Sống nghèo giữa đại ngàn

21/07/2017 14:10 GMT+7

Khu tái định cư được đầu tư cơ sở hạ tầng khá đầy đủ với kinh phí gần 14 tỉ đồng, song hàng trăm hộ dân của hai làng Tung và Gut, xã Krong, H.Kbang (Gia Lai) vẫn quay về làng cũ sống lay lắt, nghèo đói.

Ngày mưa, khu tái định cư của hai làng Tung và Gút với 149 nóc nhà đìu hiu. Tìm mãi mới thấy một vài cụ già ngồi lọt thỏm trong góc nhà. Người lớn, trẻ em hầu hết đã quay về làng cũ, cách khu tái định cư gần 10 km đường rừng.
Ông Blứ than: “Người làng bỏ đi vì khu tái định cư không có đất cho dân canh tác. Phải vào làng cũ mới có cái ăn...”.

tin liên quan

Dân lập chốt phong tỏa bãi rác
Bức xúc trước tình trạng gây ô nhiễm của bãi rác Da Lợn (trên địa bàn xã Minh Tân, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) và mỏ đá đang khai thác, người dân xã Gia Minh, H.Thủy Nguyên đã lập lán, dựng chốt ngăn các loại xe vào khu vực này.
Con đường vào làng cũ, nơi hàng trăm người dân tìm về sinh sống, phải vượt qua những con dốc trơn trượt, suối sâu mới đến nơi. Chị A Bom đang cùng bốn đứa con dùng bữa tối, mâm cơm chỉ có mỗi đĩa cá nhỏ kho sền sệt. Chị A Bom nói: “Ở đây cũng nghèo nhưng ít bị đói…”.
Dự án xây dựng khu tái định canh, định cư của hai làng này được thực hiện trong giai đoạn 2007 - 2010 với mức đầu tư gần 14 tỉ đồng, thuộc chính sách hỗ trợ di dân, định canh định cư của Chính phủ. 149 hộ dân được di dời về gần UBND xã Krong. Khuôn viên khu tái định cư rộng 30 ha. Dự án đã xây nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, điện thắp sáng… Ngoài ra, bà con còn được bố trí 50 ha đất sản xuất. Nghe qua hoành tráng là vậy, nhưng người dân không thể sống được ở khu tái định cư vì đất được cấp nằm trên đồi dốc, nhanh chóng bạc màu dẫn đến khó khăn trong canh tác.
Người lớn, trẻ con kéo cả vào khu làng cũ sống cuộc sống du canh, du cư với nhiều thứ không có như điện, nước sạch, y tế...
Hơn 770 nhân khẩu của hai làng với đa số là hộ nghèo sống lay lắt trong rừng già hiu quạnh. Ông Hỏa Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Krong, cho biết: “Từ đầu năm 2011, chúng tôi đã vận động bà con về nơi ở mới, có đầy đủ cơ sở hạ tầng. Nhưng đất sản xuất cho bà con đang là vấn đề nan giải”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.