Sống bên cạnh người chết

20/07/2006 18:24 GMT+7

Trước đây, ở Bệnh viện Đà Nẵng, nhà để quàn những bệnh nhân - hoặc những nạn nhân - vừa qua đời được gọi là Nhà xác và những người phục vụ được gọi bằng một tên nghe đến “rợn người”: nhân viên Nhà xác. Tên gọi của nơi để quàn những người quá cố nghe quá nặng nề nên từ năm 2004, nơi đây được đổi tên là Nhà Đại thể và nghiễm nhiên, những nhân viên phục vụ tại đây cũng được gọi bằng một cái tên khác: nhân viên Nhà Đại Thể.

Nhưng dù tên gọi của nơi làm việc như thế nào thì mỗi ngày, công việc của 2 nhân viên ở đây vẫn chẳng có gì thay đổi. Anh Giáp Nguyên Dũng - một trong 2 nhân viên Nhà Đại thể - nhớ lại: “Dù làm công việc này được gần 4 năm nhưng tôi chẳng thể quên được ấn tượng trong ngày đầu tiên nhận việc. Thú thật, tôi đã phát hoảng khi phải bế thi thể bê bết máu của một thanh niên cao lớn do tai nạn giao thông. Thời gian đầu, chưa quen với việc mang găng tay nên tôi cứ tay trần làm việc. Sau đó, ý thức dần những độc hại khi thường xuyên tiếp xúc với tử khí nên tôi cũng quen với việc sử dụng các trang bị bảo hộ lao động. Ngoài xác là bệnh nhân của BV chuyển ra, BV Đà Nẵng nhận tất cả những thi hài từ các nơi chuyển về với nhiều nguyên nhân tử vong như tai nạn giao thông, tự tử, chết nước, thiên tai... Nhiệm vụ của chúng tôi là vệ sinh thi thể, giữ xác trong phòng lạnh. Đã có những gia đình ở xa hoặc do nhà cửa chật chội nên phải cử hành tang lễ tại chỗ, lúc đó, chúng tôi “kiêm” cả công việc khâm liệm. Trong trường hợp người chết không có thân nhân, chúng tôi cáng đáng cả việc mai táng...”.

Ở BV Đà Nẵng, cứ 2 - 3 ngày là có một ca nhi sơ sinh tử vong hoặc do thực hiện “cô-vắc” cộng với bệnh nhân qua đời hoặc do các trường hợp tử vong từ nơi khác đưa về nên ngày nào, 2 anh Giáp Nguyên Dũng và Phan Văn Quế cũng “nhận bệnh”, một cách nói của 2 anh khi nhận xác. Do đặc thù của công việc nên các anh tiếp xúc toàn những chuyện buồn. Cụ Lê Thị Phước không có thân nhân và phải đi làm thuê, khi bị bệnh phải nằm liên tục mấy tháng ở BV đến khi qua đời. Và thế là, BV phải đứng ra lo, từ thuốc men cho đến việc mai táng bà cụ. Không ít trường hợp tử vong do tai nạn và chưa có thân nhân, cả hai anh phải chạy đôn, chạy đáo để nhờ báo chí, truyền hình thông báo. Cũng lắm trường hợp người bị nạn không có thân nhân và rốt cuộc, các anh chính là những người thân khi đưa những con người xấu số này về với đất. “Tại sao lại có những con người mang một số phận đáng buồn đến độ không có lấy một người thân trên đời?”. Những câu hỏi như vậy thường day dứt trong suy nghĩ của các anh. Càng trăn trở hơn khi Dũng và Quế gặp phải các trường hợp các cô gái bị hoang thai rồi phá bỏ. Khi thi hài những em bé xấu số được đưa ra, các anh phải hết lời khuyên nhủ để những người mẹ đó chịu an táng tử tế cho con. Lý lẽ các anh đưa ra cũng hết sức đơn giản: “Dù sao cũng là núm ruột của mình nên cần chôn cất để nếu có điều kiện thì lên thắp cho cháu một nén nhang”.

Vẫn biết người chết chẳng còn biết gì nhưng khi vệ sinh thi thể người quá cố, bao giờ, các anh cũng rất khẽ khàng. Từng có thâm niên 12 năm với công việc này nhưng anh Quế luôn có sự cẩn trọng: ”Khi dùng rượu và cồn tắm rửa, chúng tôi chỉnh sửa thân hình người chết từng li, từng tí. Những người qua đời do bệnh thường đau đớn trước lúc nhắm mắt, chúng tôi rất cẩn thận khi sửa sang khuôn mặt. Cuối cùng, cũng chỉ để gia đình đỡ đau lòng khi nhìn mặt người thân lần cuối và người khâm liệm đỡ phải uốn nắn, làm “đau” người chết thì rất tội! Với những trường hợp bị chết đuối, do cát hay xoắn vào trong tóc nên chúng tôi phải dội từng tý rượu để đầu tóc người quá cố được sạch sẽ nhất. Đứng trước những mất mát bởi cái chết, ai cũng đau lòng. Dù công việc ngày nào cũng vậy nhưng những cảm xúc của chúng tôi chẳng thể thay đổi khi chăm sóc những người xa lạ vừa qua đời như chính người thân của mình. Có như thế, chúng tôi mới trụ được với công việc này”.

Khi trực tiếp chứng kiến các anh làm việc, đa phần thân nhân của người quá cố đều cảm động, thường thể hiện sự hàm ơn bằng những món tiền nho nhỏ, gọi là tấm lòng thành của gia đình. Thế nhưng, với những vụ TNGT, tự tử, đâm chém... công an thường yêu cầu giữ gìn thi hài để tiến hành giám định pháp y song có không ít gia đình nằng nặc đòi nhận thi thể người quá cố. Sự bức xúc khiến nhiều người đã quát mắng, có thái độ và lời nói xúc phạm rất nặng với các anh. Những lúc như vậy, các anh chỉ biết im lặng chịu đựng. Bởi lẽ, công việc giữ gìn, chăm sóc thi hài những người quá cố của các anh vốn dĩ đã là công việc trong thinh lặng. Bên cạnh đó, chỉ với 2 con người, cả Giáp Nguyên Dũng lẫn Phan Văn Quế đều không hề có khái niệm lễ, Tết vì ngày nào cũng có người chết. Đối với gia đình, người thân các anh không giấu giếm nhưng không bao giờ kể cụ thể công việc đã làm, vì một lý do thật đơn giản: sợ người thân bị ám ảnh.

Giáp Nguyên Dũng tâm sự: ”Làm công việc này thường tin vào tâm linh. Bao giờ, chúng tôi cũng vệ sinh sạch sẽ và rất cẩn thận với từng thi hài người quá cố trước khi đưa vào ngăn lạnh. Có xác để đến 3-4 ngày cũng chẳng sao. Nhưng nếu gia đình vào nhận và có người khóc lóc, máu nơi khoé miệng của người chết sẽ bị trào ra ngay. Cũng lắm lúc, ngủ thiếp đi vì quá mệt mỏi - đến độ chuông điện thoại reng inh ỏi cũng không nghe - tôi lại loáng thoáng thấy có những cháu bé đến lay gọi tôi dậy nhận bệnh. Choàng tỉnh, tôi thấy các hộ lý đang đập cửa gọi nhận xác. Nhà Đại thể có sẵn một bàn thờ để phục vụ đám tang. Ban đêm, chúng tôi thường thắp nhang cho căn phòng bớt lạnh lẽo và cũng để cầu cho linh hồn của những người xấu số được siêu thoát”.

Từ công việc thường ngày của mình, cả Dũng và Quế đều cảm nhận rõ hơn giá trị của sự sống. Dĩ nhiên, đó là một lối sống tử tế với nhau để đến lúc xuôi tay, nhắm mắt, chẳng một ai phải ân hận về những gì đã làm, đã tạo ra... với cuộc sống, với những người thân yêu của mình. Và tại Nhà Đại thể, đó cũng là nơi mỗi người có thể nhìn lại mình rõ nhất! Có lẽ, cảm nhận rõ nét hơn những điều đó nên với cả Giáp Nguyên Dũng lẫn Phan Văn Quế, cả hai vẫn muốn gắn bó hơn với nghề “canh xác chết” khi với họ, đằng sau mỗi sự ra đi, mất mát, vẫn còn rất nhiều điều đáng để suy gẫm, để điều chỉnh bản thân theo một hướng tốt đẹp hơn sau mỗi ngày...

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.