, nhà tôi còn làm xác lính chế độ cũ đem về Biên Hòa. Thân chủ khi có giấy báo lãnh xác, gọi mình đi theo. Tử thi lính thường đặt trong khuôn hòm kẽm, nhận dạng xong mình đem về đây mở bung ra, liệm xác qua hòm mới. Mấy trường hợp đó mới ớn, nhiều xác đâu có nguyên vẹn, lại để lâu ngày. Người vào nghề trễ có thể còn sợ sệt. Chứ tôi sinh ra đã thấy hòm, mấy tuổi đầu đã theo cha đi làm đám khắp nơi. Nên bữa đầu chạm tay vào xác, chỉ thấy lạnh, chứ con mắt nhìn cha chú làm riết đã quen rồi”, ông Hùng kể về lần đầu tiên làm công việc tẩm liệm.
Ông cho biết, công việc bắt đầu khi có tang gia đến báo. Sau khi người ta lựa chọn hòm xong, việc đầu tiên phải làm là trị quan tài (làm cho quan tài kín kẽ).
Khuôn hòm sẽ được trét kín các kẽ gỗ, chỗ hở bằng dầu chai trét ghe, dầu hôi, vôi càng long. Sau đó dùng bột đất quậy hồ cho dẻo, thoa hết khuôn rồi dán giấy xi măng từ trên miệng xuống. Lại tiếp tục thoa hồ và chồng giấy, dán 3 - 4 lớp như vậy. Mục đích là để khuôn hòm chắc chắn và kín hoàn toàn.

Trị quan tài
Làm xác cũng lắm công phu
“Trị hòm phải làm cho kĩ càng, không để không khí ra vào. Xong xuôi sẽ lót bao ni lông kéo miệng lên khoảng nửa hòm. Rải trước vào một lớp tro trấu để hút nước, cũng để sau này cải táng dễ. Vì khuôn hòm có thể rã, nhưng tro trấu 100 năm vẫn còn. Hễ bốc đụng lớp tro là biết cốt đang ở đâu, kế đến là một lớp trà thơm. Khi xưa người ta cuốn kèn bằng rơm lót hoặc ít lá xuân diệp rải vào, nhưng sau này thường dùng trà. Trải thêm một tấm vải là xong công đoạn này”, ông Hùng nói.
Khuôn hòm chờ nhập xác

Hòm sau khi được tráng xong sẽ chuyển đến nhà có tang. Tại đây, công đoạn khâm liệm sẽ do 4 - 5 người thực hiện. Ông Hùng cho biết, đầu tiên thi thể phải được vệ sinh, thay quần áo sạch sẽ và trang điểm nếu người nhà yêu cầu. Sau đó, 3 võng thân sẽ được cột quanh xác để chuẩn bị nhập quan.
“Buộc võng thân cũng là một kĩ thuật của người tẩm liệm. Đối với người già yếu có thể không sao, nhưng đối với người còn đương sức, võng thân không làm kĩ, thời điểm xác trương lên có thể giở nắp. Thậm chí có trường hợp đang cúng thì hòm bật cả nắp lên, vì sức đề kháng của người trẻ rất mạnh”, ông Hùng giải thích.
Sau khi nhập quan và khép miệng bao, người nhà có thể đến bỏ những vật dụng muốn người chết mang theo, thường là mền, quần áo,… Một lớp trà nữa lại được đổ lên trên cùng với giấy tiền vàng bạc. Trên cùng, tấm áo Phật hoặc chiếc mền từng đắp xác sẽ được phủ lên và ém góc thật kín. Đến đây đậy nắm hòm, đóng đĩa, rồi trét chai, bắn keo kín kẽ.
Luồn võng thân
 
Đến giờ chôn cất, những người tẩm liệm sẽ đến bái quan, dọn dẹp đồ cúng, sau đó động quan. Khi chuyển hòm cần đến 14 người nếu khuôn hòm nhỏ, trên 20 người nếu khuôn hòm lớn, phụ trách 4 đế, các đầu đòn, chỉ huy, lót ngựa, cầm lộng, ra đến huyệt thì hạ quan. Công việc đến đây là kết thúc.
Nước mắt vẫn còn rơi
Là những con người tưởng chừng đã rắn rỏi khi ngày ngày “rờ” xác, ấy vậy mà có lần nước mắt họ vẫn rơi trước sinh ly tử biệt.
Ông Lê Văn Tâm (42 tuổi), một người làm nghề tẩn liệm đã 22 năm, xót xa kể: “Làm xác người lớn thì thôi, còn với con nít nhiều lúc không cầm được đâu. Trời ơi… rờ vô da thịt nó còn mềm mại, tay chân thì nhỏ nhắn, tự dưng chạnh lòng. Nghĩ coi 60 năm cuộc đời tụi nó chưa đi được bao nhiêu…”
Đưa thi thể sang phía đầu hòm chuẩn bị nhập quan
Ông Tâm cũng nói, cái nghề này coi vậy mà lắm buồn vui: “Mình giúp người đã khuất được tươm tất, an yên nhắm mắt xuôi tay, tự nhiên lòng mình thanh thản. Nhưng cũng có những cái nhìn ám vào mình, đại khái “thằng đó tối ngày rờ xác”, xong rồi họ ngại tiếp xúc. Mà nói gì thì nói, mình làm cho tốt, không áy náy lương tâm là được. Hơn 20 năm nay, cái nghề này “ăn vào máu” rồi, lại giúp tôi nuôi con cái ăn học. Kêu bỏ, tôi cũng không bao giờ tôi bỏ”.
Đổ những bao trà lên trên cùng
Những người làm nghề tẩm liệm tỉ mẩn trong từng khâu. Với họ, làm việc với người đã khuất luôn phải kĩ càng, bằng cái tâm, cái đức

Còn với ông Hùng, điều làm ông chạnh lòng lại là chuyện “người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh”: “Người già yếu, đi gần hết cuộc đời nó đỡ. Chứ đau nhất là mất đương lúc quá trẻ, để rồi cha mẹ già phải rớt nước mắt thương con…”
Ông nói thêm, thương hơn nữa là con cái người mất còn quá nhỏ, mới lên 8 lên 10. Lúc liệm cha mẹ chúng vô, chúng đứng gào lên. Cái chữ “ba”, chữ “mẹ” đó làm ông không chịu nổi, rồi cũng rớt 1, 2 giọt nước mắt. Đã bao nhiêu năm làm nghề mà vẫn vậy…
“Nghề nào cũng phải kiếm ăn, nhưng riêng cái nghề này phải có tâm, có đức. Không phải suốt ngày cứ mong chờ có người chết để mình có việc làm, mọi chuyện cứ để nó đến tự nhiên. Mọi người cũng đừng nghĩ làm cho người chết thì làm sao cũng được. Với người sống, mình sai, người ta biết, người ta chửi đánh rồi thôi. Còn với người đã nhắm mắt, mình làm gì bậy bạ, tự mình biết, lương tâm mình dằn vặt không yên đâu”, ông Hùng trầm ngâm, kết thúc một câu chuyện nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.